top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

ĐÔI KHI, TA CẦN BƯỚC RA…

Đã cập nhật: 18 thg 2, 2023



Con người, ai cũng trở nên mù quáng, thiển cận, cực đoan và vô lý khi đã bị quận vào một cách nghĩ, một góc nhìn, một thành kiến, một trận cảm xúc phừng phực hay khi đã bị đám đông tẩy não, ảnh hưởng, bịt mắt và dẫn dắt. Có khi, mình nghĩ, cảm thấy và cho là như thế thật. Có khi, mình chỉ bị đám đông và cảm xúc nhất thời bùng lên. Có khi, mình cũng chỉ lơ ngơ chưa kịp hiểu gì, biết gì, thái độ gì nhưng bị lọt thỏm vào đám đông, thế là dù không muốn mình cũng đã bị đồng hoá. Dù tình huống là gì, thì chuyện hùa nhau đổ dầu vào lửa, đẩy mâu thuẫn lên cao trào, hay chuyện nhỏ xé ra to là cách độc hại nhất để huỷ diệt, trong rất nhiều trường hợp một cách cực kỳ mù quáng.


Do đó, người bình tĩnh, có EI - trí thông minh cảm xúc, chính chắn, và có tầm không ai cho phép mình để mặc cho cảm xúc bung bét, không ai cho phép ngòi nổ cảm xúc của mình bị kích hoạt, không ai để mặc cho cảm xúc cá nhân bị thao túng bởi những kẻ biết cách lợi dụng tâm lý đám đông. Tuyệt đỉnh của EI là khi bạn chính là người kiểm soát, quản trị hiệu quả nhất tâm trí của chính mình, không cho phép nó chạy rông ngoài đường, nổi cơn dập dờn, ăn vạ thuyền này bến kia, sáng nắng chiều mưa kiểu mood swing mà không sao kiểm soát được. Nhưng đời mà, đâu phải ai cũng học được cách bình tĩnh. Ai cũng ego hết. Ai cũng ích kỷ, self-centric - lấy bản thân làm tâm điểm vũ trụ. Ai cũng luôn cho là mình đúng người ta sai. Ai cũng muốn cái lợi chở hết về nhà mình và cái hại đùa hết sang nhà họ. Mà khi đã rơi vào thế như vậy, thì không ai đủ tỉnh táo, nghĩ đa chiều, tâm bao dung và lựa chọn sáng suốt cả.


Ai cũng như que diêm, bắt lửa là bùng cháy. Đôi khi, cháy vì tự mình quẹt lửa, cháy vì bị ai đó cố ý mồi. Có khi, cháy chỉ vì accident, que kế bên nó cháy, mà nó ngay bên cạnh, gần quá, thế là bén lửa không kiểm soát được. Có khi, một que diêm cháy thì cả đám nó bùng, chỉ vì đang bị xếp cùng một hộp. Dù cháy vì nguyên nhân nào thì chuyện cháy hừng hực, mất kiểm soát luôn luôn mang về thiệt hại. Trong một đám cháy, chỉ có kẻ cố ý châm lửa, mồi lửa mới là kẻ hưởng lợi, đắc ý, toại thành. Còn lại, củi nhà nào nhà đó mất, tro nhà nào nhà đó thu gom, thiệt hại nhà nào nhà đó tiếc. Hồi cháy, không ai kiểm soát được. Cháy rụi rồi, vỡ lẽ ra mới thấy mình quá ngu, thật tệ, tào lao nhưng chuyện đã lỡ rồi, nên đành ngậm miệng mà bao biện cho cái tôi và cái mặt mày sưng xỉa đang đeo lủng lẳng trên người. Câu hỏi là, đường nào cũng rụi mà sao chẳng tránh?

Quản trị cảm xúc cá nhân

Bạn nghĩ lại đi, bao nhiêu chuyện đáng tiếc xảy ra trong đời xảy ra là do bạn không kiểm soát được cảm xúc của chính bản thân mình? Chắc phải tới 99%. Chúng ta, ai cũng mang theo bên mình một bao lựu đạn, chứa đầy chất nổ mà chúng ta tự tạo ra trong hành trình cuộc sống. Chúng ta ai cũng, qua những tình huống rất khác nhau, đều đã từng bị lừa gạt, bị bất công, bị tấn công, bị làm nhục, bị mỉa mai, hành hạ về cơ thể và tinh thần, vv. Ai cũng đã từng phải trải qua một hay nhiều nỗi đau nào đấy từ khi sinh ra cho đến ngày hôm nay. Mỗi lần như thế, ta tự dạy mình một bài học mới, tạo ra một ngòi nổ mới, trang bị một loại chất nổ mới.


Tất cả những trải nghiệm có phần tương đồng, giông giống nhau chúng sẽ được não người ghi nhận, dò tìm về quá khứ, định danh những sự kiện, câu chuyện, tình huống rất original đã từng xảy ra, rồi mượn ngay lấy cảm xúc, năng lượng, chất nổ của tất cả những dữ liệu này làm vũ khí phản ứng chung. Mỗi lần cần phản ứng mới, nguồn lực cộng dồn theo thời gian lại dày lên, và càng ngày, người ta càng nổi cơn ghê gớm hơn khi lò giận dữ ngày càng nhiều củi. Cho nên, có khi chuyện chẳng có gì, nhưng người ta mang sự giận dữ của mấy chục năm, trải nghiệm của nhiều lần tương tự ra mà nổi cơn, chứ nhiều khi chẳng liên quan gì lắm đến chuyện trong hiện tại. Phát hoả là như thế. Đó là phản ứng tự nhiên, auto của con người và hệ thống xử lý tự động cảm xúc của con người. Ai không làm gì thì cả đời cứ thế, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân và cũng không hiểu tại sao.


