Các bạn tân sinh viên thân mến,
Đại học trước giờ vẫn là một chặn đường mới, một hành trình mới, một cột mốc mới trong hành trình cuộc sống của một con người. Bạn đang ở đây và điều đó có nghĩa là bạn đã đạt được một thành tích mới trên hành trình cuộc sống của chính mình. Xin chúc mừng.
Tuy nhiên, đại học của thế kỷ 21 giờ đã là bình thường mới, nghĩa là việc bước vào đại học và cần tấm bằng đại học “không” đảm bảo bạn sẽ tìm được việc làm, không đảm bảo bạn hội nhập được vào tương lai bất định hay có thể startup thành công. Đại học cuối cùng cũng chỉ là một kênh tiếp nhận thông tin, và có khi còn là kênh tiếp nhận chậm hơn so với các kênh tự học. Đại học của thế kỷ 21 nên và chỉ là nơi cho bạn nền tảng tư duy, để bạn có thể tự tư duy, là nơi cho bạn cách giải quyết vấn đề và bạn phải tự mình giải quyết vấn đề, là nơi cho bạn môi trường để tìm hiểu và bạn phải tự mình tìm hiểu. Đừng ỷ lại, đừng dựa dẫm vào nhà trường, đừng chỉ chăm chăm đọc tài liệu và “học” theo kiểu truyền thống, cũ kỹ, thụ động. Đó là cách phí thời gian hiệu quả nhất. Hãy xem đại học như một chiếc thuyền, một chuyến xe để đưa bạn đi đến những bến bờ mới lạ mà bạn có thể tự mình khám phá.
Nhân tháng bắt đầu của một hành trình mới, và nhân có quá nhiều trường nhờ Phi Vân chia sẻ với tân sinh viên trong lễ khai giảng nhưng mình đều phải từ chối vì không có thời gian, tôi viết thư này cho tất cả các bạn với những cầu chúc tốt đẹp nhất. Tôi cũng nhân đây xin được gởi đến các bạn 3 điều làm hành trang cho các bạn khởi đầu trên hành trình mới hôm nay.
ĐỪNG CHỈ HỌC ĐẠI HỌC, HÃY HỌC CẢ ĐỜI
Tôi là người “không truyền thống”, nên đối với tôi việc học của thế kỷ 21 đã được tái định nghĩa, đặc biệt là tại ngã giao của những chuyển động lớn của thế giới như toàn cầu hoá, 4.0, và rủi ro cấp hành tinh như đại dịch vừa qua. Ngã giao này đã tạo ra một tương lai cực kỳ bất định, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, và ngày càng bất định với tốc độ thay đổi từ phát minh mới diễn biến hàng ngày về khoa học công nghệ. Khi con người đã có thể bắt đầu space travel - du lịch vũ trụ, đã bắt đầu xây dựng các tuyến tàu hyperloop để rút ngắn thời gian đi lại xuống còn 10-20%, khi AI, robot đang đóng góp giờ lao động nhiều hơn con người, khi con người đương nhiên phải mang theo bên mình vũ khí digital để làm việc trong sự tăng tốc về chuyển đổi số, vv, chuyện học trong trường lớp làm gì còn có cửa để theo kịp? Trường nào lớp nào có thế cập nhật những thay đổi hàng ngày hàng giờ này cho các bạn? Ai soạn nổi giáo án mới mỗi tuần? Nhưng nếu không, thì không lẽ mình học toàn những thứ cũ kỹ rêu phong chưa update?
Cho nên, học là chuyện của bạn, không phải của nhà trường. Trường đại học chỉ là nơi tạo điều kiện cho các bạn tự học tốt hơn, có bạn bè thầy cô để phản biện, trao đổi, cùng brainstorm và sáng tạo. Vậy thôi! Còn việc học là phải tự học, học từ nhiều kênh, và xác định là học cả đời. Cứ làm đến đâu, dấn thân đến đâu thấy thiếu gì thì bổ sung ngay, và bổ sung bằng những kiến thức, kỹ năng cập nhật và liên quan nhất của thế giới. Trường đại học lớn nhất là trường đời. Ở trong môi trường thực tế là nơi con người vỡ ra, học nhanh nhất và hiệu quả nhất. Vào đại học cũng được. Không vào đại học cũng chẳng sao, khi ta xác định đại học là học cả đời, học mọi lúc mọi nơi, học từ nhiều nguồn, nhiều người và học những thứ cần thiết để ứng dụng ngay vào thực tế.
