
Câu hỏi đầu tiên tất cả chúng ta thường hỏi khi đối diện với bất kỳ cơ hội, quyết định hay lựa chọn nào trong đời là “Tôi được gì?” Đó là phản ứng tự nhiên, phổ thông, bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho bản thân. It’s OK - đặt câu hỏi như vậy là OK, không có gì sai cả. Nhưng khi đã đặt câu hỏi này thì ta đang đặt mình vào cái khung tư duy “giao dịch”, sự trao đổi công bằng tôi được gì & họ được gì.
Game nào luật đó. Nếu đã chơi game giao dịch thì phải fair. Hỏi được câu “tôi được gì” thì phải nghĩ cho tới “họ được gì”. Chớ đừng chơi kỳ, nghĩ và cào cho được quyền lợi cá nhân xong im, kệ người khác có được gì không từ cái giao dịch lẽ ra phải fair này. Nếu đặt mình vào thế người ta, toàn đòi hỏi và đấu tranh cho bản thân, xong họ không nghĩ gì cho mình hết, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Cho nên, OK nếu chơi game “giao dịch” thì chơi cho đúng luật, win-win cho tất cả các bên, và tâm thế nên là chủ động nghĩ cho quyền lợi công bằng của tất cả mọi người.
Còn nếu đã không là giao dịch, thì sẽ là quan hệ “cho-nhận”. Nhận nghĩa là mình là người thụ hưởng một chiều, không cần phải đổi chác, trao đổi gì cả. Người ta cho và mình nhận. Nếu được thoải mái, vô điều kiện, hồn nhiên nhận lãnh như thế thì hồn nhiên thôi đừng hồn nhiên quá. Trước hết là người ta cho gì nhận đó, đừng đòi hỏi, vòi vĩnh, cò kè bớt một thêm hai. Người ta cho là quý hoá lắm rồi. Cho sao nhận vậy. Hai là biết nhận thì phải học cách trân trọng, biết ơn bàn tay đã cho đi. Không nhận thì tránh ra, đừng liên quan. Còn một khi đã nhận thì đừng thái độ, phủi tay ý kiến này chê bai nọ. Không thích thì đừng nhận, đơn giản là như thế.
Mà vũ trụ này vận hành công bằng lắm, vay đằng này ắt phải trả đằng khác. Không có thứ gì trên đời này mà free hết. Bạn nhận bất kỳ thứ gì từ bất kỳ ai, thì dù họ có đòi lại hay cho đi một cách hồn nhiên, bạn cũng đều phải ghi nợ vào tài khoản vũ trụ của mình. Mà nhận hoài nhận hoài là cứ như thẻ tín dụng á, sẽ âm nợ mỗi ngày một chất chồng lên. Lấy hoài, nhận hoài thì nợ sẽ lút đầu, đời này và nhiều đời sau nữa sẽ phải è cổ ra mà trả. Cho nên, có nhận thì nên trả, trả cho chính chủ, hoặc pay it forward - trả bằng cách cho nhiều người khác nữa một cách vô điều kiện, nếu đó là ý nguyện của người cho mà bạn đã từng nhận lãnh từ. Đời này, nhận gì cũng phải trả hết, không bằng cách này thì cách khác, chớ không có thứ gì free đâu, đừng xông vào lấy lấy nhận nhận mà không hiểu luật chơi của vũ trụ này.
Ngược lại, đối với người cho, không phải cho là thành thánh muốn múa sao thì múa. Cho cũng cần có tâm thế rõ ràng, biết tại sao mình cho, hiểu rất rõ vì sao mình lựa chọn. Nếu cho, mà mong người ta phải trả, dù là trả lại, trả đủ, trả có lời hay trả ơn, thì đó không phải là cho, mà là “giao dịch”. Chẳng qua, bạn đang cho mình ở thế trên cơ, ban phát và cho vay nặng lãi. Cho một lần mà nhắc cả đời, muốn người ta phải trả ơn tới tới, thì sao gọi là cho? Còn nếu thật sự là cho, thì chỉ cho thôi, tâm không lăn tăn, lòng không gợn sóng, vui vẻ cho, hạnh phúc cho, cho xong quên luôn là mình có cho, ai nhận lãnh lợi lạc gì từ đó và còn nhớ hay đã quên cái ơn nhận lãnh kia cũng no problemo - quên rồi làm sao nhớ và nhớ đâu mà nhắc. Cho là cho từ cái tâm trong sáng, không phân biệt, và vô trụ - chèo đò đưa qua sông rồi thôi, không lăn tăn khách đi đò đã quên hay còn nhớ.
Chỉ là chuyện cho nhận, nhưng cách ta tiếp cận nó thể hiện chữ đạo trong mỗi con người. Và dù ta có xử sao, phô ra giấu đi cái kiểu gì trong cuộc đời này, mọi hành động và giao dịch trên thế gian này đều được ghi nợ ghi có đầy đủ, tự động trong tài khoản vũ trụ của mỗi người. Cho nên, lâu lâu cứ phải nhìn lại, kiểm điểm lại, phản tư một chút về cái sự “đạo” của mình. Rất nhiều khi trong đời, ta bị cuốn đi mà quên mất mình đang chơi game chưa đúng luật.
Comments