Ai hiểu được nguyên lý vận hành tự động hoá của hệ thống cảm xúc thì đều hiểu rằng, mình cần học và rèn luyện khả năng quản trị cảm xúc. Khi ta hiểu cách cảm xúc vận hành, ta học cách gỡ bỏ nút thắt quá khứ, không cho trải nghiệm xấu nó tự cộng dồn, tự tạo kho thuốc nổ và tự châm tự nổ nữa. Ta học cách bước ra, lùi lại, dập tắt hoặc vô hiệu hoá ngòi nổ để bản thân không tự nổi cơn. Từ đó, ta cũng học được cách quan sát và thấu hiểu kẻ nổi cơn đối diện, hiểu nhiều khi họ cũng vô minh chứ chẳng phải đang nổi cơn với mình, hiểu có khi họ đang nhục mạ chính họ hay quá khứ của họ chứ chẳng phải là ta, họ thật đáng thương và cần được giúp đỡ, chữa lành. Chỉ cần những hiểu biết cơ bản này thôi, chắc 80% vấn đề, chuyện rắc rối và tào lao trong đời mình sẽ biến mất mà không cần đi dập lửa.

Hiểu và tách mình ra khỏi đám đông mù quáng

Con người mà, là con thú xã hội, nên rất dễ dàng bị đám đông lấn át, thao túng, dẫn dắt. Có khi chả hiểu đầu cua tai nheo chuyện gì đang xảy ra, nhưng trong cái thế vỡ trận ồ ồ người ta la hét, chửi mắng, lăng mạ ai đó, việc gì đó thì cá nhân rất dễ bị cuốn theo, đôi khi khùng điên theo đám đông mà bản thân cũng chẳng hiểu tại sao, không kịp tìm hiểu, phân tích hay phản biện. Năng lượng đám đông rất ghê gớm. Vì vậy, rất nhiều người, đặc biệt là những người hiểu về thao túng đám đông, sẽ lợi dụng tâm lý đám đông để đạt được mục đích cá nhân nào đó của họ. Họ biết, khi đám đông bị kích hoạt, nổi cơn, và vào thế vỡ đê thì, đứa nào họ muốn diệt mà chả được.


Đám đông vốn được nuôi lớn từ năng lượng chung. Khi đó là năng lượng đen đúa chẳng hạn thì nó sẽ trở thành con quái thú tàn ác, vô tri, và nó sẽ xử đẹp bất kỳ mục tiêu nào đang bị đám đông chĩa vào. Khi quái thú được tạo ra, nó trở thành vũ khí huỷ diệt ghê gớm của một ai đó núp lùm ở đằng sau, còn đám đông thì thật đáng thương, vì họ trở thành công cụ ngu ngốc của người khác mà không hề hay biết. Người bình tĩnh, hiểu chuyện, vì vậy mà hết sức tỉnh táo, sử dụng tư duy phản biện để xây dựng chính kiến, không hùa theo bất kỳ đám đông nào, và học cách tách mình ra khỏi đám đông khi nó bắt đầu có mùi quái thú.

Nhìn sự việc ở thể thứ 3

Một sự việc xảy ra, không bao giờ có chuyện hết sức rạch ròi, trắng đen về bên đúng bên sai, bên chính bên tà, bên làm lỗi và bên bị hại. Một sự việc xảy ra, nó chỉ là chiếc nhân. Từ đó, các bên liên quan sẽ, dựa vào cảm xúc và nhận thức của bên mình mà phản ứng bằng nhiều cách khác nhau. Chính những phản ứng này tiếp tục khởi tạo ra những chiếc nhân mới. Sự việc vì vậy có khi chẳng lớn lao gì, nhưng cách phản ứng của các bên khiến cho một que diêm bốc cháy bỗng biến thành đám cháy không cách chữa. Duyên khởi trùng trùng là như thế, cái này nối tiếp và tạo ra cái kia, tầng tầng lớp lớp, cho đến khi không ai còn có thể phân biệt câu chuyện original nó ra làm sao, nó có gì đâu mà sao bỗng biến thành con quái thú vật vã và tàn ác thế.


Bạn nghĩ lại đi, hầu hết mọi chuyện vật vã trong đời ta nó là như vậy, khởi tạo từ sự vô minh của từng cá nhân, từng thập thể, nối tiếp nhau cho đến khi nó trở nên quá sức. Muốn nó đừng ập vô nhà mình nữa, chỉ có cách phải tu luyện, giữ cho mình hết sức tỉnh táo trong mọi tình huống ngay từ khi nó mới khởi đầu. Khởi đầu nào cũng nhỏ nhoi, nếu biết cách xử lý thì nó sẽ biến mất, không bị nuôi lớn bằng năng lượng tiêu cực để trở thành quái thú. Cứ phải giữ mình ở thể thứ 3, khách quan, bình tĩnh, nhìn nhận gốc rễ của vấn đề bằng trái tim khách quan và bao dung. Được vậy, mình từ chối không tham gia công cuộc chăn nuôi quái thú từ đầu, thì làm gì có quái thú nào xổng chuồng mà đi làm hại cả mình và họ?


Cho nên, dù bạn đang gặp phải chuyện gì, hãy biết rằng nó nhỏ nhoi và linh tinh lắm so với vũ trụ này, và nó nên được xoá sổ ngay hôm nay để không phí bao nguồn lực và thời gian của các bên đi nuôi thú. Đôi khi, tất cả những gì chúng ta cần làm là bước ra, tránh xa đám cháy, đứng ngoài nhìn vào, hiểu để bình tĩnh đưa ra lựa chọn dập tắt đám cháy ngay khi còn nhen nhóm. Được vậy, đời này rồi sẽ an nhiên và thong dong biết mấy.


4.448 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page