top of page

TƯ DUY 600

Ảnh của tác giả: Phi Vân NguyễnPhi Vân Nguyễn


Khi hàng Thái đổ bộ vào thị trường Việt Nam và khi ngành bán lẻ Việt Nam lâm vào tình trạng thua trắng trên chính sân nhà, có quá muộn chăng nếu chúng ta đến lúc này mới bắt đầu lên tiếng? Sự việc mà chúng ta nhìn thấy thật ra chỉ là một hiện tượng, là hệ quả tất yếu của một quá trình, trong cuộc chơi mà kẻ thắng có tầm nhìn và tư duy dài hạn. Không phải tự nhiên mà người ta đổ bộ vào một thị trường. Bất kỳ doanh nghiệp có tầm nhìn khu vực hay quốc tế nào, dù là doanh nghiệp lớn của quốc tế, hay doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực, đều làm rất giỏi một điều, vẽ bản đồ bành trướng. Bản đồ của họ nếu là Thái lan sẽ không dừng ở tư duy 60 (60 triệu dân – dân số Thái lan), mà có thể là 600 (600 triệu dân – cộng đồng kinh tế ASEAN), hay 800 (800 triệu dân – cộng đồng khu vực TPP). Nếu đã cầm bản đồ như vậy trong tay, việc đổ bộ vào Việt Nam thật ra chỉ là chuyện sớm hay là muộn. Thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Khi thời cơ đã đến rồi, bên thắng cuộc chỉ còn mỗi việc phải làm là phất cờ và thẳng tiến.


Quay lại câu chuyện của doanh nghiệp Việt Nam, điều gì khiến cho chúng ta loay hoay, lúng túng ngay tại sân nhà? Chúng ta không biết thị trường chữ S có nằm trên bản đồ của họ? Hay bản thân chúng ta thật ra chưa bao giờ nghĩ đến việc vẽ bản đồ? Dù câu trả lời của bạn là gì, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần bước lên một điểm thật cao, phóng tầm mắt thật xa, và học cách vẽ bản đồ bành trướng. Họ đi vào thì mình cũng đi ra. Khu vực là thị trường. Đây là sân chơi chung, công bằng, đầy cơ hội cho những doanh nghiệp không còn quốc tịch.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC) ngay sau khi trở thành một khu vực thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cuối năm 2015, đã thu hút sự chú ý của vô số tập đoàn quốc tế. Có một phần đáng kể trong mớ tình cảm mặn nồng dành cho thị trường Trung quốc và Ấn độ trong một thập kỷ qua bắt đầu chuyển hướng dần đến AEC. Và những dự đoán về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, sự phình lên nhanh chóng của tầng lớp thu nhập trung bình, và sự phơi phới của dân số ASEAN so với dân số già nua tại Trung quốc và Nhật bản, đã biến nơi này thành vùng đất mới đầy hứa hẹn. Việt Nam, thị trường lớn thứ ba về dân số trong cộng đồng kinh tế ASEAN, cũng dĩ nhiên trở thành cô gái trẻ được nhiều người theo đuổi. Khi nhìn về AEC như một thể thống nhất, đây là thị trường có tổng dân số 615 triệu, với tổng ngân sách chi tiêu 1,5 nghìn tỷ USD năm 2015. So sánh về độ lớn thị trường cùng năm, Trung quốc là 3,8 nghìn tỷ USD và Ấn độ là 1,2 nghìn tỷ. Ngân sách chi tiêu này phần lớn là nhờ vào sự đóng góp của tầng lớp thu nhập trung lưu ngày càng tăng tại AEC, ví dụ hộ gia đình có thu nhập thặng dư trên 10,000 USD/năm hiện nay tại AEC là 47,1 triệu gia đình, và dự đoán đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên thành 63,9. Như vậy, xét về độ lớn thị trường và tiềm năng phát triển, AEC đương nhiên trở thành thị trường trọng điểm dành cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, với sự hình thành khu vực kinh tế tự do từ cuối năm 2015 và với vị trí địa lý tạo điều kiện thuận lợi về chuỗi cung ứng giữa các quốc gia, không cần phải nói thì ai cũng hiểu rằng AEC chính là khu vực thị trường mà dù mới khởi nghiệp hay đang tái khởi nghiệp để phát triển, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải lấy thị trường khu vực này làm điểm đến. Do đó, tư duy thị trường không cho phép chúng ta dừng lại ở 90 được nữa (Việt Nam hiện có khoảng 90 triệu dân), tư duy bây giờ trước khi vẽ bản đồ phải lập tức thay đổi thành con số 600.


