
Bản nói, 'Phi nhận cậu này làm đệ tử đi. Nó ngoan lắm'. Khổ nỗi, kẻ xém sư phụ này vốn không được bằng khen ngoan ngoãn trước nay, nên cũng không hứng thú gì mấy với chữ ngoan.
Người châu Á, thích khái niệm ngoan. Ngoan, là phải học chuyên môn dạ vâng, dạy gì học đó, nói gì nghe đó, kêu sao làm vậy. Ủa, vậy là không có tư duy phản biện, không có chính kiến, không theo đuổi đam mê, không tự lực tự cường, tự ra quyết định và chịu trách nhiệm về những gì bản thân quyết định? Ủa, vậy là theo vết xe đổ, sai cũng lặng câm, vô lý cũng cắm mặt làm? Tất cả những kẻ senior - lớn hơn già hơn, đâu phải lúc nào cũng đúng? Biết mà, vì tôi đi qua cuộc đời này đã nhiều lúc thảng thốt sai. Cho đến giờ, có lúc vẫn sai, vẫn phải bò ra mà xin lỗi. Vậy ai, với tư cách gì, cho rằng mình luôn luôn đúng, rồi bắt tụi nhỏ phải ngoan ngoãn nghe theo?
Hôm bữa đọc bài này rất hay, 'How to manage when an intern may know more than a CEO - Quản trị làm sao, khi đứa thử việc có thể biết nhiều hơn CEO?' Ờ thế kỷ này, chuyện vậy cũng thường mà. Luận về AI - trí tuệ nhân tạo, machine learning - máy học, blockchain, IoT - mạng lưới vạn vật kết nối, vv, tụi nhỏ hơn mấy ông bà già là chắc. Cho nên, có nhiều thứ, mình phải đi học tụi nó, chớ nói sao bắt nghe vậy là sao? Giải pháp, nếu đã liên quan tới tri thức thế kỷ này, thế giới này, chưa chắc ai đúng ai hơn à, và chắc chắn không liên quan gì tuổi tác. Cho nên, ngoan có khi là đáng sợ. Sợ thiếu khả năng đóng góp và hợp tác, sợ thiếu tư duy độc lập, khả năng sáng tạo, dám nghĩ khác làm khác. Mà trong thế giới và thế kỷ này, không nghĩ khác làm khác thì sao mà tồn tại, vươn lên? Ngoan, là được lập trình như máy, ấn nút nào, làm task đó.
Nên, xin hãy cho các em được nói, được bày tỏ chính kiến, được trình bày góc nhìn và suy nghĩ của chính mình. Xin đừng bắt các em ngoan ngoãn kiểu nói gì nghe nấy. Vậy, là ta đang giết chết trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, và sự tự tin vào đời, hội nhập thế giới, hội nhập tương lai của chính các em. 'Ngoan', nên được tái định nghĩa bằng EQ - trí tuệ cảm xúc, biết mình hiểu người, quản trị được cảm xúc và quan hệ. Có vậy, phụ huynh không việc gì phải lo, vì các em sẽ biết cách ứng xử phù hợp theo hoàn cảnh, thay vì đứng câm lặng, gục gặc để được khen ngoan.
Tôi, đã từng bị dán nhãn là the rebel - kẻ nổi loạn, chỉ vì tôi biết nghĩ và nói lên chính kiến của mình. Sai hay đúng, ít ra tôi dám. Vậy, là tôi không ngoan. Nhưng cả đời này, yếu tố giúp tôi thành công nhất chính là cái sự không ngoan, vì tôi có kỹ năng mà đời nay gọi sang trọng là tư duy phản biện. Và như lời mở đầu tôi viết trong cuốn Go Global xuất bản đầu năm nay 'Cám ơn cha mẹ đã cho con được là chính bản thân mình'.
Giờ bạn xem Steve Jobs nói gì những kẻ nổi loạn của thế kỷ 21:
The misfits, the rebels, the trouble makers, the round pegs in the square holes, the ones who see things differently. The are not fond of rules, and they have no respect for the status quo. You can quote them, disagree with them, glorify or vilify them. About the only thing you can't do is ignore them.
Kẻ không lẫn được vào đám đông, kẻ nổi loạn, kẻ kiếm chuyện, kẻ góc cạnh chẳng nhét vào đâu được, kẻ có những góc nhìn rất khác. Họ không thích bị bó buộc, và họ không tôn trọng hiện trạng. Bạn có thể trích lời họ, không đồng tình với họ, ca tụng hay lăng mạ họ. Tuy nhiên, có một điều bạn không thể làm, đó là phớt lờ họ.
Xin cho các em được là chính mình, được sáng tạo và được chẳng giống ai, vì đó là nuôi dưỡng thế hệ lãnh đạo tương lai, của kinh tế sáng tạo, dù xã hội có dán nhãn cho các em là những kẻ nổi loạn.
コメント