top of page

10 SAI LẦM VỀ SẾP TỐT

Đã cập nhật: 27 thg 7, 2021



Sau một đời làm lính và làm sếp, mình mới hiểu ra sếp tốt là sếp thế nào. Và những gì mình ngỡ là tốt ngày xưa thật ra là chẳng tốt chút nào. Tốt, là khi sếp giúp mình, gieo cho mình một cái hạt phát triển được bản thân, thay đổi và phát triển tư duy, tri thức, kỹ năng, thái độ, tâm hồn, giúp mình có khả năng tự nhìn lại mình, rồi chủ động học hỏi và phát triển cả đời dù không còn làm việc với nhau sau đó. Còn hiểu lầm về sếp tốt thì nhiều lắm. Kể ra vài cái nghe chơi để mình bớt phàn nàn hay biết ơn sếp hơn nha.

- Sai lầm 1 - Sếp tốt là sếp thương & bảo bọc nhân viên: thương và bảo bọc là nhốt vô một cái bong bóng, tránh cho bạn khỏi phải đối diện hay bị ảnh hưởng bởi những sự thật đau đớn, kiểu bạn không đủ năng lực, hay bạn đã lỗi thời, không có khả năng hội nhập vào tương lai phía trước. Nhưng vì tình cảm, vì thương nên cứ cố gánh, cố hỗ trợ và bảo bọc khi còn có thể. Vấn đề là, không ai có thể hay có trách nhiệm bảo bọc ai cả đời. Khi sếp hết bảo bọc được nữa vì bất cứ lý do gì, bạn mất khả năng tự chủ, mất khả năng tự vận hành cuộc đời và sự nghiệp của mình. Vậy, gọi là hại, không phải yêu thương đúng nghĩa.


- Sai lầm 2 - Sếp tốt là sếp dễ tính: ai đi làm cũng thích sếp dễ tính, không bao giờ la, không bao giờ nghiêm khắc, việc không xong, vấn đề giải quyết không thoả đáng cũng xuề xoà cho qua. “Thôi, tội nghiệp nó”, kiểu vậy. Gặp sếp kiểu này thì bạn được uống si rô lờn. Bạn sẽ quen thói qua loa cho qua, làm cho có, làm cho xong, không quan trọng uy tín cá nhân để cố gắng hết sức trong công việc. Đâu sao! Làm sai chút, ẩu chút, dở chút sếp cũng cho qua mà. Chuyện này cực hại. Khi đã quen với thói quen này, bạn làm gì cũng không ra gì, không đến nơi, không có chất lượng nói chi vượt hơn mong đợi. Người như vậy không có giá trị, không được tôn trọng, và khó mà thành công. Vậy, là hại chứ tốt gì.


- Sai lầm 3 - Sếp tốt trả lương cao hơn năng lực: ai đi làm cũng muốn được lãnh lương cao. Nhưng khi sếp không đánh giá đúng năng lực, do thương, do bạn làm gián điệp ngầm mà trả lương cho bạn cao ngất ngưỡng thì sếp đang hại bạn. Bao giờ cũng thế, người lãnh lương cao hơn năng lực rơi vào ảo tưởng là mình giỏi, mình ghê gớm, mình siêu nhơn, rồi dẫn đến tự cao, làm biếng, coi người khác không ra gì, và là chất liệu cực tốt cho thảm kịch. Vì họ tưởng họ giỏi, họ sẽ không nghe ai, độc tài, tự đưa ra giải pháp bắt người khác phải theo. Nhưng vì không đủ năng lực, nên giải pháp của họ có thể đưa công ty vào thảm kịch. Khi thảm kịch xảy ra, bong bóng ảo tưởng vỡ tan, và họ rơi tự do, vì không chấp nhận được sự thật là mình dở hơn mình tưởng. Vậy, là quá sức hại chứ tốt gì.