Tuy nhiên, dù được nhắc đến như một thị trường thống nhất, AEC thật ra là một tô xà lách ngon với rất nhiều nguyên vật liệu khác nhau. Tuy 1 nhưng lại là 10. AEC là một bức tranh đa dạng của 10 sắc màu thị trường, với nhiều điểm khác biệt từ thu nhập, mức độ phát triển kinh tế xã hội, văn hoá, ngôn ngữ, quan điểm chính trị và tôn giáo. Người tiêu dùng tại mỗi thị trường sẽ có nhu cầu khác nhau, sở thích khác nhau, và mức độ tiêu dùng cũng hoàn toàn khác nhau. Doanh nghiệp vì vậy không nên áp dụng chiến lược phát triển chung cho cả khu vực AEC. Để có thể thành công khi dấn bước vào mỗi thị trường, dù tư duy là 600, nhưng chiến lược địa phương hoá sản phẩm, mô hình và kế hoạch kinh doanh lại là chìa khoá. Điều mà doanh nghiệp cần phải lưu ý là phân cấp thị trường theo mức độ phát triển, theo độ lớn thị trường và sự sẵn sàng đón nhận của người tiêu dùng đối với sản phẩm hoặc mô hình của mình. Ví dụ hiện nay nếu tính về độ lớn thị trường tại AEC theo tổng ngân sách chi tiêu, thứ tự xếp hạng theo mức độ nhỏ dần sẽ là Indonesia, Thái lan, Phillipines, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Myanmar, Cambodia, Lào, Brunei. Như vậy, đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng phổ thông, thứ tự này là điều kiện cần để doanh nghiệp vẽ bản đồ bành trướng. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh sản phẩm hoặc mô hình dành cho tầng lớp trung lưu hoặc cao cấp, ví dụ như ẩm thực Việt Nam hoặc nhà hàng-cà phê, doanh nghiệp cần lưu ý đến mức độ thu nhập cá nhân hoặc hộ gia đình để làm điều kiện xếp hạng thị trường. Với ví dụ này, hiện nay thu nhập hộ gia đình tại AEC theo thứ tự từ cao đến thấp sẽ là Singapore, Brunei, Malaysia, Thái lan, Phillipines, Indonesia, Lào, Cambodia, Việt Nam, và Myanmar. Như vậy, tuỳ theo đối tượng tiêu dùng mục tiêu của doanh nghiệp là ai, tuỳ theo chủng loại sản phẩm và mô hình phân phối, phát triển của doanh nghiệp là gì, mà bản đồ thị trường của doanh nghiệp cần phải vẽ theo những cách khác nhau. Không có một chiến lược đồng nhất cho AEC, cũng không có một chiến lược đồng nhất cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam khi vươn ra khu vực. Chỉ có một điều không thể tranh cãi được, nếu muốn tồn tại và vươn lên, doanh nghiệp Việt Nam không thể cứ loay hoay với việc mưu sinh và phản ứng nhất thời, cần phải có một tầm nhìn xa, cần phải có chiến lược và bản đồ, cần phải có sự chuẩn bị về nguồn lực để có thể đổ ra khu vực như cái cách mà Thái Lan đã ào ạt đổ bộ vào Việt Nam. Chỉ có cách tự mình dập tắt đi hào quang ảo về sự lớn mạnh nhờ vào thời kỳ phát triển tự nhiên, chỉ có cách nhận rằng “Ừ thì tôi kém” để thay đổi tư duy 90 thành 600, thay đổi cách làm gia đình sang bài bản và chiến lược thì doanh nghiệp Việt Nam mới có cơ may tồn tại và phát triển.


Đến năm 2020, thị trường AEC sẽ nở ra thành thị trường 2 nghìn tỷ USD, với tổng tỷ lệ phát triển giai đoạn 2013-2020 là 45.7%. Tại thị trường “tuy 1 mà 10” này, những ngành dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh nhất ngoài các ngành hàng thiết yếu (nhà ở, thực phẩm, đồ uống) là ngành thông tin di động, giáo dục, khách sạn & ẩm thực, với tỷ lệ tăng trưởng ngành tương ứng là 61.7%, 59.2%, và 51% trong giai đoạn 2013-2020. Cơ hội lớn, thị trường còn bạt ngàn cho những doanh nghiệp Việt Nam biết bước lên một điểm thật cao, phóng tầm nhìn thật xa, và học cách vẽ bản đồ phát triển.


Theo tại chí Nhà Quản Lý đăng tháng 07/2016. Tác giả: Nguyễn Phi Vân

留言


Bạn đã đăng ký thành công!

Nhập email để tự động nhận bài mới

©2021 by Nguyễn Phi Vân

bottom of page