Có những khoảnh khắc trong đời khi vũ trụ ngừng quay, khi sự vô tận của không gian và thời gian dường như tan vào trong một giọt nắng thuỷ tinh nhỏ li ti, rồi vỡ oà trong ta, rồi lăn dài theo khoé mắt. Một ngày mùa thu năm 2013, tôi ngồi đó, lặng người trong khoảnh khắc Florence. Run rẩy với lấy cái điện thoại trên bàn nhắn cho một anh bạn thân: “Em không thể nào thở nổi!”
Hành Trình Tri Thức (The Grand Tour)
Nếu muốn được công nhận là quý tộc hay trí thức các thời thế kỷ 16 đến 18 thì không thể không thực hiện cái gọi là “Hành Trình Tri Thức”. Hành trình có thể chỉ vài tháng, nhưng cũng có thể kéo dài đến 8 năm. Cũng vì vậy, hầu như chỉ có tầng lớp thượng lưu của châu Âu mới có điều kiện mà theo đuổi. Hành Trình Tri Thức đưa người ta đến Pháp để học về phép lịch sự và phong cách xã giao trong xã hội, đến Đức để học về chính trị & triết học, rồi dừng lại ở Ý để gieo trồng và nuôi dưỡng những đam mê lịch sử, văn hoá và nghệ thuật. Bên cạnh vấn đề nâng cao kiến thức, đỉnh cao của Hành Trình Tri Thức là những trải nghiệm văn hoá làm phong phú cuộc sống con người. Ồ người xưa người ta học nhiều cái hay như thế! Còn mình từ nhỏ đến lớn ở Việt nam cứ toán lý hoá làm tới, học làm sao điểm cho cao, học làm sao để ngày mai ra đời kiếm được nhiều tiền. Khổ!
Ảnh: nhà thờ Santa Maria tại Florence
Ý đã bắt đầu như vậy đó, một cái nôi văn hoá & nghệ thuật, một nơi lui về để nuôi dưỡng đam mê. Ở đó không có thành kiến, Ở đó không có giới hạn. Ở đó người ta có thể cho phép mình sống với những cảm xúc trần trụi, thăng hoa. Ở đó, đam mê như ngọn núi lửa khổng lồ Vesuvius, cứ âm ỉ, âm ỉ, hàng trăm, hàng trăm năm, rồi thổi bùng lên thành những kiệt tác nghệ thuật. Ngày xưa như thế. Bây giờ và sau này vẫn thế. Ý đã có một tầm nhìn. Ý là cái nôi lịch sử, văn hoá, và nghệ thuật của thế giới.
Bạn có biết:
20.000 thành viên của tổ chức mafia hiện đang đóng góp 10% vào tổng ngân sách GDP cả nước. Nói Ý nổi tiếng về mafia có lẽ một phần là do ảnh hưởng của phim “Bố già”. Trên thực tế, tỷ lệ bạo lực tại Anh gấp 8 lần so với Ý.
Bảo tàng sống
Không có gì đáng ngạc nhiên khi quốc gia có số lượng di sản UNESCO nhiều nhất trên thế giới lại là Ý. Từng bước đi trên các vỉa hè thơ mộng của Ý đã là cuộc đi dạo ngoạn mục giữa bảo tàng sống của một quốc gia. Và những thành phố nghệ thuật nổi tiếng trải đều, từ Rome đến Florence, Assisi, Venice, Siena, Pisa, Naples. Nhưng nếu phải kể ra những con số làm cho người ta kinh ngạc về di sản khổng lồ của đất nước này, phải kể đến 95 ngàn công trình kiến trúc nhà thờ, 40 ngàn công trình lâu đài & pháo đài cổ, 30 ngàn công trình nhà ở gắn liền với lịch sử, 4 ngàn công trình kiến trúc sân vườn, 36 ngàn công trình thư viện, 20 ngàn công trình thành phố có di tích lịch sử, 5.6 ngàn công trình viện bảo tàng và bảo tồn di tích, và 1.5 ngàn công trình tu viện. Chỉ nghe thôi đã không thở được. Nói về chiều dài lịch sử ư? Bàn về cái bạt ngàn của văn hoá ư? Kể những câu chuyện về nghệ thuật ư? Bạn biết gì về Ý?
Ảnh: Cinque Terre – 5 ngôi làng mang màu sắc mặt trời. Người địa phương nói rằng vì nằm nhà phơi ra trên sườn núi, việc sử dụng các sắc độ ánh sáng của mặt trời sẽ giúp làm giảm nhiệt.
Vậy đó, Ý xếp hạng thứ 3 trong cộng đồng châu Âu về tổng số lượt khách du lịch (51 triệu lượt), mang về cho quốc gia này một khoản thu khổng lồ 45.5 tỷ đô la năm 2013 (Việt nam 7.3 tỷ đô la). Trong số đó, 75% khách du lịch đến đây chỉ để trở về kết nối với niềm đam mê nghệ thuật của chính mình. Hãy nói một chút về 2 môn nghệ thuật mà tôi yêu thích nhất từ Ý, hội hoạ và opera. Năm 2013, nếu chỉ tính doanh thu thu được từ du khách nước ngoài, các nhà hát opera tại Ý đã thu được 352.5 triệu đô la. Trong khi đó, các viện bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật thu được gần 179 triệu đô. So thử với Việt nam nhé. Con số tương ứng là 2 triệu và 7 triệu đô la, nghĩa là bằng 0.57% và 3.91% đấy. Đó là chưa kể con số liên quan đến viện bảo tàng ở Việt nam có lẽ phần lớn là bảo tàng chiến tranh hơn là bảo tàng nghệ thuật. Bắt đầu từ bao giờ người Việt mình bắt đầu thiếu đam mê và đói nghệ thuật đến như thế nhỉ? Có lẽ mọi chuyện bắt đầu từ cái lấp lánh của xe hơi, nhà lầu, biệt thự. Hãy kể cho tôi nghe về nghệ thuật của thời đại Phục Hưng (Renaissance). Ai?
Chung tay giữ gìn nghệ thuật
Báo Spiegel của Đức đã từng đưa tin là có đến hơn 20 ngàn dự án do người dân Ý tự phát thành lập nhằm bảo tồn các di sản địa phương. Thủ tướng Matteo Renzi thì hiện đang đưa mục tiêu xây dựng đất nước của nghệ thuật lên hàng đầu. Quỹ đóng góp bảo tồn nghệ thuật, cho dù là cá nhân hay tổ chức, đều chắc chắn được trừ thuế . Chính phủ sẽ bổ sung thêm 20 nhân sự chủ chốt cho các bảo tàng lớn, và 2015 Milan Expo hứa hẹn sẽ mang về cho Ý hàng triệu đô đóng góp vào công cuộc bảo tồn nghệ thuật.
Trích chương 4 - Nuôi dưỡng đam mê - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân
Comments