Thường thì, những gì đã quá quen thuộc với mình mỗi ngày cũng chính là điểm mù của bản thân.
Em làm ngành này lâu năm rồi. Trước giờ vẫn là như thế…
Em đã làm chuyện này cả vạn lần làm sao không hiểu được…
Trước nay vẫn làm thế có sao đâu…
Khi ta vin vào kinh nghiệm, trải nghiệm, thói quen đã từng trong quá khứ để không thay đổi, để không lắng nghe những ý kiến hay đề xuất mới, để bỏ qua mọi ý tưởng mới vì tin rằng mình đã là sư phụ trong vấn đề đang thảo luận, thì đó cũng là lúc điểm mù phát huy tác dụng. Điểm mù là điểm bạn không nhìn thấy dù nó ở ngay trước mắt, vì bạn đã quen nhìn bối cảnh theo cách của bạn, bỏ qua một số chi tiết dù hiển nhiên. Ví dụ, cách bạn giải quyết vấn đề khi công ty còn rất nhỏ khi nó giống y như cách bạn giải quyết vấn đề khi công ty đã phát triển lớn gấp 10, 20 lần, chỉ vì bạn tin rằng, bạn đã giải quyết như vậy trước nay và trước giờ nó vẫn work. Nhưng bạn quên đi một điều rằng, nó work trong điều kiện công ty nhỏ. Giờ đây, khi công ty đã phát triển, điều kiện môi trường, quan hệ, cấu trúc đã thay đổi, và vì vậy cách cũ không còn thích hợp trong điều kiện mới. Có điều, điểm mù đã che mắt bạn, và bạn đinh ninh rằng cứ như vậy mà làm vì nó đã work trong quá khứ, không việc gì phải thay đổi….
Khi mọi thứ đã trở nên quen thuộc, ta cứ thế mà làm, cứ thế mà triển khai, không suy nghĩ và cho là không cần phải suy nghĩ chi cho mệt, vì nó đã suông sẻ và thành công trong quá khứ. Mình cho là như vậy. Người xung quanh cho là như vậy. Những người đang đi theo mình vì thế cũng tin là như vậy. Một cá nhân khi đã tạo điều kiện cho điểm mù tác động đến quyết định và lựa chọn, và nếu họ là lãnh đạo, thì cả tập thể đó sẽ chia sẻ cùng một điểm mù. Hoặc giả có người nhìn thấy điểm mù nhưng không dám lên tiếng. Hoặc có khi thấy nhưng sợ đi ngược lại đám đông nên thôi lắc đầu bỏ qua cho đỡ phiền. Dù là gì, điểm mù của lãnh đạo bổng trở thành điểm mù của cả tổ chức. Và nếu như lãnh đạo lại là người có tư duy đóng hay có cái ego to bự nữa thì, người ngoài dù có thấy cũng tránh, không đụng chi cho sinh chuyện.
Khi ta để cho điểm mù dẫn dắt, ảnh hưởng khả năng nhìn xa trông rộng, khả năng sáng tạo và phát triển thì, ta sẽ loay hoay khi chạm đến một level nhất định, không vượt qua ngưỡng được, và cứ thế mà dậm chân tại chỗ, vì ta không thể nghĩ được gì khác, không thấy được tương lai to lớn hơn.
Vậy, làm sao để có thể nhận ra điểm mù của bản thân để xoá bỏ những giới hạn sinh ra từ sự cũ kỹ?
Tư duy mở triệt để
Ai cũng có điểm mù, và một cách tự nhiên, ai cũng có thể bị điểm mù giới hạn cách bản thân tư duy và suy nghĩ. Do đó, bản thân bạn cần hiểu và chấp nhận sự thật này trước đã. Và vì bạn chấp nhận và nhận thức về sự tồn tại của nó, bạn tập cho mình tư duy mở triệt để, nghĩa là khi tư duy về một vấn đề thì hoàn toàn không để cho hiểu biết cũ, thành kiến, định kiến ảnh hưởng khả năng tiếp nhận đề xuất mới. Người thành công thường là người có tư duy mở triệt để. Họ lắng nghe, học hỏi, tiếp nhận cái mới một cách tự nhiên, và dễ dàng tư duy lại về một vấn đề khi có thêm điều kiện mới xuất hiện, sử dụng tư duy thiết kế để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
Nhờ tư duy mở, họ tiếp nhận khi người khác chỉ ra điểm mù của bản thân, và vì vậy vượt qua được giới hạn do chính bản thân đặt ra.
Coach, mentor
Với những ai chưa hoặc không rèn được level tư duy mở để tự mình nhận ra điểm mù thì bạn cần có người nhắc nhở, chỉ ra, hướng dẫn cách để vượt qua. Người đó tốt nhất là coach hoặc mentor của bạn. Đó có thể là người bên ngoài bạn phải trả tiền để được hướng dẫn, cũng có thể là sếp, đồng nghiệp, bạn bè, người quen, vv. Người ngoài bao giờ cũng sáng hơn người trong cuộc là vậy. Họ nhìn thấy điểm mù của bạn, chia sẻ với bạn và nhờ vậy mà bạn nhận thức được giới hạn này của bản thân để tìm cách vượt qua. Coach cũng có thể là người chỉ cho bạn cách vượt qua, và đồng hành cùng bạn để vượt qua.
Dù là gì, thì trước hết cũng nên biết có một khái niệm gọi là điểm mù mà ai ai trong đời cũng có. Nó hiện diện hết sức tự nhiên và chỉ khi ta học thì mới biết là khái niệm này tồn tại, có khả năng giới hạn sự phát triển của bản thân và vì thế là một sự cản trở cho sự phát triển của bản thân. Nếu đã biết, việc có quyết định xử lý nó hay không là tùy bạn, vì điều đó chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân bạn, không ai khác….
Comentarios