Khi mọi thứ trong đời đang rất thuận lợi, muốn sao được vậy, sự nghiệp lên lên như diều, tình cảm phơi phới, tiền tài rủng rỉnh thì con người chẳng ai còn nhớ đến tính tạm thời của cuộc sống, và vì vậy đôi khi cũng đâm ra quá đà, tham quá, sân quá, si quá, hỷ nộ ái ô thái quá, vv. Đôi khi, con người ngộ nhận về sức mạnh của chính mình, khi tưởng rằng ta đã lên đến một đỉnh vinh quang nào đó rồi thì ta trở nên bất khả xâm phạm, nắm trong tay sức mạnh của thần thánh, hô mưa gọi gió. Sự hoang tưởng của con người về sức mạnh của mình thường phồng lên bất thường khi họ được thuận lợi, thành công, kiếm được tiền tài và vinh quang trong sự theo đuổi và khát khao của họ. Cho đến khi…
Cho đến khi đoạn thuận lợi kia nó hết hạn, vinh quang kia bắt đầu lao dốc, mọi sự may mắn đang có bỗng dưng tan biến. Đời người, không có điều gì là vĩnh hằng. Có rồi sẽ mất. Đến rồi sẽ đi. Lên rồi sẽ xuống. Sinh rồi sẽ tử. Qui luật của tự nhiên là như thế, không ai cãi được, cũng chẳng ai thắng được. Dù bạn có là ai, có làm được gì, có bao nhiêu của cải tiền tài đi chăng nữa, ngày check out vẫn cứ tay trắng chân trần. Sự ra đi của một nhân vật cho là quan trọng đi, thì cũng chỉ ì xèo có vài ngày, rồi đâu lại vào đấy, đời lại lãng quên, và người lại quay về với những guồng quay chóng mặt của cuộc sống. Rồi người ta cũng chẳng còn nhớ nữa, rằng đã từng có ai đó ghê gớm lắm, lợi hại lắm đã từng ghé qua quán trọ trần gian. Người ghé qua quá nhiều, rồi đi, ai mà nhớ nổi….
Nếu hiểu bản chất của cuộc sống là như thế, của trần gian là như thế, và đôi khi dừng lại nhắc nhở mình, có khi bạn sẽ chọn một cuộc sống rất khác, bớt ngáo đá đi, bớt tham lam đi, bớt sân si với đời đi, bớt quơ quào sở hữu đi và mở lòng ra làm những chuyện có ý nghĩa hơn, có giá trị hơn, mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn cho bản thân và người khác. Cuối cùng, con người cũng đến tay trần và đi cũng chỉ tay trần, có mang gì theo được đâu. Nếu đã thế, thì việc gì cứ phải cố chấp, phải giành giật, phải hại nhau để có? Cho nên, khi gặp phải chuyện tranh đấu, mâu thuẫn, co kéo về quyền lợi, có khi bạn nên tự hỏi mình 3 câu hỏi sau trước khi quyết định và lựa chọn cách hành xử và phản ứng của mình.
Câu hỏi thứ 1: Tôi làm vậy có tạo nghiệp không?
Đời này, đúng là đúng, sai là sai, không có mơ mơ màng màng gì ở đây hết. Nếu canh theo la bàn con tim thì tất cả chúng ta đều biết sao là đúng. Chỉ có con người vì tham sân si mà bóp méo la bàn bằng nhiều cách, rồi tự biện minh cho những hành động của mình. Có điều, làm gì làm, ai cũng biết làm vậy là sai hay đúng, quan trọng là bạn có dám đối diện với lương tâm của mình để nhìn nhận sự thật hay không mà thôi. Bạn biết hết đó, nhưng không phải ai cũng dám đối thoại với sự thật. Đôi khi, bạn nghĩ, thôi thì chỉ một lần này, thôi thì chỉ một lần nữa, thôi thì làm rồi sẽ sám hối và xin tội, vv. Chơi kỳ! Làm gì có chuyện qua mặt thánh thần như thế.
Luật nhân quả - karma có vay có trả, có chơi có chịu, có tạo nghiệp thì tự gánh chứ không ai hối lộ thần thánh để bớt tội được đâu. Cho dù bạn có cúng kiếng kiểu gì, xây chùa xây cầu kiểu gì, nếu bạn làm điều đó chỉ để hối lộ cho thần thánh xí xoá tội mình đã làm thì quên đi, không có cách khấu trừ dễ dàng như thế. Làm tội thì phải trả tội. Còn làm tốt thì sẽ được hưởng tác động tốt. Chuyện nào ra chuyện đó, nha. Cho nên, think twice - nghĩ lại đi mỗi khi bạn sắp làm gì đó tạo nghiệp. Có làm thì sẽ có trả thôi, chạy trời không khỏi nắng.
