top of page

AI CẬP - PHA-RA-ÔNG & GIẤC NGỦ NGÀN NĂM


Bạn đã bao giờ thấy cả thế giới của mình chao đảo, cảm giác hụt hẫng, chới với ngoài khí quyển như đang rơi tự do? Đó là cái cảm giác của tôi lần đầu tiên ngước nhìn một trong những công trình vĩ đại nhất của thế giới, Kim Tự Tháp. Sừng sững & thách thức, 5 ngàn năm như dừng lại ở nơi đây, nơi Ai cập bắt đầu.


Từ Giza đến Cleopatra

Ai cập sở hữu một nền văn minh cổ đại lâu đời nhất trong lịch sử thế giới. Nhưng hào hùng hơn cả thì phải kể về giai đoạn 3.000 năm trước công nguyên đến năm 1.000 năm trước CN, thời đại của những pha-ra-ông. Và Kim Tự Tháp Giza được xây dựng nên như đỉnh cao tri thức và văn minh của đế chế này (từ 2.575 đến 2.465 trước CN). Ai cập bắt đầu mất dần quyền lực dưới sự tấn công của các thế lực ngoại bang. Mãi đến năm 612 và 525 trước CN, Ai cập mới một lần nữa trỗi dậy như mặt trời quyền lực của khu vực Trung đông dưới triều đại Alexander Đại Đế, kẻ chinh phục của xứ Macedonia. Năm 305 trước CN, tướng của Alexander Đại Đế là Ptolemy bắt đầu trị vì Ai cập như một vương quốc độc lập, truyền ngôi qua nhiều đời cho đến hậu duệ cuối cùng là nữ hoàng Cleopatra, trước khi Ai cập khép mình dưới một ngàn năm đô hộ của đế chế La Mã.



Ảnh: Kim Tự Tháp Giza


Vậy đó, một quốc gia có bề dày lịch sử mà chỉ để đọc thôi chắc phải có một cái bình oxy to đùng bên cạnh. Không thể nào thở nổi! Rồi tôi đứng đó, ngỡ như mình bị đẩy dạt về 5 ngàn năm trước. Cái cảm giác choáng ngợp của sự kinh ngạc, sợ hãi, kính trọng, khâm phục…. Trời đất cứ quay cuồng. Sao con người có thể làm nên một công trình dễ sợ đến như thế!


Đâu là quá khứ?

Cái xe taxi lao vun vút, vượt trái, vượt phải, thắng gấp, cua nhanh….


Một không gian xam xám, nặng nề, chập choạng, lố nhố đám đông người lơ ngơ chờ xe buýt….


Chiếc xe chở hàng cũ mèm trên nền một dãy nhà lụp xụp, xuống cấp….


Một gương mặt sạm đen, vô thần, lạc lạc….


Có một cái gì đó không ăn nhập vào nhau. Lịch sử dường như bị chặt ra thành từng đoạn nhỏ, rồi lạc nhau, rồi tìm hoài không gặp. Tôi, hành khách trên chuyến tàu thời gian Ai cập, lạc lõng, bối rối, chẳng biết mình ở đâu giữa 5 ngàn năm quá khứ và hiện tại. 85.8 triệu người con của Pha-ra-ông, tôi tìm họ ở đâu?



Ảnh: Thung Lũng Những Vì Vua, Luxor


Học kiểu khác

Hệ thống giáo dục ở Ai cập nói thẳng ra là kém, cơ sở vật chất không đạt, lớp học đông đúc, thiếu tiêu chuẩn, không tạo cảm hứng, và chất lượng giáo viên không tốt. Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) xếp Ai cập vào hàng 148/148 về chất lượng giáo dục tiểu học.


Vì vậy, phụ huynh nhà giàu ở Ai cập đều gởi con đi học trường tư. Cái kiểu bắt học sinh học vẹt, thiếu tương tác giữa giáo viên và học sinh chính là lý do làm phụ huynh khá giả Ai cập bỏ hệ thống trường công. Nghe có quen quen không ta?


Nếu chúng tôi xây Kim Tự Tháp, ……!

Có một cái gì đó rất Việt nam khi chúng ta nói về Ai cập. Dân số thì xấp xỉ, đứng đầu khu vực Trung đông và chỉ đứng thứ hai sau Nigeria trong khu vực châu Phi. Dân số cũng trẻ cỡ Việt nam, 60% dân số dưới 30 tuổi. Hiệu suất lao động xếp hạng thấp thứ 2 trong khu vực MENA* (Middle East and Africa – Trung đông và châu Phi) với GDP đầu người làm việc là 11.262 đô la (gấp đôi Việt nam). Nông nghiệp đối với Ai cập cũng là một trong những ngành chủ đạo, cung cấp việc làm cho 27.8% tổng dân số lao động (Việt nam 52.6%), với hai sản phẩm chính là lúa mỳ và sợi cotton. Đồng bằng sông Nile nuôi dưỡng cho nền nông nghiệp của người dân Ai cập, cũng như dòng Mê kông nuôi dưỡng Việt nam. Chỉ có điều mặc dù trồng lúa mỳ nhưng Ai cập vẫn phải nhập lúa mỳ, mà lại còn là nước nhập lúa mỳ nhiều nhất trên thế giới. Cũng vì vậy, một sứ mệnh vĩ đại của đất nước này là làm sao để có thể tăng diện tích canh tác lên thêm 30 ngàn héc ta mỗi năm và đồng thời tăng sản lượng lúa trên mỗi héc ta trong 10 năm tới đây, chỉ để cung cấp được 75% lượng cung lúa mỳ cho thị trường nội địa.


