top of page

BẠN VIẾT: NỖI LÒNG CỦA NHỮNG NGƯỜI CON

Đã cập nhật: 17 thg 10, 2021



GenZ viết, rất chân thành và mạch lạc nha các bận phụ huynh. Xin hãy lắng nghe không phán xét "nỗi lòng của những người con" nhé.


---------


Con chào cô,

Hiện tại con đang là sinh viên năm cuối Đại học. Con theo dõi con cũng được 2 năm rồi, con rất thích các bài viết của cô, rất gần gũi với thế hệ GenZ chúng con, từng chút một, cô như là một người bạn lớn đúng nghĩa đen của chúng con vậy. Hôm nay con có một câu chuyện muốn tâm sự với cô mà con nghĩ đây không phải là vấn đề của riêng của mình, mà chắc chắn đây là vấn đề chung của đa số các bạn thế hệ GenZ đều gặp phải, và hôm nay con rất muốn được gửi đến cô những dòng cảm xúc này như một cách để tâm sự, như một cách để thể hiện được nỗi lòng của thế hệ GenZ. Đó là câu chuyện "Nỗi lòng của những người con”.


Lúc con viết bức thư này là lúc con vừa có cuộc tranh luận với bố mẹ về tương lai của bản thân con, nhưng có lẽ theo con đây là cuộc cãi nhau hơn là tranh luận vì nó không tôn trọng bất kỳ nguyên tắc nào của tranh luận cả. Nhưng con xin phép dùng từ "tranh luận" thay vì "cãi nhau" để đảm bảo tính văn minh của bài viết.


Con thấy con sai rất nhiều vì trong cuộc tranh luận hôm nay, con đôi lúc đã xưng hô không phải với bố mẹ, lớn tiếng quát bố mẹ, thật sự con cảm thấy có lỗi vì điều này . Câu chuyện xoay quay câu hỏi "Con muốn làm gì sau này?" đã giúp con giải tỏa được phần nào nỗi lòng mình, khi có những thứ chưa bao giờ dám nói bố mẹ về ước mơ, nguyện vọng của con, vi con biết gia đình sẽ có những ác cảm về nó.


Con sinh ra trong gia đình không phải quá điều kiện, nhưng các nhu cầu cơ bản và những nhu cầu về sở thích con vẫn được gia đình thỏa mãn, con nghĩ đó là niềm hạnh phúc lớn lao của mình. Học 12 năm rồi thi đỗ vào trường học và chính bố con định hướng, hay nói cách khác là theo nghề bố. Ban đầu đó là sự hãnh diện của cả gia đình, đặc biệt là của bó con, vì ngôi trường con theo học điểm đầu vào không hề thấp. 4 năm trôi đi và xuất hiện những điều không thuận lợi trong công tác tuyển công chức của ngành con học, đây cũng là thời điểm con nhận ra, con không thuộc về nơi này. Khoảng thời gian từ năm 3 đại học đến gần thời điểm hiện tại, gần hết 4 năm đại học, con dành thời gian rất nhiều để ra ngoài, tìm hiểu và khám phá bản thân mục đích để xác định được, định vị được bản thân mình là ai? Cho đến ngày hôm nay con nghĩ môi trường công chức nhà nước mà bố mẹ con định hướng nó thực sự không thuộc về con rồi...


Trong khoảng thời gian đó con nhận ra mình có điểm mạnh về nghệ thuật, về sân khấu, điều mà bố mẹ con hầu như không có cảm tình với ngành nghề này, mặc dù họ cũng có chút năng khiếu về mảng này đó chứ!.... Rồi con cũng đã nghĩ đến thời điểm mình sẽ nói điều này với gia đình, không sớm thì muộn và ngày đó đã thực sự đến.


Trong buổi tranh luận hồi nãy, con nói hết nỗi lòng mình sau khi nghe bố mẹ nói một hồi về công việc, nghề nghiệp rồi xã hội ngoài kia ra sao, như thế nào. Con lắng nghe và đôi lúc cảm thấy khó chịu vì những nội dung nó bố mẹ đã nói quá nhiều lần rồi, đôi lúc lại mượn câu chuyện khác để phê bình rồi mượn người khác ra để so sánh, mội hồi diễn ra liên miên và con cố gắng lắng nghe hết tất cả mọi thứ.


