top of page

Tìm lại mojo


Em nói, hồi xưa em vui vẻ, nhiệt tình, hứng khởi trong cuộc sống lắm, vì được làm những gì bản thân muốn làm. Sau này, một phần vì thấy mình chưa làm được gì ra trò, một phần để đỡ làm đau gây khổ cho người xung quanh, em bắt đầu nghe theo, không suy nghĩ hay phản kháng nữa mà phó mặc, làm theo sự hướng dẫn, chỉ dẫn của người khác. Rồi giờ, em thành ra thế này, lầm lì, ít nói, thụ động. Từ extreme - cực đoan này, em chuyển sang extreme ngược lại, theo kiểu cách của mình không work thì thôi mình buông xuôi làm theo cách của người khác cho rồi, cho lẹ, cho dễ, cho đỡ phải mất công suy nghĩ. Xưa nay quậy quọ phản kháng, suy nghĩ quá cũng đã mệt rồi. Nay mấy người muốn tui sao cũng được, kiểu thế!

Thật ra, chuyện của em không phải là chuyện riêng của em, mà là hành vi phản ứng khá phổ biến của nhiều người trẻ khi bị người lớn liệt vào dạng “thất bại”, hay nói đúng hơn là “vô dụng” theo định nghĩa của họ. Những đứa trẻ bất thường theo định nghĩa và qui chuẩn của xã hội, ví dụ suốt ngày bay bổng trên mây, tâm hồn treo ngược cành cây, lậm game, ghiền nhạc, vẽ vời linh tinh, vv, không lo học hành hay “làm việc” đàng hoàng dễ bị liệt vào dạng thức này. “Làm việc” là định nghĩa theo qui chuẩn xã hội, phải có cái nghề được xã hội công nhận. Còn đàng hoàng là làm sao cho gia đình dòng họ nở mày nở mặt, có cái để vin vào mà đi khoe với thiên hạ. Trong những định nghĩa cố định theo qui chuẩn của thế giới bên ngoài, thì các em có rất nhiều đứa đang thuộc dạng “outsiders - những kẻ ngoài lề”.


Và thường thì, hoặc là gia đình tìm mọi cách ép các em quay lại “còn đường đúng” theo định nghĩa của người lớn bằng tình cảm, cảm giác tội lỗi, bằng cách cắt dòng tài chính, hoặc là làm dữ đến độ “từ con”, vv. Những cách làm này đôi khi có hiệu quả vì sức ép tâm lý, nhưng cũng rất hại vì nó bắt buộc các em phải lựa chọn giữa A và B mà không có dư địa nào khác. Cũng vì vậy, hầu hết các em khi bước sang lựa chọn “ngược lại” theo yêu cầu của người khác, thì cũng rơi vào trạng thái tắt đèn, tối lửa, khép mình lại, rút vào trong…. Từ đó, các em mất mojo - mất lửa, mất định hướng, mất niềm vui và sự hứng khởi vào mọi thứ, sống một cách tồn tại và ngoan ngoãn làm theo vì đó là điều đúng theo yêu cầu của thế giới bên ngoài. Một số em trở thành như thế. Quá khứ, hiện tại, tương lai không còn kết nối với nhau. Nhưng…, không cần thiết phải như vậy, vì thiếu mojo - sự hứng khởi của cuộc sống thì thật ra các em làm gì cũng chẳng tới đâu. Là người đã mentor cho nhiều người trẻ tìm lại mojo, mình xin phép chia sẻ vài ý kiến như sau để mọi người hiểu đúng hơn, thông cảm hơn, bao dung hơn, và hướng dẫn tốt hơn cho các em.

Yêu thương sai có thể gây hại

Trên đời này, không ai có thể dạy ai hay bắt ai phải chọn làm nghề nghiệp hay đi theo con đường nào theo ý của họ được. Bạn là bạn. Họ là họ. Các em là các em. Duy có một điều cần phải học khi làm người lớn mà chẳng ai chịu học trong đời là tôn trọng sự khác biệt. Mỗi con người sinh ra trong đời đều là một bản thể độc đáo của vũ trụ, đều có những tài năng và thiên hướng khác nhau. Nếu biết dựa vào thế mạnh đó để phát huy, ai rồi cũng sẽ toả sáng. Ngược lại, nếu cứ áp bức, ép buộc, bắt người ta phải uốn éo vào trong cái khuôn do mình tạo ra thì 99% là sản phẩm đổ ra nó sẽ đúng hình nhưng “chết ý”. Bạn có mong con em mình sẽ trở nên như thế hay không? Một chiếc zombie lê thê giữa những tháng năm dài, không còn biết mình là ai, không còn biết sống là gì, lủi thủi trong sự lay lắt của cuộc sống. Có ai muốn vậy không? Chắc là không. Vì ai cũng bắt đầu từ tình yêu thương mà, nhưng yêu thương sai có thể gây hại. Và ngày mà người lớn nhân danh tình yêu thương để đoạn tuyệt các em với mojo của mình, là ngày họ vừa mới khép lại cánh cửa cuộc đời đang mở ra trước mắt. Đau!


