Trong dòng chảy tất bật của cuộc sống, mỗi chúng ta đều cần khoảng lặng. Đó là khi ta không suy nghĩ nữa, không làm việc gì nữa, ngưng hết, bỏ hết, chỉ muốn lang thang đâu đó và làm những chuyện linh tinh theo sở thích của mình. Đó cũng là những khoảng lặng kỳ diệu của sự sáng tạo. Tôi đã trải nghiệm nhiều giây phút “à há” như thế trong những lần lang thang đây đó ở Thái lan. Đối với tôi, Thái lan là nơi người ta có thể lột bỏ lớp vỏ củ hành nhiều tầng nhiều lớp, để trở về với SỰ chân chất, bình dân.
Sự thành công thầm lặng
Hướng về phương Đông, ai cũng đề cập trước hết đến những đại gia phát triển vượt bậc như Singapore, Hongkong, Trung quốc. Ít có người để ý đến Thái lan. Thái lan, nói làm sao nhỉ, cứ như là người hàng xóm dễ thương, ngày nào cũng gặp cho nên quên để ý. Nhựng thầm lặng không có nghĩa là không làm được. Đó có thể là tính khiêm tốn của một người làm nhiều, nói ít. Đến khi kể thành tích ra thì thế giới có thể phải giật mình. Chúng ta ai cũng nói về khu vực kinh tế Đông Nam Á chứ gì? (ASEAN Economic Community), vậy mấy ai trong chúng ta biết rằng Thái lan đang là nền kinh tế lớn thứ hai trong 10 nước? Năm 2014, Tổng chi tiêu của Thái lan là 234.3 tỷ đô la, chỉ sau có Indonesia (509.6 tỷ đô la). GDP của Thái lan cũng xếp hạng thứ 2 (985.5 tỷ đô la) chỉ sau có Indonesia (2.676 tỷ đô la). Dân số của họ là xếp hàng thứ 4 trong khu vực nhé, 68.5 triệu dân, sau Indonesia, Phillipines và Việt nam. Nè các bạn nhìn vào đồ thị về tổng chi tiêu thị trường tất cả các nước Đông Nam Á sau đi rồi sẽ hiểu.
Đơn vị: triệu đô la Mỹ
Thế giới gọi tên cho sự phát triển của Thái lan là một điển hình “ngoạn mục”, và cho rằng đó có thể là mô hình cho các nước châu Á khác tham khảo làm theo. Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn của những năm 1960, Thái lan ngày nay đứng đầu về tỷ lệ đóng góp vào GDP của ngành sản xuất công nghiệp trên thế giới với tỷ lệ 32.4% năm 2014 (Việt nam 18.5% năm 2014). Họ trở thành trung tâm sản xuất của khu vực về ngành ô tô và điện tử. Nhưng họ vẫn không quên cái gốc nông nghiệp của mình. Họ đứng đầu về sản lượng và đứng thứ 2 trên thế giới về giá trị xuất khẩu gạo (Thái lan 5.4 tỷ đô la, Ấn độ 7.9 tỷ đô la, Việt nam 1.8 tỷ đô la). Hèn chi mà thân ở Việt nam nhưng toàn là ăn gạo Thái lan. Còn xuất khẩu cá ngừ đóng hộp và tôm thì họ đứng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Thái lan cũng là một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu dầu cọ, cá, đường, và cao su thiên nhiên. Còn nếu nói về ngành dịch vụ thì sao? Tổng doanh thu từ khách du lịch quốc tế trong khối Đông Nam Á có ai qua được họ? Năm 2014, doanh thu từ khách du lịch quốc tế của Thái lan là 37.6 tỷ đô la, xếp hàng thứ 9 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á (Việt nam 7.33 tỷ đô la, tương đương 19.5% tổng doanh thu Thái lan).
Ảnh: Chùa Arun (Wat Arun) hay còn gọi là Chùa Chaeng (Wat Chaeng) bên bờ song Chao Phraya
Im im, khiêm tốn, mà mạnh dữ? Có một cái gì đó không bình thường ở đây ấy nhỉ? Làm ăn theo kiểu Việt nam mình là phải xông pha, là tạm gác cái tính tử tế, khiêm tốn qua một bên và ngoi lên bằng những cú đạp chết người. Còn Thái lan thì cười cười, nhẹ nhàng qua mặt. Ủa là sao? Miền đất nụ cười (land of smiles) có làm cho giá trị của thế giới này đảo lộn?
