top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

Sống cho có trước có sau



Càng về sau, các thế hệ lớn lên trong nhung lụa, trong sự bảo bọc của gia đình càng nhiều, thì cái nghĩa ăn ở trên đời càng kém đi hay sao ấy. Quan sát trong cuộc sống của chính mình tại Việt Nam, và qua nhiều câu chuyện kể của bạn bè, người quen, tất cả cuối cùng đều trỏ về một điểm: ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân, không bao giờ biết nghĩ cho người khác. Nhưng sống kiểu này làm sao mà phát triển hay thành công được, khi trên hành trình mình bước đi đang làm tổn thương và gây rất nhiều phiền phức cho người khác, đặc biệt là những người giúp mình?


Có cái đạo lý trên đời nào mà khi người ta mở lòng ra, dồn tâm hết sức giúp mình, còn mình thì đi hại người ta hay không? Có đó! Khi bản thân không nghĩ được ở đâu xa hơn là lợi ích, cái sự muốn cho đã nư của bản thân, bất chấp việc mình làm có ảnh hưởng tới đứa nào hay không, thì đương nhiên bạn sẽ gây hại cho không ít người trong công cuộc thoả mãn sự ích kỷ của chính bản thân mình. GIờ bạn nghĩ đi, bất kỳ việc gì mình làm, dù là trong cuộc sống hay trong công việc, cũng ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh, mà người chịu ảnh hưởng lớn nhất là gia đình, anh em, sếp trực tiếp, đồng nghiệp, và nhất là tất cả những ai trong vòng tròn thân quen nhất đang ủng hộ mình, giúp đỡ mình, mở đường cho mình, dàn xếp sắp xếp cho mình, vv. Ai vì chút yêu thương trong trẻo, ra mặt ra tay promote mình, rồi bị một cú phớt lờ xinh đẹp khi mình quay xe bất ngờ phút 89, bạn nghĩ đi người ta sẽ sống sao cho nó đỡ quê? Mà quê thôi cũng được đi, bạn nghĩ sao khi người ta bị tổn hao về uy tín, tiền bạc, và nhất là niềm tin? Niềm tin của người khác dành cho họ, và cả niềm tin họ dành cho bạn và nhiều người khác nữa? Cho nên, chuyện bạn sống hồn nhiên theo cách cả thế giới đang quay xà quần xung quanh cuộc đời bạn, để cung phụng và làm vừa lòng bạn, nó là một thứ bệnh diệt đồng minh và tắt đường tiến thân. Is that what you really want? Really? Hông lẽ đó là thứ bạn muốn? Thiệt luôn?


Nói nghe nè, dù cuộc đời có thay đổi ra sao và cách mạng có mang màu mấy chấm thì thế giới này vẫn vận hành theo một mạng lưới niềm tin của những con người có, biết xây dựng và giữ gìn uy tín bản thân. Hết! Đơn giản vậy thôi đó. Không ai trên đời này thoát khỏi cái lưới trời quan hệ bằng niềm tin này hết. Hoặc là bạn ở ngoài nó và chẳng được ai có uy tín giúp đỡ. Hoặc là bạn ở trong đó và phải học cách sống có trước có sau. Người càng có uy tín và ảnh hưởng xã hội, họ càng quan trọng chuyện niềm tin. Và niềm tin không phải xây bằng cái mặt dễ thương, cái thói õng ẹo, cái trò xu nịnh ba cọc ba đồng, hay vài thứ mánh lới lưu manh vặt. Ủa bạn nghĩ bạn lưu manh bằng người từng trải và thành công không? Chuyện! Người ta biết hết, hiểu hết, thấy hết, nhưng chọn cách sống đàng hoàng, đối nhân xử thế cho nó coi được, mở lòng giúp đỡ mọi người và sống có trước có sau. Nhờ vậy mà người ta thành công bền vững, làm gì cũng được cả một network người tin tưởng ủng hộ, chứ không phải vì người ta không biết lưu manh. Lầm chết! Cho nên, please - thôi đừng có giở mấy cái trò trẻ trâu đó ra để làm cho đã cái nư của đứa con nít không bao giờ chịu lớn. Làm ơn đi, học cách biết nhìn sau nhìn trước, nhường dưới kính trên. Cái đạo lý cũ mèm và mộc mạc này nó đã sống mấy ngàn năm nay, và sẽ còn sống tới tận cùng tồn tại của hành tinh lộn xộn này. Chỉ cần học được thứ bí kíp nhà quê nhưng cực kỳ quyền lực này, đời bạn rồi sẽ khác.


Thật ra, nói đi thì cũng nói lại. Lý do tại sao các thế hệ tiếp nối đang lâm vào tình trạng này cũng một phần là do môi trường giáo dục. Ở nhà thì được nâng trứng hứng hoa, chu mồm lên là có người phục tùng. Tới trường thì tranh thủ học thêm văn mẫu riết mà thành một đoàn quân ỷ lại. Học thì như thú nhồi bông về kiến thức nhưng chẳng hiểu gì về đạo đức cơ bản của kẻ làm người. Ra xã hội thì ôi thôi, toàn là chuyện mạnh đứa nào đứa đó chèn ép, chơi xấu, ăn dày, hiếp đáp…. Ở trong cái môi trường như thế, và với sự vắng bóng của những kênh giáo dục chính thống về “đạo làm người”, đương nhiên các em mọc túa xua lên thành những cây cỏ dại, không hiểu và không có chút ý niệm nào về cái sự thường tình của sống ở đời phải có trước có sau. Nhiều khi gặp các bạn như thế, mình cứ nhướng mắt “ủa là sao?”, “vậy cũng làm được nữa hả?”, và đôi khi mất hết niềm tin vào chữ “người” của những thế hệ đi sau. Ngẫm lại, thật ra đó chỉ là biểu hiện đương nhiên của một xã hội và nền giáo dục mục ruỗng mà thôi. Cứ nhìn đi, ngày nào báo chí chẳng đưa tin con giết cha, người yêu giết con riêng, loạn luân, người thân trong nhà chửi bới xử nhau. Bu vào đó mà nhiếc mắng thì chả có được tí ảnh hưởng nào. Tất cả, chỉ là biểu hiện phát bệnh của một căn bệnh ung thư “người” di căn từ mấy chục năm nay, giờ đã tới thời kỳ cuối. Muốn chữa, đâu có cách nào khác hơn là diệt sạch cái nguồn gây bệnh. Chứ ở đây chán ngán buồn phiền, chửi bới liệu có ích lợi gì?


Khó, vì đây nó là căn bệnh có cái rễ quá sâu, muốn chữa phải tính bằng thế hệ. Cho nên, trong cái sự giới hạn của đời người ở nhân gian, có lẽ mỗi chúng ta chỉ có thể “cứu” vài người có duyên gặp gỡ trong đời. Còn lại, thấy thì cười, chia sẻ một tiếng dù họ chẳng có nghe, phủi tay bỏ qua, rồi lại thong dong bước. Tu sửa bản thân mình đã khó. Giúp được người khác càng khó hơn. Duyên đến thì làm. Duyên đi thì sayonara chứ chẳng có sao. Đời mà! Cứ phải thuận tự nhiên mà sống….

18.606 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page