top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU TRÊN BẢN ĐỒ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SO VỚI THẾ GIỚI?



Sáng nay, đọc báo cáo dữ liệu của Coursera về tình hình và mức độ phát triển kỹ năng toàn cầu trong đó có Việt Nam và nghĩ là nên chọn vài điều quan trọng để chia sẻ với các bạn.


  1. Điều đáng vui mừng là Việt Nam xếp hạng khá tốt trên bản đồ phát triển kỹ năng thế giới, nằm trong nhóm “Competitive” - nghĩa là có vị thế cạnh tranh, đứng thứ 35 trên thế giới về việc dấn thân nâng cao kỹ năng, nhưng điều đáng buồn là vị trí này đã rớt 17 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy là sau khi quay trở lại làm việc, Việt Nam đã quay về guồng quay cơm áo gạo tiền và không còn chăm học nữa?

  2. Kỹ năng số đang trở thành ngôn ngữ chính thống trong nền kinh tế số. Không phải ai đi làm cũng phải học code, nhưng quan trọng là phải hiểu, ai cũng phải học, tránh rơi vào tình trạng mù chữ thế kỷ 21 là mù chữ vì không có kỹ năng số. Chuyện này mình đã nhai đi nhai lại không biết bao nhiêu lần trên nhiều diễn đàn, và viết hẳn cả 1 quyển sách Nym - Tôi của tương lai chỉ để làm sách giáo khoa không chính thống, dễ đọc và dễ học nhất mọi thời đại cho tất cả những ai muốn cập nhật kiến thức và kỹ năng số nhanh nhất. Vậy mà còn không chịu lo đọc và học nữa thì thật bó tay luôn.

  3. Kỹ năng kinh doanh như quản trị, marketing, sales, vv được người đi làm ở các quốc gia đang phát triển coi trọng hơn, và có vẻ hơi đuối và chưa đề cao kỹ năng số.

  4. Các kỹ năng “người” như tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, vv được các quốc gia đã phát triển như Bắc Mỹ, Bắc Á, Châu Âu quan tâm hơn so với các quốc gia đang phát triển. Có lẽ một phần là do việc học và cập nhật trong hệ thống giáo dục các quốc gia đã phát triển tốt hơn. Do đó, họ hiểu và đặt nặng những kỹ năng thế kỷ 21, kỹ năng người sẽ giúp cho con người định vị khác biệt so với máy. Có như vậy thì con người mới có giá hơn khi cạnh tranh với máy, và chủ động hơn khi hội nhập tương lai.

  5. Châu Âu là khu vực dẫn đầu về phát triển kỹ năng của thế giới, 7 trong số các quốc gia dẫn đầu trong TOP 10 về phát triển kỹ năng đều là các quốc gia châu Âu. Top 7/10 bao gồm Thuỵ Sỹ, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Bulgaria. Đó cũng là lý do vì sao Châu Âu đào tạo ra nhiều người lao động có kỹ năng cao.

  6. Trong top 10 có 3 quốc gia châu Á. Đứng thứ 3 là Indonesia. Anh Tổng thống áo vải của nước này quả là xuất sắc, truyền được tinh thần học và phát triển cho người dân theo kịp kinh tế số. Dùng thứ 5 là Singapore, cũng không đáng ngạc nhiên vì đảo quốc sư tử này trước giờ vẫn rất cạnh tranh. Đứng thứ 6 là Nhật, và dù đã rớt 3 hạng so với năm trước thì vẫn nằm trong top 10 về tham gia phát triển kỹ năng.

Đọc xong báo cáo thì có một vài suy nghĩ như sau:

  • Việt Nam quay lại tập trung học và nâng cao các kỹ năng số. Trong thế kỷ lạ lẫm và nền kinh tế số này, không có kỹ năng số nghĩa là mù chữ, dần dần sẽ không còn cơ hội tham gia vào thị trường lao động và k inh doanh toàn cầu nữa. Những gì xảy ra hôm nay chỉ là sự bắt đầu. Bạn cảm thấy chút áp lực nhưng vẫn tồn tại và kiếm tiền được trong môi trường non-tech là vì thị trường thay đổi dần chứ không cắp cụp. Tuy nhiên, nếu không làm gì cả ngay hôm nay thì bạn chắc chắn sẽ mù dần mù dần cho đến khi không còn thấy đường để đi về phía trước. Đọc tới đây thì hoặc là đăng ký ngay 1 khoá học về tech trên bất kỳ nền tảng nào, hoặc là tìm cuốn Nym - Tôi của tương lai đọc để hiểu tổng thể trước rồi theo chỉ dẫn trong sách mà đăng ký học tiếp.

  • Kỹ năng “người” sẽ là những kỹ năng đỉnh cao giúp cho bạn định vị được bản thân trong thế kỷ máy. Trước sau gì, trong chuyển động tự động hoá và kỹ thuật số thì người cũng phải cộng tác với máy. Đến giữa thể kỷ này thì đương nhiên 85 triệu việc làm cũ sẽ mất đi và 97 triệu công việc mới sẽ sinh ra. Job thì không thiếu, nhưng kỹ năng mới, kỹ năng số, kỹ năng làm người và cộng tác với máy sẽ trở thành những kỹ năng quan trọng, giúp bạn nắm bắt được và thành công trong công việc mới. Ít nhất thì cũng phải bỏ túi được Tư duy phản biện, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng sáng tạo, Kỹ năng giải quyết vấn đề. Và để làm được việc này thì quan trọng là tráng men cái nền Kỹ năng quản trị bản thân và EI - Trí thông minh cảm xúc. Biết vậy nên tất cả các khoá này tôi đều đã soạn và chia sẻ miễn phí cho các bạn trên blog rồi. Không học nữa thì thua luôn. Ngoài ra, kỹ năng người thì tôi đã viết hết ra, chỉ cặn kẽ trong cuốn Tôi, tương lai & Thế giới luôn cho các bạn rồi. Chỉ cần cầm cuốn sách lên đọc là xong. Vậy còn không làm nữa thì chịu.

  • Học cả đời và học cách học: Trong cái tình thế phải học để cập nhật và nâng cao kỹ năng này, vì nó liên quan sống còn tới công việc và cuộc sống của mình, thì đừng có ngồi đó chờ bộ giáo dục, trường học, hay thầy cô, phụ huynh, hay công ty tổ chức lo cho mình nữa nhé. Tự thân vận động đi. Học cách học. Và cách học là tự học, lúc nào cũng đang học, và học từ nhiều kênh nhiều nguồn khác nhau. Thế kỷ gì rồi. Muốn học thứ gì trên các nền tảng MOOC cũng có hết. Chỉ cần vài ba cái click là xong mà còn lười biếng nữa thì thôi luôn. Muốn mù dần thì xin mời. Thời này chỉ có ta tự cứu lấy mình. Không thì sayonara. Thế kỷ và thế giới này chẳng ai chờ bạn.



Rồi xong. Nói quá trời chỉ để nói thẳng nói thật là là không học thì xong phim. Rồi đừng suy nghĩ vẩn vơ nữa. Hành động ngay đi mọi người.

6.116 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page