top of page

TÔI ĐÃ TỪNG SỢ PHÁT KHIẾP NHỮNG THỨ BÂY GIỜ LÀ CHUYỆN NHỎ



Trên đời này, không ai sinh ra tự nhiên trở nên tự tin, không biết sợ những thứ mình chưa bao giờ làm hết. Rất nhiều bạn nhắn, em muốn làm chuyện này chuyện kia nhưng em sợ, em không đủ tự tin, em không nghĩ mình làm được, em không biết phải làm sao để vượt qua nỗi sợ hãi đang xâm chiếm bản thân mình. Cảm giác đó là bình thường, vì đã là con người, khi bị đẩy ra khỏi vùng an toàn, bắt làm những thứ mình nghĩ mình không giỏi, chưa bao giờ làm, chưa biết có làm được hay không, thì ai cũng run, cũng lo lắng, cũng có vài phần sợ hết.


Ai trên đời cũng thế. Bạn không phải là người duy nhất. Càng không phải là người xui xẻo, bị bệnh hay bị đời vùi dập chiếu tướng gì ở đây. Tất cả chúng ta đều sinh ra như thế. Khác chăng là, có người hiểu và biết cách mở rộng vòng an toàn của mình, hay nói cách khác là học cách dấn thân vào vùng phát triển của bản thân, thay vì chỉ ngồi im đó than thở, sợ hãi, phàn nàn, hay đóng phim số phận ủ rũ, đau buồn trong nước mắt. Muốn thành công thì phải học và rèn luyện sự tự tin. Không phải người thành công rồi mới tự tin, mà chính sự tự tin giúp cho người ta thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Cho nên, đừng đổ thừa tại người ta thành công nên người ta mới có sự tự tin, mình chưa thành công nên mình không tự tin là chuyện bình thường. Sorry, ngược lại đó bạn ơi. Tự tin trước rồi nhờ vậy mới thành công đó.

Trong đời, ai cũng có 3 vòng tròn, 3 khu vực, hay nói cách khác là 3 vùng tâm lý khác nhau: the comfort zone - vùng an toàn, the growth zone - vùng phát triển hay còn gọi là learning zone - vùng học hỏi, và cuối cùng là panic zone - vùng hoảng loạn. Nhớ là, ai cũng vận hành trong ba cái vùng này hết. Không có ai sinh ra hơn ai, sinh ra biết hết, an toàn hết, được đặc ân đặc quyền không biết sợ hãi hay hoảng loạn. Vùng an toàn là nơi bạn thoải mái, cảm thấy an toàn, dễ dàng, thứ gì cũng rành như lòng bàn tay, không có miếng ngạc nhiên hay lo lắng nào, vì tất cả những thứ trong vùng an toàn bạn đều có thể xử lý như trở bàn tay. Vùng hoảng loạn là nơi con người ta không vận hành được khi rơi vào, kiểu chết đứng, đơ người, thở không nổi, thậm chí là mửa mật xanh mật vàng khi bị đẩy vô. Khi rơi vào trạng thái này, bạn biết đó chính là thứ nằm trong vòng hoảng loạn của bản thân và sẽ không bao giờ ép mình hay cho phép ai khác đẩy mình vào trong đó.


Khi cơ thể đã phản ứng dữ dội như vậy rồi thì phải xì tốp ngay, vì không cố được, chỉ có cách thoát ra, chạy về vùng an toàn mà hoàng hồn và thở sâu thôi. Ví dụ từ nhỏ bạn đã quen đứng hát trước lớp, trước trường, trước người quen thì chuyện đứng ra, hát trước một đám đông đối với bạn có thể là chuyện bình thường, không có gì phải sợ, vì nó nằm trong vùng an toàn của bạn. Ngược lại, đối với người chưa bao giờ làm chuyện này thì nó trở thành thứ cực kỳ không an toàn, đối với một số người có thể là đáng sợ, hoặc đối với nhiều người khác là thứ thuộc về vùng hoảng loạn.


Hình: Trong vùng an toàn, người ta dễ đâm ra chán nản, vì chẳng có chút động lực hay áp lực nào. Khi có chút áp lực vào, đặc biệt trong vùng kéo căng, đó là lúc con người học hỏi, vươn lên, chinh phục những đỉnh cao mới và vì vậy mà ngày càng phát triển và thành công. Trong vùng hoảng loạn thì, con người sẽ rơi vào trạng thái cạn kiệt, gục ngã vì không quản trị nổi áp lực quá lớn.