HỌC QUẢN TRỊ BẢN THÂN MÌNH TRƯỚC
Có một sự vô lý mang tính vũ trụ là con người học đủ thứ, học quản trị này nọ, kiểm soát nọ kia, nhưng cái thân mình thì kiểm soát không nổi và không hề được quản trị. Loài người đã quen auto pilot - vận hành như một hệ thống tự động. Sự việc chạm vào ngòi nổ. Ngòi nổ kích hoạt sự nguy hiểm. Não cướp quyền quản trị, rà soát trong kho dữ liệu quá khứ những sự việc na ná, ghi nhận cách ta phản ứng và cảm xúc, rồi bắt ta phản ứng theo pattern - cái khung có sẵn. Cho nên con người hỷ nộ ái ố, phản ứng nhất thời mà nhiều khi không biết tại sao. Vậy thì có khác gì con robot? Vậy, cũng có nghĩa là mọi cảm xúc như buồn chán, hoang mang, giận dữ, đau khổ, tự ti, vv đều là do hệ thống tự động của bạn tạo ra, ép bạn phải cảm cảm xúc như thế, hành động như thế, trôi qua cuộc đời như thế. Đây cũng là lý do mà 80% vấn đề trong cuộc đời của một con người là chuyện tào lao không cần phải giải quyết nhưng loài người cứ lao vào giải quyết, phí thời gian, công sức, tâm lực, chẳng để làm gì. Đây cũng là lý do mà nhiều bạn trẻ dù học đại học xong vẫn không có cách nào hội nhập được vào thế giới việc làm, vì làm việc 80% là giải quyết các vấn đề về quan hệ mà bạn chưa bao giờ được học.
Cho nên, học gì thì học, làm gì thì làm, điều đầu tiên, vỡ lòng nhất, cơ bản nhất là học cách quản trị chính bản thân mình, để bản thân không rơi vào trạng thái thiếu chủ động, phản ứng vô minh, auto pilot - vận hành tự động như máy bay không người lái. Học được khả năng này, 80% vấn đề trong cuộc đời và sự nghiệp của bạn sẽ biến mất không cần giải quyết. Vậy thì con người mới ung dung, tự tại, rảnh rỗi và thoải mái để còn lo sáng tạo, tận hưởng cuộc sống, và làm những việc có ý nghĩa hơn, mang tính sứ mệnh hơn cho cuộc đời mình. Đương nhiên, trừ phi bạn thích cái cảm giác lăn lông lốc trong đời không biết thân phận mình rồi sẽ về đâu.
HỌC ÍT THÔI, LÀM NHIỀU VÀO
Rất sorry là thời này muốn đọc cái gì, học cái gì cũng google ra hết. Sách thì sách giấy, sách điện tử, sách đọc, vv, muốn gì cũng có. Cho nên, làm ơn đừng ngồi ngay ngắn trong lớp học nghe giảng và ghi chép nữa. Học của thế kỷ 21 là học từ làm, học qua dự án, học trong quá trình làm thử, làm thiệt, học từ thực tế ứng dụng với người dùng thật, học là tham gia, là dấn thân, là tay lấm chân bùn xông vào làm và vỡ ra, à thì ra thực tế nó cách xa lý thuyết mấy vạn năm ánh sáng. Nếu có thể khuyên, tôi khuyên các trường đại học và các bạn sinh viên học 50% thời gian thôi, còn 50% hãy tạo thành những dự án thật cho các em bắt tay vào làm. Chỉ có làm mới hiểu tại sao mình cần phải học. Chỉ có làm mới biết học dễ lắm nhưng làm thì khó lắm. Chỉ có bắt tay vào làm mới biết còn một vạn thứ khác nó ảnh hưởng đến thành công chứ không chỉ là vài ba cái ý tưởng chung chung.
Làm chính là động lực để chúng ta tìm kiếm, nghiên cứu, học hỏi tốt hơn, chủ động hơn, đam mê hơn để tìm ra lời giải cho những vấn đề thực tế mà ta đối diện. Làm sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa môi trường đại học và môi trường lao động, giảm sốc cho sinh viên khi thật sự bước ra đời và bước vào môi trường làm việc quá khác, không giống gì với giấc mơ màu hồng của thưở sinh viên. Nhưng cũng đừng chờ nhà trường tạo cơ hội cho bạn được làm. Các bạn hãy chủ động tìm kiếm, tham gia vào các dự án xã hội, cộng đồng, xung phong đi làm intern cho các công ty, startup, vv để được dấn thân vào môi trường thực tế. Nếu trường đại học có chương trình ươm tạo startup, hãy đừng suy nghĩ gì hết mà cứ tham gia ngay, vì ở đó bạn sẽ học được những kiến thức và kỹ năng cực kỳ thực tế.
Học ít thôi, làm nhiều vào, là lời khuyên chân thật nhất tôi có thể dành cho các bạn, giúp các bạn chuẩn bị bản thân tốt hơn để hội nhập vào môi trường lao động từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ba lời khuyên này, mong cách mang theo trên hành trình bước vào cổng trường đại học, và nhắc nhở mình thường xuyên để tránh rơi vào thói quen đời thường chỉ biết trôi theo con nước của lục bình. Mong cách bạn tư duy lại về hành trình đại học. Mong cách bạn chọn cho mình cách tiếp cận khác đi cho tương lai. Và rất mong các bạn sẽ kiến tạo hành trình sự nghiệp của mình ngay từ những ngày đầu tiên còn bỡ ngỡ bước vào cổng trường đại học.
Xin gởi lời chúc mừng và những cầu chúc tốt đẹp nhất đến cho các bạn!
Comments