top of page

Scale your business, go franchising!



Đây là chủ đề chính tại Hội nghị nhượng quyền quốc tế Indonesia năm 2022. Nếu muốn tăng tốc phát triển doanh nghiệp, hãy nhượng quyền. Đề tài này, cũng nhằm vào sự sắp xếp lại của thị trường sau Covid. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Indonesia phải đóng cửa vì không chống đỡ nổi tác động của dịch. Các tập đoàn lớn thì cho nghỉ việc hàng loạt, tính bằng con số ngàn người. Đầu tư vào gì bây giờ, khi thị trường đang nháo nhào, địa ốc, chứng khoán, crypto, trái phiếu, vv đều rủi ro không cân nổi.


Cũng giống như Việt Nam, nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Indo bắt đầu đổ xô vào nhượng quyền, đặc biệt là các mô hình có vốn đầu tư thấp, hoàn vốn nhanh, rủi ro vì vậy cũng có phần hạn chế hơn so với cái điệu yoyo của thị trường chứng khoán. Nhượng quyền từ đó đã chuyển mình thành sản phẩm tài chính, hay nói đúng hơn là sản phẩm đầu tư thay thế. Mà khi đã trở thành sản phẩm đầu tư thì, việc đầu tiên nhà đầu tư cần làm, là tính toán mức độ rủi ro của nó.


Một chuyên gia nhượng quyền và là bạn tôi tại Indo cho biết, đang có một vụ kiện tụng khá lớn ở đây giữa doanh nghiệp nhượng quyền và một số nhà đầu tư nhỏ lẻ. Khi đầu tư, và không tham gia vận hành, họ không học, đọc, hay xem kỹ điều kiện đầu tư. Là nhà đầu tư tài chính, nghĩa là bạn chỉ xem kết quả tài chính, chứ không có quyền can thiệp vào hoạt động của chi nhánh hay công ty. Nếu công ty quản lý vốn đầu tư nhượng quyền cho bạn làm tốt, mang lại kết quả tài chính là ok rồi, đừng nên hạch sách họ chuyện sao họ không làm cái này hay tại sao lại làm cái kia. Ngược lại, khi kết quả đầu tư không tốt, nhà đầu tư có thể chất vấn về khả năng quản trị của công ty quản lý, hoặc thay đổi công ty quản lý nếu cần.

Mà mấy công ty này khi quản lý đầu tư có guarantee lợi nhuận không anh?


Làm gì có. Đầu tư thì phải có rủi ro chớ. Làm gì có sản phẩm đầu tư hay business nào mà không có rủi ro. Còn nếu muốn tự mình quản trị vì bản thân chỉ tin vào bản thân thì bạn nên tự mua nhượng quyền tự vận hành đi. Vậy thì bạn sẽ hiểu thực tế nó ra sao. Lãi lỗ thắng thua mặt mũi thế nào. Nếu bạn có khả năng thì thắng còn không thì sẽ thua. Khả năng quản trị và vận hành của bạn là biến số, ai dám guarantee là mua nhượng quyền là sẽ thành công cho được.


Anh nói, với quan điểm mạnh mẽ của người từng trải trong ngành, và chút cảm xúc hơi cao của người đang đứng giữa tư vấn cho cả bên mua và bên bán.


Có điều, nói đi cũng phải nói lại, nhiều franchisor cũng thiếu chuyên nghiệp lắm Phi. Vì ham hố scale nhanh mà họ cũng bất chấp, lùa gà thu tiền ầm ầm trong khi nền tảng quản trị và hỗ trợ chẳng ra gì. Thấy tiền sáng mắt mà quên luôn cái lương tâm. Họ làm tào lao chuyện của họ thôi chưa đủ. Làm ảnh hưởng và kéo theo sự hỗn loạn cho ngành, khiến doanh nghiệp nhượng quyền đàng hoàng cũng bị vạ lây. Rõ khổ!


Nghe xong, thì thấy thị trường nhượng quyền Indo cũng đang tranh tối tranh sáng như Việt Nam mình. Nhà đầu tư chạy theo những lời hứa “bất khả thi” vẫn còn nhiều. Nhà đầu tư có hiểu biết vẫn còn quá ít. Hơn nữa, kiến thức quản lý danh mục đầu tư dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn còn hạn chế, không có những kênh chính thức. Do đó, nhà đầu tư vẫn cứ hay bị lùa gà vì xớn xác lòng tham.


Chịu thôi. Đã là lòng tham, thì sẽ gặp lòng thâm. Bài học đó có lẽ mỗi người phải tự mình trả giá và học lấy. Chỉ mong, những người làm thật, làm đàng hoàng, làm tốt sẽ cố gắng sống còn và phát triển, để đến một lúc nào đó, khi số lượng nhà đầu tư có hiểu biết tăng lên, thì thị trường tự khắc nó sẽ thanh lọc và điều chỉnh theo hướng đầu tư tích cực. Có điều, mọi người cũng nên bắt đầu nhận thức rằng, nhượng quyền cũng là một sản phẩm đầu tư. Và bạn nên tìm hiểu kỹ kiến thức về nhượng quyền trước khi khởi sự đầu tư, tránh những rủi ro không cần thiết.


Rủi ro lớn nhất chính là con người, hay quan trọng hơn là founder đằng sau mô hình và thương hiệu mà bạn chọn. Nhượng quyền chưa bao giờ là lời hứa ngọt ngào sẽ kiếm được tiền khủng cỡ nào. Ai cũng phải làm việc chăm chỉ mới ra tiền, chứ tiền đâu ở trên cây mà hái. Có điều, khi người founder có hiểu biết, chuyên nghiệp, tử tế, đàng hoàng, cách họ xây dựng, chia sẻ, hỗ trợ sẽ hoàn toàn khác. Còn khi founder tổ chức theo kiểu buôn bán nhỏ, tiểu thương, thì hệ thống hỗ trợ chắc chắn bằng không hoặc không được đầu tư bài bản để mô hình phát triển vững bền. Nhà đầu tư vì vậy nên tìm hiểu kỹ về con người đứng sau trước khi hợp tác.


Dù sao, nhượng quyền vẫn là hình thức scale doanh nghiệp và là kênh đầu tư sẽ phát triển mạnh và vững chắc trong thời gian tới. Còn lựa chọn đầu tư có hiểu biết thì là lựa chọn của mỗi người. Và lựa chọn nhượng quyền tử tế cũng lại là lựa chọn của mỗi doanh nhân….

1.600 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page