Nhưng thực sự cô ạ, con ngồi lắng nghe bố mẹ nói con vừa nghĩ về những nội dung đó, con thấy một điều rằng, có những kinh nghiệm rất đáng để học hỏi vì bây giờ người ta vẫn phải tuân thủ theo nó, đó là thực tiễn cuộc sống, nhưng phần lớn đó lại là những tư duy cũ, những cách làm mà con nghĩ ở thời đại này, người ta không còn áp dụng nữa. Con hiểu vì ở độ tuổi như bố mẹ con hầu như họ ít tìm hiểu về những điều mới lắm, đặc biệt khi mà nói đến những quan điểm mới là dường như họ có nhiều phản ứng tiêu cực với nó.


Nghe hồi xong thì cũng đến lúc để con bày tỏ quan điểm, nguyện vọng của mình. Có thể trong lời nói, trong suy nghĩ của con có sự bồng bột của tuổi trẻ, nhưng điều mà con cảm thấy tiếc nhất và cũng là điều con đoán trước, đó là không có sự ĐỒNG CẢM của bố mẹ mình. Có lẽ đây là lần đầu tiên con thấy được sự khác nhau rõ ràng hết giữa hai thế hệ, hai quan điểm như hai đường thẳng song song, mặc dù vẫn có những nguyên tắc định hướng nghề nghiệp mà hai bên vẫn tôn trọng, nhưng đây cũng điều mà con lường trước được, đặc biệt là phản ứng của bố con khi nghe việc con lựa chọn con đường nghệ thuật. Trong lúc tranh luận con có cảm giác, hình như đây không phải là bố mình nữa, vì những điều bố nói hiện tại giống như những lời nói với người xa lạ vậy, không có một sự đồng cảm, chính vì điều này mà con rất ít khi tâm sư với bố về bản thân mình và điều này con thường làm với mẹ hơn, vì theo con việc này mẹ có sự nổi bật hơn bố.


Khi được nói ra hết nỗi lòng con cảm thấy vừa thoải mái và lại vừa buồn, vì thực sự con cảm thấy dường như lúc này có mỗi bản thân mình là chỗ dựa tinh thần cho mình vậy, mọi thứ trống trơn và lẻ loi. Bố mẹ con chỉ nói về những điều tiêu cực trong ngành nghề này, bố con thể hiện thái độ cực kỳ khó chịu, như khinh thường con vậy và ông có những lời nói mà con cảm thấy rất khó nghe ở thời điểm ấy. Nhưng con đã quá quen với việc này và cảm thông cho cả hai người ngay cả khi trong cuộc tranh luận. Và một lúc sau, con chủ động kết thúc cuộc tranh luận vì biết rằng nếu ngồi nói nữa thì mọi việc cũng chẳng đi về đâu, khi ngay từ đầu, con và bố mẹ đã chèo hai con thuyền khác nhau.


Sau cuộc tranh luận đó, con nghĩ rằng con sẽ vẫn tiếp tục đi trên con đường mình chọn, con biết bố mẹ lo cho mình, điều đó là đúng, nghề mình lựa chọn sẽ đơn phương độc mã, không dựa trên nguồn lực có sẵn của gia đình. Nhưng con nghĩ hướng đi của con vẽ ra sẽ không sai đâu, con sẽ đi và sẽ phải học tập nhiều như điều mà bố mẹ và con đều thấy là "con thiếu trải nghiệm". Ai cũng sống một cuộc đời, thế tại sao không sống vui khỏe với chính niềm đam mê của mình, chắc chắn sẽ có chông gai, vất vả, biết là gia đình lo lắng vì đâu ai muốn con mình khổ đâu; nhưng con nghĩ con người phải gai góc đầy mình, mồ hôi nhễ nhại, nước mắt ròng ròng, đứng lên tiến tiếp thì mới trưởng thành được. Sự lựa chọn không dùng bệ đỡ của gia đình không phải là không tốt, nhưng phải nhận thức được đó là một yếu tố đắc lực cho bản thân, nhưng hơn hết vẫn là trái tim, là khát khao tiến bước với lòng quả cảm và ý chí kiên cường thì con tin rằng chúng ta sẽ chạm đến vinh quang.


Con cảm ơn cô rất nhiều đã lắng nghe câu chuyện của con!!!


Tác giả: Bạn trẻ GenZ

1.270 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page