Học vui hơn
Bắt đầu từ đầu năm học 2015, giờ học ở trường mỗi ngày sẽ ngắn đi 90 phút. Thời gian dư ra đó sẽ được dành cho học sinh tham gia các hoạt động như là nghệ thuật, thể thao, khiêu vũ, kỹ năng sống, và kỹ năng làm việc. Tổng thư ký uỷ văn phòng uỷ ban giáo dục cơ bản cho biết: “Phụ huynh từ nay sẽ không cần phải tốn tiền cho con tham gia các lớp học ngoại khoá bên ngoài nữa”. Theo ông, cách làm này sẽ cách mạng hoá nền giáo dục Thái lan.
Hạnh phúc
Có một cái ý niệm về kinh tế rất Đông phương, rất tâm và thân, rất đạo và đời quyện vào làm một gọi là “Kinh tế trung dung” (Sufficient economy). Có thể nói nó đã trở thành triết lý trong tất cả mọi chiến lược phát triển của Thái lan từ khi quốc vương Thái lan Bhumibol Adulyadej phổ biến triết lý này năm 1974. “Kinh tế trung dung” dạy con người ta thế nào là đủ, làm thế nào để phát triển cân bằng giữa kinh tế để tạo ra miếng cơn manh áo và văn hoá xã hội để con người hạnh phúc hơn lên. Vậy đó, 11 kế hoạch phát triển quốc gia, tất cả đều đặt trên mục tiêu lấy con người làm nền tảng của mọi sự phát triển, lấy sự cân bằng giữa vật chất với tinh thần, giữa cái giàu về kinh tế và cái giàu về tâm hồn làm điểm đến cho mọi người dân. Họ nói về phát triển bền vững và hiểu rằng một quốc gia muốn phát triển bền vững không chỉ dựa vào kinh tế mà thôi. Họ còn phải dựa vào nguồn “vốn môi trường” và nguồn “vốn xã hội” để tạo thành cái kiềng ba chân không bao giờ khập khiễng.
Ảnh: Krabi Island, một trong những hòn đảo nổi tiếng cho tuần trăng mật
Vậy nguồn vốn xã hội là gì ta?
Nói cho đơn giản và dễ hiểu nhất nhé. Vốn xã hội phần lớn bao gồm sự hợp tác xây dựng giữa người với người, trong đó có sự tin tưởng, sự hiểu biết lẫn nhau, sự chia sẻ những giá trị đạo đức, phong cách sống làm cho con người trong cộng đồng kết nối lại với nhau, cùng phối hợp và hành động để biến điều không thể thành có thể. Hay không? Và thử nghĩ lại xem Việt nam mình hiện nay có cái gọi là “vốn xã hội”? Mà nếu không có cái nguồn vốn hay ho này thì cho dù chỉ số kinh tế nó có đi ngang về dọc, cái ngồn ngộn của vật chất này rồi có bền vững được chăng? Có tiền à? Bạn có ai để mà tin tưởng và chia sẻ?
Tầm nhìn Thái lan 2027: “Một xã hội hạnh phúc, có nguồn vốn, công bằng, với khả năng phục hồi nhanh chóng trong khủng hoảng”.
Tiếng Anh giao tiếp
Chính phủ Thái lan đã triển khai chương trình dạy tiếng Anh ít nhất một ngày trong tuần tại tất cả các trường công lập từ năm 2012 với mục tiêu chuẩn bị cho Thái lan hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Tiếng Anh được nhà nước đặt trọng tâm giúp giới trẻ nâng cao kỹ năng giao tiếp và kinh doanh xuyên biên giới. Trong dự án lần này, toàn bộ các chương trình học tập trung vào kỹ năng nghe, nói thay vì văn phạm như từ trước đến nay. Chương trình được triển khai đến 14 triệu học sinh tại 34 ngàn trường công lập.
Trích chương 13 - Miền đất nụ cười - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân
Comments