top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

ANXIETY & DEPRESSION



“Khoa học càng tiến bộ, nhân loại càng xuống dốc”, một ông già đã nói với tôi như thế khi giao cho tôi bộ Truyện Kiều bản in cổ. Con người càng áp dụng khoa học kỹ thuật để tiết kiệm thời gian, để trở nên hiệu quả bao nhiêu, họ lại càng stress bấy nhiêu. Và cả xã hội, cả thế giới, cả loài người dường như chuyển sang tương tác ảo, sống với cuộc đời ảo. Ngay cả tình cảm gia đình, tình cảm giữa người với người giờ cũng chỉ đọng lại trên vài cái tút. Đằng sau, là cả một nỗi trống vắng mênh mang.


Mấy ngày Tết, tôi nghe và nhận được vài dòng tin nhắn rất buồn. “Em cảm thấy mình thật useless – vô dụng.” Đây dường như là ngôn ngữ chung của những người bị mắc bệnh ở nhiều cấp độ, từ anxiety – lo âu, đến depression – trầm cảm. Nếu không hiểu và lưu ý, bạn sẽ chẳng biết mình đang bị mắc bệnh này. Đây là bệnh thời đại, bệnh của thế giới chỉ biết lao đi, hoang mang trong dòng chảy của mọi sự đòi hỏi, và sự kiệt sức vì chẳng thể nào đáp ứng. Người mắc bệnh này rất sensitive – nhạy cảm, dễ khóc, dễ nổi nóng bất thình lình, anti-social – không thích tương tác với xã hội và con người, có những ý nghĩ và tình cảm tiêu cực về bản thân, ví dụ như cảm thấy bản thân vô dụng, cảm thấy chán sống. Vì một số trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ mà đau đớn mắc kẹt trong quá khứ, hoặc hoàn toàn tuyệt vọng về tương lai. Có khi đó là bạn. Có khi đó là những người thân quanh ta. Bạn nên lưu ý và tìm cách giúp đỡ họ nhé.


Đối với người bị bệnh này, thật ra cách tốt nhất là được bác sỹ tâm lý chữa trị. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngành này còn đang rất mong manh. Đối với tôi, người chẳng có chuyên môn, nhưng đã deal khá nhiều với người bị bệnh trầm cảm là bạn bè quanh mình, tôi chỉ khuyên vài điều như sau nhé:


1. Awareness – Nhận biết triệu chứng lo âu hay trầm cảm: nếu bạn cảm thấy mình hay overthinking – lo âu suy nghĩ quá nhiều, hoặc luôn luôn trong trạng thái lo lắng, có khi bạn nên lưu ý và tìm hiểu. Ít người bị bệnh này nhận ra là mình bị bệnh. Do đó, bạn tự theo dõi mình hoặc nhờ người xung quanh phản hồi xem sao nhé. Ví dụ khi nhìn thấy 1 bạn trẻ nọ có hành vi hơi gắt gỏng trong giao tiếp trong thời gian vừa qua, tôi đã gọi lại và nói cho bạn biết. Sau khi nghe tôi phản hồi, bạn bật khóc, rồi phản tư lại toàn bộ các email, cách tương tác của mình và giật mình xin lỗi. Có khi, họ làm mọi thứ trong vô thức, chẳng hiểu mình đang làm gì và đang làm tổn thương ai.


2. Solutions-driven – Tập trung vào gỉai pháp: càng bị kẹt trong vấn đề của quá khứ, họ càng bệnh nặng. Do đó, người bệnh cần tự theo dõi xem khi lâm vào tình trạng trầm cảm, mình tập trung làm gì thì dễ trở lại cân bằng nhất. Có người thì cần người để chia sẻ. Có người thì đi tập thể dục, đi bơi, chạy bộ. Có người thì phải bỏ đi đâu đó thật xa, một mình tĩnh lặng để lấy lại cân bằng. Dù đó là cách gì, bạn nên lưu ý để sử dụng đúng giải pháp hiệu quả đó cho bản thân.


3. Reflection – Phản tư: mỗi ngày vào cuối ngày, bạn nên gìanh thời gian 10-20 phút phản tư, suy xét lại việc làm, hành vi của mình trong ngày để xem mình có làm gì không bình thường, quá cảm xúc, vô thức hay không để nhận biết là mình có hay không có, cần hay không cần chỉnh sửa cách ta suy nghĩ, vận hành, tương tác. Thật ra, đây là điều mà tất cả chúng ta đều cần làm, không phải chỉ giành cho người trầm cảm.


4. Mindfulness – Sự tỉnh thức: nhiều người nước ngoài uống thuốc chống trầm cảm cả đời. Tôi thì hay khuyên người xung quanh mình nên đi học thiền để học cách tập trung, đưa thân tâm trở về sự cân bằng, hiểu rõ nguồn gốc của mọi đau khổ, của mọi hành vi bị vô thức điều khiển, hiểu rõ cách buông bỏ, tha thứ, và yêu thương. Học rất khó chứ không dễ, và thực hành lại càng khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên, nếu biết mình đang trong tình cảnh nhiễm bệnh, bạn nên tập trung chữa trị cho mình trước đã.


Lo âu, hay trầm cảm là bệnh khiến cả thế giới này phải đau đầu, từ gia đình đến quốc gia. Trong điều kiện của Việt Nam, khi ngành y tế và chữa trị tâm lý chưa phát triển, mọi người nên quan tâm hơn đến người xung quanh mình, giúp đỡ họ khi nhận thấy họ có triệu chứng lo âu, trầm cảm nhé.

81 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page