- Sai lầm 4 - Sếp tốt chỉ khen, không chê: Khen khi làm tốt là tốt. Nhưng nếu làm không tốt mà cũng khen cho nó vui vẻ thì sai. Mình không thích chữ chê, nói đúng hơn là chia sẻ sự thật. Nếu sự thật không tốt, không OK, không đạt thì phải nói thật, tìm hiểu lý do và khuyến khích nhân sự làm lại, hiệu chỉnh, làm tốt hơn, làm, cho đến khi đạt mới thôi. Gặp sếp “khó”, chỉ ra cho bạn sự thật, thì đó là cái phước lớn nhất trong đời, vì nó giúp bạn hiểu rõ mình đang ở đâu, và bản thân cần cố gắng học thêm thế nào để trở nên chuyên nghiệp, xuất sắc trong công việc. Thành công chỉ đến với người làm gì cũng hướng đến sự xuất sắc. Còn thích nghe khen, dù lời khen không đúng, do cố ý hay vô tình, nó sẽ lập trình trong não bạn là bạn OK quá rồi, khiến bạn tự phụ không lo học hỏi và phát triển. Rồi có ngày bạn sẽ thấy mình lạc lõng mãi phía sau. Vậy, là hại chứ tốt chi?


- Sai lầm 5 - Sếp tốt bọc đường, không xát muối: Sự thật nó là sự thật, dù nó có khó nhai khó ngửi kiểu gì. Nếu ta đem sự xù xì ra bọc vào lớp màng nhung, nếu ta đem trái đắng bọc đường, thì sự thật đã bị biến dạng. Khi ta tiếp nhận sự thật bị biến dạng, ta hiểu không đúng hay hiểu sai về sự thật. Vậy, thì ta không biết phải làm gì tiếp theo, hoặc có khi ta chọn lựa hay đưa ra quyết định tiếp theo không đúng. Cho nên, bọc đường ai chẳng thích. Thuốc đắng ai chẳng né. Có điều, ông bà ta đã chẳng nói thuốc đắng dã tật đó sao? Học cách tiếp nhận sự thật nguyên thuỷ, dù hình dạng xù xì xấu xí đến đâu, là bước quan trọng để biết cần phát triển bản thân tiếp theo một cách đúng đắn thế nào. Cho nên, đừng hảo ngọt mà hại mình. Xát muối mới là thương yêu thật sự.


- Sai lầm 6 - Sếp tốt bao che, đỡ đần, không qui trách nhiệm: Kiểu đại ca, làm sai cũng bao che nó có chất gian hồ sừng sững ai cũng thích. Nhưng làm sai mà chỉ bao che rồi cho chìm xuồng thì cực hại. Bạn cảm kích vì được bao che, không bị qui trách nhiệm. Rồi cứ vậy, cứ vậy, ngày qua ngày, bạn sẽ miễn nhiễm với trách nhiệm, vì lỡ sai đã có đại ca lo. Bạn kẹt ở đó, không nghĩ khác đi, làm khác đi, hay học hỏi để có thể làm tốt hơn. Có 1 level chơi hoài, lên không nổi level mới. Cho nên, làm sai, làm dở thì nên học cách tự chịu trách nhiệm, tự tìm cách giải quyết, tự tìm cách học hỏi nâng cao kỹ năng bản thân để làm xịn hơn, giỏi hơn. Không cần sếp phải nói ra đâu. Ngồi đó mong chờ sếp bao che, đỡ đần, không qui trách nhiệm rõ ràng thì tự bản thân đang cắt đường tiến của bản thân. Sau này chẳng làm gì ra hồn được cả. Vì người thành công là người dám dấn thân, dám làm, và dám chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình.


- Sai lầm 7 - Sếp tốt làm giùm nhân viên: có khi nào bạn biết mình làm tệ chút, quăng qua thể nào sếp cũng ra tay giải phẫu thẩm mỹ cho nó. Thế là xong. Ta ỷ y có sếp làm giùm, nên chất lượng công việc mình ra sao kệ. Thói quen dựa dẫm vào người khác để che dấu sự thiếu năng lực của bản thân nó như thuốc kích thích. Xài lâu đâm nghiện. Mà đã nghiện thì cứ vậy mà làm, làm càng ngày càng tệ hơn, càng dối hơn, càng hơn hớt trên bề mặt hơn chứ làm chi nhiều sếp cũng sửa hết thôi mà. Sướng ghê!, ta nghĩ. Nhưng sự sung sướng nhất thời đó nó là cơn bệnh, và ta sẽ chẳng bao giờ tự mình làm được thứ gì ra hồn. Ta sẽ quăng những kết quả phát gớm ra cho đời, và người ta nghĩ, vậy cũng làm được hả, tệ gì hết chỗ để còm. Hại lắm nha.


- Sai lầm 8 - Sếp tốt cất nhắc vì quan hệ: chuyện không có hay không đủ năng lực nhưng được cất nhắc dựa trên quan hệ là chuyện xảy ra như cơm bữa. Có khi vì thương thật, có khi vì bè đảng. Thiếu năng lực là thiếu năng lực. Chấm hết. Không có sự biện minh nào. Giao việc gì cho một người thiếu năng lực nhận lãnh trách nhiệm liên quan đều là hại mình hại người. Mà hại nhất, là khiến cho kẻ thiếu năng lực ảo tưởng là mình nhiều năng lực. Khi đã thiếu năng lực mà được cất nhắc giữ các vị trí cao hơn, đứng trên quản lý người ta, dễ bị rơi vào trạng thái chơi politics - chính trị, đì người giỏi, trọng kẻ nịnh. Nói chung là nguyên một tấn bi hài kịch sẽ bắt đầu từ đó, và nó nuôi tính xấu để che đậy sự thiếu năng lực ngày càng phồng to lên. Rồi sếp hại sếp, mình hại mình. Vậy là tốt hay không tốt?


- Sai lầm 9 - Sếp tốt đào tạo bạn thành họ: ủa thì sếp giỏi thì mình ngưỡng mộ, nhưng mà mỗi cá nhân là một bản thể rất khác nhau, không ai có tố chất giống ai, không ai có trải nghiệm và môi trường giống ai. Cho nên, mỗi người sinh ra để hoàn thành một sứ mệnh khác nhau, bằng những cách rất riêng tư, bằng hành trình của chính mình. Cho nên, không ai nên đào tạo ai để thành bản sao của chính mình. Vậy, là bẻ cong một con người, là đổ người ta vào một cái khuôn rồi uốn nắn người ta thành kẻ khác. Khi ta là ai đó khác, sống cuộc đời của ai đó, hoàn thành sứ mệnh của ai đó, theo cái cách của ai đó, thì ta chỉ làm như cái máy, theo cách được lập trình. Vậy, là ta không được lựa chọn, không được vui vẻ và hạnh phúc thực hiện nhiệm vụ cuộc đời mình. Vậy, là ta tự tước đi sự tự do và ý nghĩa cuộc đời mình. Làm vậy, là mang tội với bản thân lớn lắm.


- Sai lầm 10 - Sếp tốt không cho nghỉ việc: mình để cái sai lầm này ở cuối cùng là có ý của nó. Ai cũng nghĩ, sa thải hay cho nghỉ việc là xấu. Mình nghĩ khác. Mỗi người đến với ta ở một đoạn nào đó trong đời, để dạy hay để học từ ta một điều gì đó. Học xong, nếu muốn phát tiền tiếp thì phải tiếp tục hành trình. Còn khi ta cảm thấy người thầy không phải là mình, thì phải cho họ ra đi tìm ông thầy khác càng sớm càng tốt để đỡ mất thời gian của họ. Sếp thật sự nghĩ cho nhân viên là nghĩ đến hành trình phát triển của họ, nhìn con đường lâu dài của họ, có ý định tốt để giúp họ phát triển tốt nhất. Nếu để phát triển tốt hơn và tốt nhất mà cần phải ra đi, thì đành phải cho đi. Tốt không có nghĩa là giữ lại bên cạnh. Tốt, là để cho họ được trải nghiệm và lớn lên, nếu cần vấp ngã phải vấp ngã, nếu cần bị đời đánh cho lên bờ xuống ruộng thì cứ để cho đánh, nếu cần trải nghiệm tệ hơn để hiểu tốt hơn thì cứ phải cho đi. Cho nghỉ, có khi là rất thương. Cho nghỉ, có khi là đang giúp. Cho nên, đừng tưởng cứ giữ lại là tốt mà cứ cho nghỉ là xấu. Đời dài lắm. Đi hết một đoạn có khi mới biết ý định đằng sau hành trình đó là gì.

9.130 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page