top of page

TẤT CẢ CÁC LÝ DO ĐỀU SAI KHI VẤN ĐỀ KHÔNG ĐƯỢC GIẢI QUYẾT



Tính mình đi làm trước giờ, không bao giờ biện minh bằng lý do. Nếu vấn đề không được giải quyết, nếu vấn đề vẫn cứ là vấn đề, nếu kết quả là vấn đề vẫn tung toé, kết quả là chẳng có kết quả gì, thì tất cả các lý do đều sai. Lý do mà muốn có thì lúc nào cũng có cả thúng. Có lý do hợp lý, có lý do biện minh, che đậy, đổ thừa làm bình phong che chắn cho cái sự không làm tròn nhiệm vụ của mình. Nhưng lý do chi chi đi chăng nữa thì nó cũng là lý do và lý do đối với tôi nó cũng sai. Nó sai là vì bạn đã vin vào lý do để biện minh cho sự không hoàn thành công việc, không giải quyết được vấn đề, không tạo ra kết quả.


Người giỏi và người kém chỉ cách nhau có một con hẻm vậy thôi. Người giỏi không cho phép bản thân chịu thua, dừng lại vì bất kỳ lý do gì. Họ own the problem - làm chủ vấn đề, có phương pháp giải quyết vấn đề, và cắt máu ăn thề không giải xong không làm người, kiểu thế. Khi tư duy của bạn là tư duy làm chủ, làm chủ công việc của mình, làm chủ vấn đề của mình, làm chủ sự nghiệp của mình, thì bạn sẽ hành xử cực kỳ khác kẻ đi làm công ăn lương. Dù là đi làm thuê, nhưng tư duy của bạn là làm chủ, phá banh mọi sự ngăn cản, làm cho tới cùng mới thôi. Chính sự quyết liệt, không dừng bước trước bất kỳ cản lực nào khiến bạn trở nên xuất sắc.


Có điều, trong thời gian làm việc tại Việt Nam, tôi thấy rất nhiều bạn đi làm chỉ để làm công ăn lương, gặp vấn đề thì đùn đẩy, gặp trách nhiệm thì né đẹp, gặp lý do thì bu vào. Nhiều khi ngồi nghe lý do tại cái này cái nọ cái kia đến phát ngán. Ủa, có việc gì mà nó lúc nào cũng thuận lợi đâu?Người ta thuê bạn vào là để giải quyết vấn đề cho người ta mà? Xong bạn toàn đi báo cáo vấn đề để người ta tự giải quyết. Sorry nha! Vấn đề không cần bạn báo người ta cũng biết, cho nên mới tuyển bạn vào để giải quyết đó. Chứ ai khùng mà đi tuyển người vào để báo cáo vấn đề? Cho nên, đi làm thì tâm thế phải hết sức rõ ràng, tôi đi làm là để giải quyết vấn đề cho tổ chức, và mọi vấn đề trong phạm vi nhiệm vụ của tôi là thuộc quyền sở hữu vấn đề của tôi. Tâm thế như vậy, thái độ như vậy, khả năng san bằng mọi vấn đề như vậy thì gọi là biết đi làm. Bằng không, nếu chỉ vô đó ngồi ngồi, né né, xì xầm về vấn đề với người này kẻ kia rồi báo cáo lý do tại sao vấn đề cứ mãi là vấn đề thì bạn đang làm gì biết không? Đang tự tay delete cái job của mình đó. Nếu tuyển bạn vào mà vấn đề cứ vậy hoài không giải quyết được thì cái vị trí của bạn là thừa thãi, không cần có, không đáng có.


Tệ hơn, nếu đã không giải quyết được vấn đề, mà còn làm cho nó banh chành ra thành khủng hoảng thế kỷ bằng sự politics - chính trị chính em của mình thì bó tay luôn. Trả lương cho không làm ra kết quả, không làm mất đi vấn đề mà còn tạo thêm rắc rối cho tổ chức thì thật sự là người mà các tổ chức nên tránh xa, vì họ chính là nguyên nhân gây ra xào xáo nội bộ trong khi vấn đề thì ngày càng nghiêm trọng. Càng nhận lãnh trọng trách ở các vị trí cao cấp, càng phải hiểu đạo lý này. Cuối cùng, bạn là người đến để giải quyết vấn đề hay đến để tạo ra vấn đề? Người giỏi là người giải quyết vấn đề. Người không đáng giữ là người tạo ra thêm vấn đề. Đứng ở vai trò lãnh đạo, 30 giây là nhận ra ai đến để làm gì. Tính mình thì quyết đoán, tình cảm thì sống trên đời cần tình cảm, nhưng công việc thì canh vào kết quả, không vì bất kỳ tình cảm cá nhân nào mà tolerate - chịu đựng sự không hiệu quả của bất kỳ ai. Thà là tìm cho họ một con đường khác, một ngả rẽ khác phù hợp hơn chứ không vì quan hệ hay tình cảm cá nhân mà cho phép họ biện minh bằng hàng vạn lý do.


Tính mình trước nay không quen kiểu lính ruột, đệ tử nên dung túng cho sự không hiệu quả. Làm vậy, người giỏi người ta bỏ chạy. Làm vậy, người làm việc hiệu quả người ta sẽ bỏ đi vì sự bất công. Làm vậy là bản thân ta dung túng cho sự kém cỏi. Khi chính ta dung túng cho sự kém cỏi thì người xuất sắc họ không bao giờ tìm đến. Lãnh đạo, là ai mình cũng thương, ai mình cũng cho cơ hội, ai mình cũng hướng dẫn tốt nhất cho cuộc đời và sự nghiệp của họ, là gieo trồng những hạt giống tốt, nhưng không nhất thiết phải giữ họ lại nếu họ là người không phù hợp, không hiệu quả, không tạo ra kết quả mà ngược lại còn tạo ra thêm vấn đề. Trong văn hoá gia đình của rất nhiều doanh nghiệp, đây chính là nỗi đau to lớn nhất.


Tất cả các lý do đều sai khi vấn đề không được giải quyết, và sự sai đó nó không phân biệt mức độ tình cảm và quan hệ của bất kỳ ai. Sai là sai, là phải hiểu ra và sửa ngay, hoặc là sayonara. Nếu cứ dung túng cho lý do thì vấn đề muôn đời chỉ nặng thêm chứ không bao giờ biến mất.

4.495 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

댓글


bottom of page