Job nào người đó

"Tôi không sợ một đàn sư tử được lãnh đạo bởi một con cừu. Nhưng tôi e ngại một đàn cừu được dẫn dắt bởi một con sư tử", Alexander Đại Đế đã từng phát biểu như thế. Cho nên, nếu ai đó muốn ép khuôn ra một con cừu, với hy vọng nó sẽ ngoan ngoãn và cúi đầu nghe theo lời mình, thì đừng bao giờ có ý định expect - mong cầu nó trở thành con sói hay con sư tử đầu đàn được. Job nào người nấy. Muốn nó dẫn dắt, làm lãnh đạo, toả sáng như một thằng đàn anh xứng đáng thì phải cho nó động lực, cho nó sức mạnh, cho nó tầm nhìn, chấp nhận sự ương bướng và trái người khoáy nết của nó, chấp nhận sự “khác biệt” của nó. Chỉ như vậy, khi con sư tử đầu đàn được sống với mojo của chính mình, nó mới có thể trở thành sư tử được. Còn nếu mạng con sư tử nhốt vào chiếc khuôn cừu, thì bạn chắc chắn sẽ đổ khuôn ra một con bao bì sư tử nhưng trái tim thì siêu cừu mất rồi, làm ăn gì được nữa?

Thành ra, giáo dục chưa bao giờ là dạy, là ép, là diễn trò “tim nhồi bông”. Trong quá trình nhồi bông sư tử thành cừu, bạn đã giết chết nó.


Giúp người khác, luôn phải bắt đầu từ họ, không phải từ bạn

Dễ hiểu thông đúng không, khi ta không bắt đầu từ mong muốn cá nhân mình để nhồi bông ai đó khác, thì đương nhiên mọi sự bắt đầu phải khởi động từ họ. Các em mong muốn trở thành ai? Các em yêu thích điều gì? Thứ gì giữ cho mojo sôi sùng sục và năng lượng trở thành dòng chảy? Không ai dạy ai cách tạo ra động lực được cả. Động lực tự sinh ra khi các em làm những gì các em đam mê, yêu thích, thấy có giá trị, thấy relevant - liên quan đến mục đích sống của chính mình. Why? Tại sao tôi phải làm điều tôi đang làm? Khi tìm được why, chúng ta sẽ không cần phải truyền cảm hứng hay động lực gì, vì con sư tử chẳng bao giờ cần ai khác phải động viên nó. Nó có giấc mơ dẫn dắt, và nó sẽ tìm những người thông thái để hướng dẫn nó cách trở thành con sư tử đầu đàn. Đơn giản là như thế!

Never start from what you want - đừng bao giờ bắt đầu từ thứ bạn muốn, mà phải luôn bắt đầu từ những gì các em mong muốn. Khi unlock - mở khoá được dòng chảy mojo đó thì voilà! Các em bắt đầu hành trình đầy nắng gió của mình một cách đầy hạnh phúc.


Đừng cúi đầu làm theo chỉ vì bạn chưa thành công

Còn với các bạn đang hay đã cúi đầu thay đổi từ sư tử sang cừu, vì thấy mình thật là thất bại từ trước đến nay, think twice - hãy nghĩ lại! Chưa thành công không có nghĩa là bạn dở. Chưa thành công có khi là do bạn chưa hiểu đúng, hiểu đủ, chưa kết nối được bản thân và khả năng của chính mình với hiện tại và tương lai. Đôi khi, chỉ cần có một mentor dẫn dắt, chỉ cần một cuốn sách hay một lời nói cũng có thể tạo ra kết nối diệu kỳ đó, giúp bạn lèo lái hành trình tiếp theo của mình dựa trên thế mạnh cá nhân. Hành trình đi tìm ra điểm kết nối có khi cực kỳ loay hoay, lòng vòng, gian nan với từng cá nhân nhưng xin đừng bỏ cuộc. Còn tìm, là sẽ tìm thấy. Sợ nhất là con cá bỏ cuộc ngay tại bờ sông, khi chỉ cần một cú vẫy đuôi nữa thôi là lọt thỏm vào lòng sông. Bạn cũng vậy! Cố lên! Đừng cúi đầu bỏ cuộc và rồi ngoan ngoãn khép mình lại. Ngày bạn làm chuyện đó cũng là ngày bạn khai tử cho mojo của cuộc đời mình. Thế là xong! Mọi sự hứng khởi khép lại. Cuộc đời zombie mở ra, và nó cứ lê thế như thế cho đến ngày bạn không còn chịu nổi…. Who knows? Ai biết rồi ngày ấy sẽ ra sao?


Trải nghiệm nào trong đời cũng có ích, kể cả trải nghiệm “underground”

Mình hay nói đùa, con gái mình cho nó sống thả ga, on the edge - hơi bên bờ vực chút, mọc sồng sộc như cỏ dại chút để nuôi dưỡng cái mojo của bản. Đương nhiên, trong suốt quá trình này mình vẫn luôn đồng hành, chia sẻ, tương tác để giúp bạn định hướng đúng cho bản thân. Trải nghiệm, dù là trải nghiệm nào, dù “underground” kiểu nào cũng là chất liệu rất đã đời cho mỗi người. Muốn sáng tạo thì phải tưởng tượng. Muốn tưởng tượng thì phải tự do, có trải nghiệm lạ, mới, thử thách với những gì mình từng biết…. Càng tự do trải nghiệm, càng kết nối được nhiều góc nhìn, ý tưởng, cách tiếp cận, cách tư duy để tạo ra cái mới. Thời này, ai được vậy là vô địch, bởi chúng ta đang sống trong nền kinh tế và thế kỷ sáng tạo mà. Cho nên, cứ trải nghiệm thật nhiều, và cho các em trải nghiệm thật nhiều đi. Đó gọi là giáo dục.


Vậy nha. Mong là những chia sẻ này sẽ giúp ai đó dừng lại, tư duy lại, làm, khác đi, hay dũng cảm lấy lại mojo cho cuộc đời mình. Cuối cùng, sống chứ đâu phải là tồn tại!



3.554 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page