Câu hỏi thứ 2: Điều sắp làm có giúp tôi hạnh phúc hơn không?
Con người đã quen lấy thước đo là được cái gì, đặc biệt là vật chất, tiền tài, cảm xúc mơn trớn cái ego to vật vã của mình làm chuẩn. Tôi được gì, tôi sở hữu thêm gì, tôi lợi lạc thứ gì, chỉ tham lam muốn thêm, sở hữu thêm, có thêm, nhưng lại quên rằng con người thật ra có sở hữu gì trong cuộc đời này đâu. Đến cả hơi thở của bạn mà bạn còn không sở hữu kia mà. Bất cứ lúc nào, người ta cũng có thể mất hết, vì một chuyện hoạ vô đơn chí. Bạn tưởng mình control - kiểm soát được mọi thứ trong đời ư? Làm gì có! Ai đó hôm nay còn nhìn thấy ngày mai đã mất. Tiền bạc hôm nay có ngày mai mất. Danh vọng mới đổ đầy mặt báo đó ngày mai đã mang tiếng tội phạm xộ khám. Không có thứ gì trên đời là tồn tại vĩnh hằng.
Cho nên, tất cả những thứ tạm thời mà bạn sở hữu đều có thể có và có thể mất. Vậy, nghĩa là con người sẽ cứ lẩn quẩn trong bánh xe được mất có không, khi vui lúc buồn, khi hồ hởi lúc tuyệt vọng, khi lên voi khi xuống chó. Điều đó liệu có làm bạn hạnh phúc? Và từng lựa chọn bạn sẽ làm trong ngày hôm nay liệu điều gì sẽ giúp bạn hạnh phúc? Hay tất cả rồi cũng lòng vòng trong sự được mất rất mơ hồ?
Khi hỏi mình câu hỏi này, liệu điều tôi sắp làm có khiến tôi hạnh phúc hay không, bạn sẽ phải đối diện với sự thật về lòng tham và sự sân si của chính bản thân mình, đấu tranh với sự thật về bản chất cuộc sống và những tham vọng ảo của con người. Có thể câu hỏi không kéo bạn lại được khi lòng tham đã chạy quá xa, nhưng ít ra nó sẽ nhắc nhở bạn bớt bớt lại, đừng quá sân si và điên đảo mà sau này trả nghiệp không nổi.
Câu hỏi thứ 3: Ai rồi cũng chết. Vậy mình sống để làm gì?
Nếu ai cũng sinh ra rồi thì cũng chết đi, vậy thì what’s the point? Mình sinh ra là để làm gì? Ở giữa của sinh và tử người ta cứ phải mệt mỏi cào cấu, tranh giành, đấu tranh để tồn tại, có người hưởng nhiều hơn một chút, có người thiếu thốn hơn một chút. Có điều, sao rồi cũng tới lúc lăn ra chết. Vậy cũng đâu có gì khác nhau? Kết cục là y chang nhau. Nơi đi về không có gì khác nhau. Thân về cát bụi, ai nằm xuống cũng chỉ ba tấc đất. Vậy cuối cùng mình sống để làm gì? Thật vô nghĩa nếu cứ phải khổ sở lao lực đánh nhau giành giật với người đời rồi cũng trả lại hết mà đi. Vậy sao không làm chuyện gì cho mình vui, cho mình hạnh phúc, cho mình sống đã đời và đầy hứng khởi, cho tình yêu thương nảy mầm trong từng bước chân qua? Vậy có phải là xứng đáng hơn không, nhẹ nhàng và bình an hơn không? Ai rồi cũng chết mà. Sống sao cho ý nghĩa?
Đây là câu hỏi nghiệt ngã, khó khăn, thô ráp của sự thật. Ai dám hỏi, dám đối diện, dán trả lời thì người đó sẽ tạo ra những lựa chọn trong đời rất khác. Còn ai tránh né nó, không dám nhìn vào nó, tìm cách quên nó thì sẽ cứ xà quần trong mớ hỷ nộ ái ô được mất của đời. Vậy thôi!
Đôi khi, cũng nên hỏi mình những câu hỏi khó. Đôi khi, cũng nên dũng cảm đối diện với sự thật. Đôi khi, cũng nên suy nghĩ lại về những lựa chọn trong đời. Chỉ bằng cách phản tư này, con người mới học được cách tự nhắc nhở và hướng dẫn bản thân mình về con đường ánh sáng….
Comments