Omar Sharif

Sinh trưởng tại Ai cập, Omar Sharif bắt đầu sự nghiệp đóng phim của mình từ những năm 1950. Ông bắt đầu nổi tiếng với những phim như Lawrence of Arabia (1962), Doctor Zhivago (1965), và Funny Girl (1968). Ông cũng được đề cử giải Academy Award và đoạt ba giải Golden Globe và một giải César Award. Ông mất ngày 10/07/2015. Thế hệ già của Ai cập thì tiếc thương. Thế hệ trẻ thì lắc đầu, không biết ông này là ông nào hết á.



Ảnh: thành phố Cairo, Ai cập


Như Việt nam, sản xuất cũng là một trong những ngành kinh tế chủ đạo của Ai cập, chiếm 16.4% GDP (Việt nam 18.5%) và sử dụng 10.5% tổng dân số lao động trên cả nước (Việt nam 13.6%). Lương tối thiểu tại Ai cập là 99 đô la / tháng, còn dưới cả Kenya (153 đô la), và chắc chắn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Do đó, Ai cập vẫn là thị trường thu hút đầu tư với chi phí lao động thấp. Nếu so thì Việt nam cũng hao hao như vậy. Lương tối thiểu là 77.8 đô la / tháng, thấp hơn nhiều so với khu vực, 122 đô la tại Indonesia và 289 đô la tại Phillipines, và có lẽ chỉ cao hơn Myanmar với 67 đô la / tháng, và cũng là thị trường thu hút đầu tư nhờ vào chi phí lao động thấp.



Ảnh: Một cảnh đường phố Cairo


Tổng quan là như thế. Mặc dù đã là thành viên của WTO từ năm 1995 và đã ký rất nhiều hiệp định thương mại và hiệp định phi thuế quan trong khu vực và ngoài quốc tế, Ai cập vẫn cứ như dậm chân tại chỗ. Cơ sở vật chất kém (xếp hàng 100/144 theo bảng xếp hạng GCI 2014, Việt nam 89/144). Mức độ tham nhũng cao (xếp hạng 94/175 theo bảng xếp hạng của tổ chức Transparency International 2014, Việt nam 119/175). Sau thời gian lộn xộn chính trị năm 2011 đến nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Ai cập tăng cao, từ 9.4% năm 2009 lên 13.2% năm 2014. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trong độ tuổi từ 15-24 là 27.1% năm 2014.


Cuộc sống bên đường

Buôn gánh bán bưng ngoài đường là cái cảnh thường ngày tại Ai cập. Tháng 6/2014, chính phủ Ai cập lên chiến dịch dẹp bỏ cái kiểu làm ăn không đứng đắn này. Đám buôn gánh bán bưng thế là bị đẩy dạt ra ngoài thành phố. Nhưng mà vẫn phải sống. Thế là vẫn phải bán. Có người bán cả ngày kiếm được 100 ngàn. Có người tốt nghiệp đại học hẳn hoi nhưng vẫn phải buôn gánh bán bưng. Bộ trưởng tài chính Ai cập cho rằng kinh tế “không đứng đắn” này chiếm khoảng 40% nguồn lao động tại Ai cập.


Làm kinh tế không phải dễ. Nhưng sao vương quốc văn minh hùng vĩ này lại mắc kẹt ở đây sau 5 ngàn năm xây Kim Tự Tháp? Bối rối!


Nhân chuyến đi hội thảo ở Cairo, tôi ghé thăm một người bạn người Đức hồi xưa làm việc ở Việt nam, nay chuyển công việc sang Ai cập. Giãi bày cái bối rối đó của mình với bạn, cô nó rằng ở đây làm việc khó khăn lắm, còn khó hơn hồi ở Việt nam. Dạy cái gì mới nhân viên cũng không có chịu làm theo. Lúc nào cũng trả lời “Chúng tôi đã xây Kim Tự Tháp, có gì mà chúng tôi không làm được?”


Ồ thì ra là thế. Những gam màu xám đen. Những ảnh nền cũ kỹ. Kẹt vào quá khứ!


Cho đi lái xe lam (tuktuk là loại xe ba bánh giống xe lam của Việt nam ngày xưa)

Tháng 8/2015, thủ tướng chính phủ Ai cập Ibrahim Mahlab tuyên bố không còn tuyển dụng cho các công việc nhà nước nữa. Tự ra làm riêng trong thời điểm kinh tế hiện nay thì đám trẻ Ai cập chắc cũng phải quên đi. Bây giờ chỉ còn cách chạy xe lam mà sinh sống. Ibrahim quên rằng chính phủ Ai cập vừa mới cấm chạy xe lam trong khu vực Cairo cách đó có mấy ngày. Bị bắt là bị tịch thu xe và phạt nặng.


Trích chương 7 - Pha-ra-ông & giấc ngủ ngàn năm - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân


151 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page