
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos năm nay, có một thông điệp mà tôi quan tâm nhất, đó là cách chúng ta cần giáo dục thế hệ tiếp nối trong thế kỷ 4.0.
Robot có thể thay thế khoảng 800 triệu việc làm vào năm 2030. Khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi, khi máy có thể học và sử dụng thuật toán để đưa ra giải pháp tối ưu hơn, nhanh hơn, thông minh hơn con người, ta khác máy ở chỗ nào? Đây là vấn đề lớn và thử thách hàng đầu đối với ngành giáo dục trên toàn thế giới. Jack Ma phát biểu: “If we do not change the way we teach, 30 years from now we will be in trouble – Nếu chúng ta không thay đổi cách giáo dục thế hệ tiếp nối, 30 năm sau loài người sẽ phải đối mặt với những rắc rối to.” Vì những kiến thức đang dạy trong trường học là kiến thức từ 200 năm qua. Các giáo dục của chúng ta là dạy kiến thức. Mà kiến thức thì cách gì cũng không khiến cho con người cạnh tranh lại máy. Phải dừng ngay cách chỉ dạy kiến thức trong trường học. Cần phải dạy cho thế hệ tiếp nối những phẩm chất rất người mà robot chẳng bao giờ có thể chạy theo kịp. Chúng ta cần dạy soft skills – kỹ năng mềm.
Những thứ mà con người cần học nhất thật ra chẳng ở đâu xa, và tôi nhắc đi nhắc lại hoài trong cuốn Quảy gánh băng đồng ra thế giới. Là values – giá trị cốt lõi. Là belief – niềm tin. Là cách suy nghĩ độc lập. Là teamwork – cách làm việc đội nhóm. Là care for others – quan tâm đến người khác. Đó chính là những kỹ năng mềm mà các em cần được dạy. Kiến thức không dạy cho các em những kỹ năng mềm như thế. Mà để rèn kỹ năng mềm thì những môn gì là quan trọng biết không? Là thể thao, là âm nhạc, là vẽ, vì nghệ thuật làm cho con người khác hẳn với máy. Những gì chúng ta dạy trong trường cần phải khác những gì người ta đang dạy cho máy. Cứ nhìn bạn robot Sophia và kiến thức mà bạn học được trong thời gian rất ngắn mà xem. Sao mà ta cạnh tranh lại?
EQ sẽ giúp bạn thành công. IQ giúp bạn thành công nhanh hơn. Nhưng thế giới này cần cả LQ – Love Quotient - trí tuệ yêu thương để người sẽ vẫn mãi là người.
Comments