top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

CHẠY



Em kể, tốt nghiệp xong em ở thành phố chuyên viết content và làm marketing online cho một nhãn hàng.


‘Sản phẩm chả tốt gì mà em cứ phải viết sao, nói sao nghe cho thật hay, thật tốt.’


Làm được một thời gian, em trầm cảm bỏ chạy về quê đi làm công nhân cho qua ngày, mặc dù nhiều người khen em có khiếu viết content. Em nhắn, hỏi tôi giờ em phải làm sao. Trốn chạy và làm công nhân hoài thì em chẳng cam tâm. Nhưng về lại chốn đô thành và làm tiếp những chuyện dối dang kia thì em sợ lắm.


Em làm tôi nhớ chuyện của mình. Năm 2008 khi xuất bản cuốn ‘Quảng cáo ở Việt Nam - Một góc nhìn của người trong cuộc’, tôi cũng bỏ trốn, và còn là bỏ cả xứ mà trốn, vì cuốn sách phản ánh toàn những chuyện dối trá ngành quảng cáo. Có điều, tôi viết trong tâm thế, người dân Việt Nam cần hiểu, cần nâng cao kiến thức để khi tiếp nhận thông tin, có thể phân tích, phản biện, và có chính kiến về những quyết định của mình. Còn quảng cáo kiểu treo đầu dê bán thịt chó, theo tôi đã xưa rồi. Người sử dụng chiêu này chỉ quơ quào rồi bỏ chạy chớ chẳng tồn tại lâu dài được. Thế kỷ 21 là thế kỷ của xây dựng các chương trình gắn kết và mang lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng, qua đó xây dựng quan hệ gắn bó và tin tưởng giữa khách hàng, cộng đồng và thương hiệu.


Nhưng rồi vẫn có bức tâm thư đầy nước mắt của một người trẻ đang hoang mang giữa thế giới thực hư....


‘Em ạ. Chị rất vui vì em đã dứt bỏ để ra đi. Điều đó cho thấy em là người chính trực. Vậy là tốt mà ta. Thôi đừng bỏ chạy nữa. Về lại thành phố tìm công ty có trách nhiệm hơn mà làm em ạ. Đời đâu đến nỗi hết hy vọng. Đâu đó trong xã hội vẫn còn người tốt, vẫn còn những doanh nghiệp có tầm nhìn và giá trị văn hoá đáng để ta ủng hộ.’


‘Em hiểu rồi. Cám ơn chị rất nhiều. Em sẽ về, và không còn bỏ chạy.’

18 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page