top of page

VỀ ĐÂU?

Ảnh của tác giả: Phi Van NguyenPhi Van Nguyen


Trong mấy tuần vừa qua, tin nhắn gởi về cho mình nhiều nhất là từ các bạn đang đi làm, nhân viên có, người làm quản lý có, và trạng thái khá tương đồng: chán nản, lo lắng, hoang mang, vô định, chưa bắt nhịp lại được với hành trình công việc và sự nghiệp bình thường mới. Và tâm trạng đó dường như là nỗi lòng riêng tư nhưng lại là của tất cả mọi người, thân đã quay lại nhưng tâm thì vẫn loay hoay.

Cũng dễ hiểu thôi, ta nói nhiều về sự bất định của tương lai, của thế giới siêu việt giao nhau giữa người và máy. Nhưng sự bất định đó chỉ là trên giấy, là một thứ gì đó mơ hồ, dường như còn xa lắm, và hình như nó ám ảnh người khác nhiều hơn là nhắm thẳng vào ta. Rồi Covid đến…. Và nó quăng sự thật về cái gọi là bất định vào mặt mỗi người, một cách rất cá nhân hoá. Nó là nỗi sợ hãi ép con người vào góc phòng bật khóc. Nó là tiếng còi xe cứu thương to dần đập thình thình lên màng óc. Nó là những câu chuyện giữa lằn ranh của chính ta, của gia đình ta, của những người hàng xóm kế bên ta. Nó là sự hoang tàn của những kiếp người. Nó là nỗi lòng xác xơ của cộng đồng, xã hội. Và trong hoàn cảnh đó, ai mà chẳng bị nó đẩy vô thế “bị ảnh hưởng tâm lý”, trừ phi bạn là người vô cảm. Bằng cách này hay cách khác, bằng câu chuyện này hay sự thật khác, nó ám ảnh tất cả chúng ta. Rồi giờ “mở cửa”, và ta quay lại với cuộc sống và công việc….

“Quay lại” là quay lại làm sao? Ngày giờ vật lý đã định, cái thân rời khỏi nhà đi đến chỗ làm. Lại những cái list công việc lút đầu, lại hội họp, lại chạy số, lại phải đối diện với chính trị công sở, với mâu thuẫn, xung đột nội bộ, với nhiều vấn đề với đối tác, khách hàng, vv. Cái thân lại lao vào guồng. Cơm áo gạo tiền lại trĩu nặng đôi vai. Có lẽ lần này thì nặng hơn, vì mọi sự có vẻ khó hơn, cuộc sống có vẻ phải tính toán chi li hơn, công việc có vẻ phải cày nhiều hơn dù kết quả nhận lại ít hơn, làm có khi chẳng bao giờ thấy xong vì hoàn cảnh và điều kiện thay đổi liên tục. Mọi thứ dường như bày bừa ra không tém ngăn nắp gọn gàng như xưa được. Và trong cái sự thiếu rõ ràng đó, cái tâm nó vẫn đang bơ vơ, loay hoay không biết quay về là phải làm sao. Người mạnh mẽ thì còn tìm cách này cách kia để dọn dẹp lại tâm hồn, trấn an nó, tạm cất nó vào một góc tối nào đó chờ khi rảnh thì deal với nó. Người không mạnh mẽ (chắc phải tới 80%) thì thân tâm tách ra mỗi đứa chạy một hướng, không biết phải làm sao nghĩ, hoảng hốt tìm nhau trên xa lộ mới của sự bất bình thường.

Nếu cứ như thế, nếu không có thời gian và sự quan tâm giữa những con người, nếu tình trạng này cứ diễn ra không có bất kỳ sự can thiệp nào của lãnh đạo hay tổ chức, trạng thái “loạn tâm lý” trong đám đông người lao động sẽ là chuyện đương nhiên. Họ rồi sẽ không quản trị được cảm xúc bản thân nên phản ứng bất thường, gây mâu thuẫn nhiều hơn trong nội bộ. Họ rồi sẽ làm việc như cái xác vì linh hồn chạy lạc chưa tìm thấy. Họ rồi sẽ đưa ra những lựa chọn, quyết định thiếu bình tĩnh, kém EI (Emotional Intelligence - trí thông minh cảm xúc). Họ sẽ thường xuyên, một cách vô thức, vận hành trong trạng thái lo âu, sợ hãi, mơ hồ…. Khi tâm không không vững, làm sao công việc vững? Và đó, cũng là lý do vì sao người lắng nghe như tôi nhận quá nhiều tin nhắn từ những người lạ chỉ kết nối qua website hay FB, đặc biệt là nhiều người đã follow nhiều năm nhưng bây giờ, trong hoàn cảnh không biết phải làm sao này mới nhắn, chỉ để được ai đó lắng nghe….

Cho nên, mùa quay lại có lẽ nên là mùa mà mỗi người, mỗi lãnh đạo, mỗi tổ chức nên quan tâm hơn đến phần mềm của đội ngũ, đến sức khoẻ tinh thần, đến cái tâm còn đang lang thang vô định ở ngoài kia. Người khác máy ở chỗ này, chúng ta không lập trình trạng thái được. Cho nên, việc thì vẫn phải làm, KPI thì vẫn phải đạt, nhưng yếu tố tâm lý sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để mọi người thật sự quay trở lại, không chỉ bằng cái thân vật lý, mà cả với cái tâm bình an và sẵn sàng chờ đón những sự khởi đầu. Nếu không được quan tâm, thiếu đi chăm sóc, sức khoẻ tinh thần rồi sẽ trở thành trở ngại hàng đầu cho tập thể và tổ chức trong giai đoạn vừa quay lại đã phải chạy đua này.


“Kiệt sức tinh thần” sẽ là vấn đề lớn nhất của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức vẫn còn một linh hồn để giữ gìn và bảo vệ. Đây có lẽ cũng là phép thử minh bạch và nghiệt ngã nhất về văn hoá, khi từng thành viên trong đó vẫn đang dạt về phía những miền đau. Do we care - Chúng ta rồi có quan tâm? Do we care enough - chúng ta rồi có quan tâm đủ? Khi những con số vẫn cứ chạy đưa về tận cùng của bảng báo cáo tài chính, con người và những linh hồn sẽ chạy về đâu?

댓글


Bạn đã đăng ký thành công!

Nhập email để tự động nhận bài mới

©2021 by Nguyễn Phi Vân

bottom of page