top of page

VŨNG LẦY CẢM XÚC



Nhiều bạn inbox hỏi bản thân thường bị rơi vào “vũng lầy cảm xúc”. Có khi chuyện cũng chẳng to tát gì, nhưng cảm giác bị người khác chống lại, phản bội, nghi ngờ, vv làm ta hụt hẫng, chán nản, và thế là ta muốn bỏ hết tất cả, muốn xa lánh tất cả, vì trên đời này chẳng ai hiểu được ta. Con người ai cũng đều bị hoàn cảnh và cảm xúc chi phối. Hồi còn trẻ tôi vẫn thế. May mắn là trên hành trình cuộc sống, tôi đã được học được những bài học giúp mình lướt qua khỏi những “vũng lầy”. Chia sẻ xem có giúp được các bạn không nhé.


1. Know what you are meant to do in life – Biết mục đích sống của bản thân là gì: câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất trong mọi vấn đề bao giờ cũng bắt đầu bằng Why – tại sao. Tại sao ta lại có mặt ở đây? Tại sao ta sinh ra trong cõi đời này? Tại sao ta làm việc cật lực mà vẫn không hạnh phúc? Khi tìm ra được mục đích sống của mình, bạn mới thật sự bắt đầu cuộc sống. Hành trình trả lời câu hỏi why – tại sao thật ra không dễ chút nào. Nó đòi hỏi ta phải quay lại chất vấn chính mình, đối thoại với chính mình, im lặng lắng nghe chính mình…. Đây không phải là chuyện của một ngày, hai ngày. Đừng vội vã! Hãy bắt đầu câu hỏi, và hãy nhẹ nhàng đối thoại với bản thân. Khi câu hỏi được hỏi, câu trả lời sẽ xuất hiện.

2. Know what they are supposed to do each day – Biết mình cần phải làm gì mỗi ngày: khi hiểu được tại sao, người ta sẽ biết phải làm gì. Mọi việc làm của ta lúc này đều hướng về phục vụ mục đích sống của ta. CEO của Apple, Tim Cook, trong một phát biểu gần đây với sinh viên đại học Glasgow đã nói thế này “Don’t work for the money. If you work for the money, you will wear out fast, or you’ll never make enough and you will never be happy – Đừng làm chỉ vì đồng tiền. Nếu bạn làm vì tiền, bạn sẽ mệt mỏi, hoặc tiền chẳng bao giờ là đủ, và rồi bạn chẳng hạnh phúc chút nào.” Ông khuyên sinh viên nên tìm ra giao điểm giữa đam mê của bản thân và mong muốn làm được điều gì đó có ích để phục vụ cộng đồng, phục vụ con người.

3. Be the author of your own rule book – Viết câu chuyện của chính mình: đã là con người, ta thường hay bị ảnh hưởng bởi mọi người xung quanh. Ta có thể học từ họ, lắng nghe và suy ngẫm những điều người khác chia sẻ, nhưng đừng bao giờ ép mình phải sống theo người khác. Mỗi người có một câu chuyện rất riêng, một cuộc sống và hoàn cảnh rất riêng. Và ta thật ra chỉ có thể giữ vững được những nguyên tắc do ta đặt ra cho chính bản thân mình.


Khi biết mình sống vì điều gì, biết mình hôm nay cần phải làm gì để hoàn thành mục đích sống đó, biết mình phải làm theo cách rất riêng nào, mọi cảm xúc tiêu cực, sự chỉ trích, hay dèm pha của người khác thật ra là chẳng liên quan gì đến cuộc sống của tôi. Hãy để cho tác giả của những cảm xúc tiêu cực ấy tự họ phải giải quyết vấn đề của họ.

120 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page