Vùng phát triển, học hỏi, hay kéo căng là khoảng không ở giữa vùng an toàn và vùng hoảng loạn. Đó là nơi bạn chưa từng đến, có chút lo âu, sợ hãi, kém tự tin, ăn không ngon ngủ không yên khi nghĩ về nó, nhưng lại không đến mức phản ứng đơ cứng không vận hành nổi. Thứ bạn sợ là một thứ rất mơ hồ, không rõ ràng, không có căn cứ gì cả. Bạn sợ, chỉ vì bản thân chưa thử bao giờ, không biết nó được hay không, hay hay dở, rồi người ta sẽ đánh giá sao, vỗ tay hay boo hoo kêu biến khỏi sân khấu đi, không biết thành hay bại và mặt mày liệu sẽ cất ở đâu, vv. Mình sợ sự bất định, sợ kết quả không như ý, sợ bị đời phê bình, chỉ trích, cười chê. Nhưng đã gọi là vùng bất định, nghĩa là không thử làm sao biết. Ít ra thử xong mới biết đó có phải là tách trà của mình, là tiềm năng chưa khai phá của mình, là thêm một cái kỹ năng đỉnh cao hay là thứ sau này đi kiếm đứa giỏi hơn nó đỡ giùm cho. Thật ra, trong rất nhiều trường hợp, nỗi sợ hãi vô hình kia nó tào lao thôi, chẳng có gì ghê gớm đáng sợ như câu chuyện não người thêu dệt.


Ví dụ, hồi nhỏ tôi là người rất nhút nhát, đi học hay bị chọc ghẹo, bully. Cho nên khi lớn lên, tôi sợ nhất là đám đông, là phải gặp người lạ, là trình bày nói chuyện trước công chúng. Nhưng tôi hiểu rằng, không làm được chuyện này thì cả đời chẳng thể phát triển hay thành công gì, vì làm lãnh đạo càng cao thì kỹ năng này phải càng tuyệt đỉnh. Nếu thế, một là tôi chọn vùng an toàn, cắm dùi trong đó không dám bước ra. Hai là tôi phải thử dấn thân, học hỏi và rèn luyện, bắt đầu từng bước nhỏ, rón rén thử nghiệm nói trước một hai người, rồi ba năm người, rồi mười mấy người. Giờ, đã đứng được trên những sân khấu quốc tế cả ngàn người, đối diện toàn những nhân vật có lịch sử khủng dưới khán giả, vẫn đứng nổi đó thôi.


Hỏi có thuốc gia truyền ba đời nào uống vô khiến cô bé nhút nhát kia trở thành người hùng sân khấu hay không, xin thưa là chớ có mơ. Là tôi, từng bước từng bước một, từng sợi từng sợi sợ hãi một, cố gắng chinh phục nỗi sợ hãi của mình để có hôm nay. Và hôm nay, đâu phải là chưa hết sợ. Mỗi lần chuẩn bị bước lên sân khấu, vẫn hồi hộp, lo lắng, sợ muốn chết đó chứ, nhưng cố gắng chuẩn bị tốt nhất có thể, trình diễn tốt nhất có thể, coi đó như một bài tập tiếp theo để phát triển bản thân. Bỏ ra cả hai chục năm rèn luyện từng bước chứ có phải Thánh Gióng lớn nhanh như thổi gì đâu. Cho nên, bạn đừng có làm một lần xong phàn nàn là nó không work. Không kiên trì kiên định thì chả có thứ làm làm được trong đời. Không có đường tắt hay thuốc tiên gì cứu được ai đâu. Cứ phải dựa vào mình, dựa vào sự nỗ lực rèn luyện của bản thân mình hàng ngày, hàng giờ, từng bước từng bước một.


Và đó, chỉ là một trong những ví dụ trong hàng trăm thứ tôi đã từng sợ hãi và đã từng dấn thân để chinh phục nỗi sợ hãi của mình. Điều tôi làm được, là không ngừng mở rộng vòng an toàn của mình, mở rộng vùng phát triển của mình. Nhiều thứ ngày xưa sợ giờ là chuyện nhỏ. Nhiều thứ ngày xưa hoảng loạn, giờ trở thành mục tiêu chinh phục tiếp theo. Tiềm năng của con người cứ như là một cái hố đen, càng hút mọi thứ về phía nó, càng ngạc nhiên vì có quá nhiều thứ mình có khả năng làm được. Và trên hành trình học hỏi, rèn luyện, thử nghiệm và chinh phục đó, bạn ngày càng trở nên tự tin hơn, vì biết mình làm được. Vậy thôi. Không có ghê gớm hay cao siêu gì ở đây. Tôi đã từng sợ chết khiếp những thứ bây giờ là chuyện nhỏ.

6.746 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Ngày hết hạn

bottom of page