top of page

Bạn viết: Nghĩ về bóng đêm…một cách đầy ánh sáng!



Suốt mấy tháng qua - những cơn bão covid dập về dữ dội và hung tợn hơn những lần trước- là những ngày tôi liên tục thử thách bản thân khi đặt mình đối diện với những suy nghĩ về sống-chết. Trước đây, tôi đã không nghĩ nhiều đến vế thứ hai trong qui luật muôn đời vì với tôi nó như tình trạng “nhà mất điện”, xung quanh chỉ toàn bóng tối bao trùm. Bản năng thôi thúc, tôi nghĩ đến sự sống như đứa trẻ đi tìm ánh sáng vì quá sợ bóng đêm. Thế mà mấy hôm nay, đứa nhỏ đó dám thường xuyên nghĩ về bóng đêm…một cách đầy ánh sáng!


Cách đây mấy chục năm, mọi người đã hát “Em ơi có bao nhiêu, sáu mươi năm tuổi đời…” như một sự chắc chắn cuộc sống của chúng mình sẽ dài ít nhất 60 năm. Cộng thêm 20 năm vì trình độ khoa học công nghệ, y tế phát triển…kiểu gì cũng cán mốc 80. