top of page

4 CẤP ĐỘ THÔNG THẠO 1 KỸ NĂNG



Kỹ năng là thứ mà ai cũng phải học để có thể vận hành hiệu quả trong cuộc đời này. Kỹ năng thì có nhiều thứ phải học lắm, từ kỹ năng cứng đến kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc đội nhóm, cộng tác, quản trị bản thân, quản trị cảm xúc, phản biện, vv. Mỗi một kỹ năng cần học như vậy thông thường nó đi qua 4 cấp độ, và đòi hỏi người học phải rèn luyện để đạt được cấp độ cao nhất rồi thì mới dám ngừng lại. Bằng không, những gì bạn đọc, nghe thấy, lướt qua không bao giờ là đủ để bạn có kỹ năng. Vậy, 4 cấp độ này là gì và mỗi chúng ta cần làm gì khi biết mình đang ở cấp độ đó?


Cấp độ 1: Unconscious Incompetence - Không biết cũng không có

Có lẽ câu “You don’t know what you don’t know” từ lâu nay đã trở thành quen thuộc với mọi người vì tôi sử dụng câu này rất nhiều trong các bài viết của mình. Con người mà, chỉ là một cá thể nhỏ bé trong một vũ trụ bao la. Có quá trời thứ chúng ta không biết, và có vô giới hạn thứ chúng ta còn không biết là mình không biết. Đó gọi là vô minh, vì sống trong bóng tối mà không biết mình đang cách xa ánh sáng, kiểu vậy.

Tương tự, nhiều người bước đi trong cuộc đời này mà không hề biết mình đang thiếu kỹ năng. Không biết nó tồn tại là không biết. Không biết bản thân mình cần nó là không biết. Khi được giao một việc gì đó để làm, bạn làm đại theo bản năng, nghĩ sao làm vậy, khi kết quả được mang ra so sánh với một cái chuẩn nào đó hoặc được mang ra đánh giá mức độ thành công thì mới vỡ lẽ ra là mình đang làm một cách thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức, phương pháp nên nó mới tệ thế, vv.

Để có thể giúp cho bản thân vượt qua được giai đoạn khó khăn này, từ trong bóng tối lội ra để được khai sáng, thì bạn cần phải làm tốt những việc sau khi bản thân đang ở cấp độ 1:

  • Rèn luyện tinh thần học hỏi mọi lúc mọi nơi, luôn biết rằng mình chưa biết và cần phải học

  • Luôn đặt câu hỏi xin phản hồi của những người giỏi hơn về những gì mình sắp làm, đã làm để được chia sẻ góc nhìn mới, khác đi, hoặc cách để làm tốt hơn, logic hơn, hiệu quả hơn….

  • Luôn mở lòng lắng nghe không phán xét ý kiến và góc nhìn của người khác. Thiên kiến, định kiến, sự cố chấp là thứ khiến cho con người rơi vào trạng thái mù loà, không tiếp nhận tri thức mới, cách nghĩ mới, cách tiếp cận mới. Mà tiếp nhận còn không tiếp nhận thì học cái gì?

  • Luôn đặt câu hỏi có cách nào làm hay hơn, tốt hơn, pro hơn, hiệu quả hơn không? Mình chưa biết không có nghĩa là nó không tồn tại. Có khi, có nhiều cách khác hay hơn mà tại mình dốt, chưa được khai sáng nên chưa biết mà thôi. Vậy thì phải đi mà hỏi để nó sáng ra, diệt dốt thay vì giấu dốt. Đừng sợ người ta quánh giá. Bản thân tôi không biết là nói không biết, tự nhận dốt và xin người ta dạy cho. Chỉ có tinh thần như vậy thì mới mong vượt ra khỏi cái cấp độ vô thức, vô minh này mà thôi.

Cấp độ 2: Conscious Incompetence - Biết là mình không biết

Này gọi là ồ de, đã được khai sáng và nhận ra mình dốt, mình chưa biết, trước giờ mình ngơ rồi nè. Biết thôi đã là một chân trời mới vì ít ra mình biết là mình không biết, còn hơn không biết mà cứ trơ ra, nhơn nhơn như mình giỏi lắm rồi. Biết mình không biết là một trạng thái cực kỳ đã vì nó mang lại cảm giác vỡ òa, à thì ra mình còn phải lao đầu vào học cái thứ mới này, rồi nhờ vậy mà sau này mình sẽ làm chuyện đã từng làm một cách xịn mịn hơn rất nhiều. Revelation - Sự thức tỉnh, nhận ra về chính cái tối tăm trước nay trong đời mình là một phép màu. Nhận ra đã là nửa đoạn đường để đến.

Nhưng mà muốn được sáng ra, được vỡ oà cũng phải có điều kiện chớ không phải tự nhiên sáng dậy cái nó muốn vỡ nó vỡ. Đoạn này mình cần giữ cho bản thân trong trạng thái khát khao tìm kiếm thì may ra mới hiểu ra và tìm thấy được. Những điều cần lưu ý trong giai đoạn này:

  • Giữ cho bản thân luôn khiêm tốn để nhận ra mình còn yếu, còn kém, còn thiếu, và người khác có thể giỏi hơn. Chấp nhận điểm yếu của bản thân là bước quan trọng đầu tiên để mở ra hành trình học hỏi. Ai cái gì cũng tưởng mình hay thì hết phim, cả đời không học hỏi lên được nữa.

  • Nhận ra là quá tốt, nhưng nhận ra mà không làm gì thì cũng như không. Nếu đã biết mình yếu môn nào thì ngay lập tức phải lên kế hoạch học tập. Ở đây, khả năng tự học và học cả đời cực kỳ quan trọng. Ai có được tâm thế và kỹ năng đó thì cả đời sẽ phát triển hoài không sợ tụt hậu.

  • Cuối cùng, quan trọng hơn hết là action. Nhận gì nhận, nghĩ gì nghĩ, lên kế hoạch gì gì thì cũng chỉ là dụng binh trên giấy. Nếu không hành động ngay và luôn, một cách quyết liệt và đến nơi đến chốn thì cuối cùng cũng chỉ quẩn quanh bên chiếc cối xay mà tiếc cho cái sự không biết của mình.

Cấp độ 3: Conscious Competence - Biết, tập trung nên làm được

Tới đây thì congratulations - xin nhiệt liệt chúc mừng bạn đã nỗ lực học và có được kỹ năng mới. Dù trong giai đoạn này, vì vừa mới học, mới áp dụng nên ra chiêu còn hơi non, phải tập trung dữ lắm mới làm được. Nhưng mà có sao đâu. Làm được đã là gấp vạn lần không biết hay không làm được. Cho nên, cái đoạn học được skill mới xong ứng dụng được nó vào thực tế là đã đời nhất, vì cuối cùng ta đã thành công đưa bản thân ra khỏi sự vô minh, vào miền hiểu biết, và từ nay ta đã lên một level mới cùng với cái kỹ năng vừa học được. Có điều, đừng cho phép bạn trở nên ngạo mạn và dậm chân ở đây. Bạn còn cách xa khả năng thông thạo lắm. Còn phải rèn luyện, làm đi luyện lại dữ lắm mới lên được level master nha.

Cho nên, lưu ý ở giai đoạn này như sau:

  • Vì kỹ năng còn non, nên vẫn phải chú ý và tập trung mới làm tốt được. Khi mất tập trung hay thiếu chú ý một chút thì có thể rớt đài liền. Thành ra, đoạn này cần cẩn trọng, làm gì cũng check list rõ ràng, soi đi kiểm lại càng nhiều càng tốt, để chắc chắn là mình đã sẵn sàng nhất có thể. Đương nhiên, mistake vẫn có thể xảy ra khi mình còn mới, nhưng giảm thiểu được thì hay nhất.

  • Luôn kiểm tra lại mức độ tập trung của bản thân và đội ngũ, tránh tình trạng lan man khi đan xen nhiều việc quá hay khi bị thế giới bên ngoài dụ dỗ, khiến bạn và team bị xao lãng mà làm hỏng chuyện.


Cấp độ 4: Unconscious Competence - Master kỹ năng

Đây là giai đoạn xịn sò nhất của kỹ năng nè, là khi bạn master nó, bạn thành sư phụ, xuất chiêu mà không cần suy nghĩ, vô chiêu thắng hữu chiêu là đây. Khi rèn luyện, ứng dụng kỹ năng đủ lâu, đủ thường xuyên, càng ngày càng nội công thâm hậu thì nó thấm vào máu rồi, không cần suy nghĩ hay chuẩn bị gì ghê gớm vẫn có thể xuất chiêu như thường. Đoạn này là cấp độ cao nhất của sự thông thạo một kỹ năng và nên là cấp độ mà ai cũng nên hướng đến.

Nếu đã đọc về trạng thái flow - trạng thái dòng chảy thì nó là đây, là khi bạn giỏi nhất, bạn thông thạo kỹ năng nhất, đến độ bạn thực hiện nó như quán tính, như thói quen, không cần phải suy nghĩ gì nữa hết, và bạn rất thản nhiên, bình tĩnh, làm như chơi là đây. Tới đây thì bạn không còn phải lo gì nữa hết, chỉ tối ưu tầm ảnh hưởng bằng kỹ năng master của mình là được. Nhớ là, khi đã master thì ai cũng có trách nhiệm phải chia sẻ lại, phát triển thế hệ tiếp nối, gieo hạt cho những master mới để có thể nhân rộng tầm ảnh hưởng của mình lên. Khi bạn không những tạo ra giá trị từ chính khả năng của mình mà còn tạo ra nhiều thế hệ tiếp tục tạo ra nhiều giá trị tiếp nối thì voilà! Sứ mệnh đã hoàn thành.


Nói chuyện 1 kỹ năng thôi mà nó bao nhiêu đó thứ. Đời mình thì lúc nào cũng phải nhận ra mình đang còn thiếu kỹ năng gì đó, cần lo học kỹ năng gì đó mới, cùng lúc lại đang rèn luyện những kỹ năng cũ vừa học cho nó thông thạo, và song song đó lại chia sẻ lại những kỹ năng mà mình đã master. Nhiêu đó là quá trời việc phải làm, cho nên lo sắp xếp thời gian mà làm, đừng có lơ mơ, lơ ngơ và trôi bềnh bồng hoài mà chẳng nở hoa nha.

10.927 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page