top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

ADAPTABILITY



Theo báo cáo của Linkedin năm 2019, trước khi đại dịch bắt đầu, thì 5 kỹ năng mềm cần nhất cho 2020 là creativity – khả năng sáng tạo, persuasion – khả năng thuyết phục, collaboration – khả năng cộng tác, adaptability – khả năng thích nghi, và emotional intelligence – trí tuệ cảm xúc. Sự xuất hiện rất trùng hợp của Adaptability trong nhóm các kỹ năng nhà tuyển dụng cần nhất trong năm 2020 lại chính là kỹ năng giúp mỗi người biết cách chấp nhận, đối diện với hoàn cảnh, và học cách thay đổi chính mình để thích nghi.


Tuy nhiên, khả năng thích nghi có thể được hiểu như thế nào? Và người có khả năng thích nghi nhìn ra sao? Chia sẻ với các bạn từ góc nhìn của người đã làm việc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, tại nhiều quốc gia và văn hoá khác nhau. Đây cũng là lúc chúng ta cần nhìn lại chính bản thân mình, xem khả năng thích nghi của bản thân thế nào, và học cách rèn luyện nhé. Người có khả năng thích nghi cao là người:


1. Willing to experiment – Sẵn sàng thử nghiệm cái mới: trong thế giới của người dễ thích nghi, thay đổi là chuyện đương nhiên. Vì tư duy mở nên họ dễ chấp nhận mọi sự thay đổi, ung dung đối diện với thay đổi, và vui vẻ tìm giải pháp để thích nghi. Trong sự bất định của tình hình thế giới hiện tại, ai không có tâm thế It’s OK – Đâu sao, chuyện nhỏ mà, người đó tự khoá mình vào quá khứ.


2. Unafraid of failure – không hề sợ thất bại: đã gọi là thử nghiệm cái mới, thì đương nhiên không sợ thất bại. Ai trên đời này có thể biết chắc 100% là chuyện mình chưa bao giờ làm, ý tưởng chưa bao giờ triển khai chắc chắn sẽ thành công? Khi ta đẩy mình vào thế sợ rủi ro, sợ sai, sợ thất bại, sợ đủ thứ, và cuối cùng không dám làm gì cả, ta đã tự chặn đường phát triển cho chính bản thân mình. Learning by doing – học từ làm, từ thử nghiệm là cách học nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhớ lâu nhất, ứng dụng tốt nhất. Nếu sợ, sao học?


3. Resourceful – Biết cách huy động nguồn lực: cách nghĩ của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam là, tôi có A, suy ra tôi chỉ có thể làm B. Đây là cách tư duy bị giới hạn bởi nguồn lực, và vì vậy làm cho con người thiếu sáng tạo, không dám dấn thân làm nên những điều kỳ diệu. Người dễ thích nghi là người tư duy ngược lại why – how – what – what. Tôi muốn đạt được mục tiêu gì, tôi sẽ làm cách nào để đạt được mục tiêu đó, tôi cụ thể tôi sẽ làm gì, và tôi sẽ cần nguồn lực hỗ trợ nào. Với cách tư duy này, mục tiêu cuối cùng cần phải đạt được bằng bất kỳ giá nào, và vì thế họ trở nên sáng tạo nhất có thể, nghĩ ra đủ cách để make things happen – làm cho được mới thôi.


4. Able to see the big picture – Luôn nhìn về mục tiêu lớn: nếu phải lùi 1 bước, người dễ thích nghi không phàn nàn vì phải lùi một bước. Họ nhìn bước lùi này trong ngữ cảnh của tương lai sẽ tiến 3 bước thế nào. Nếu hôm nay lương chỉ còn 50%, họ không bực bội tức tối mà sẽ làm việc cật lực hơn, sáng tạo hơn để chứng tỏ năng lực và tâm thế của bản thân với tổ chức. Người như thế sẽ trở thành người được trọng dụng, cất nhắc sau thử thách.


5. Positive – Tích cực: bạn có bao giờ vừa nói điều gì ra thì người đối diện đã còm “không được đâu, khó lắm, nhưng mà, không nên, vv”? Đó là những người bị kẹt trong tư duy ao tù, chỉ nghĩ được loanh quanh trong phạm vi giới hạn của chính bản thân, không bao giờ dám thử cái mới, làm những điều tưởng chừng như không thể, đơn giản vì họ không tin vào chính mình. Ngược lại, người dễ thích nghi luôn ở trong tâm thế mở, háo hức tìm hiểu và thử nghiệm cái mới, càng không biết càng thích. Đối với họ, thử thách là cơ hội để phát triển bản thân. Vì tích cực nên họ tiến xa và vượt qua mọi giới hạn mà người khác tự đặt ra cho bản thân mình.


6. Curious – Ham học hỏi: vì thích cái mới nên người dễ thích nghi thấy cái gì mới cũng nhào vô hỏi, nhào vô tìm hiểu, học, thử…. Và họ không dừng lại ở việc tìm hiểu công việc, chuyên môn, hay những gì liên quan đến thứ họ đang tìm. Người dễ thích nghi ham học hỏi đủ thứ, thấy gì cũng đặt câu hỏi, và vì họ curious về mọi thứ nên luôn tìm ra mối tương quan, nguyên lý áp dụng được giữa nhiều phạm trù khác nhau. Đối với tôi, đây có lẽ là điều tôi trân quý nhất khi ngộ ra và giúp tôi không ngừng sáng tạo. Đôi khi, xem một bức tranh, nghe một câu chuyện, dự một buổi hoà nhạc, hay đơn giản chỉ là đi bộ dọc theo một con đường xa lạ, nhìn cách mọi thứ diễn ra, tò mò tìm hiểu tại sao họ lại làm như thế là cách tôi học được nhiều nhất và là chất liệu để tạo ra nhiều ý tưởng nhất.


7. Being present – sống trong hiện tại: người không thích nghi mày mặt với quá khứ, sợ hãi, lo lắng tương lai, trốn tránh hiện tại. Nếu đã trốn tránh, không chấp nhận thì sao có thể nghĩ ra cách đối diện? Ừa thì hiện tại là như thế. So what? Có sao đâu! Nó đã là như thế rồi thì ta tìm cách giải quyết thôi. Thời gian vận não tìm giải pháp thích hợp có ích hơn nhiều so với thời gian bỏ ra để sợ.


Adaptability có lẽ là kỹ năng nền tảng giúp con người bình tĩnh, vững tâm đối diện với tương lai bất định và tiếp tục hành trình chưa biết sẽ ra sao. Hoặc là ta luyện tập để trở thành người dễ thích nghi. Hoặc là ta co mình lại, sống như bubble boy – sợ tất cả và trốn trong quả bóng nhỏ của đời mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết một điều sẽ không bao giờ thay đổi là, tương lai thế giới này mãi mãi là bất định.

41 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentários


bottom of page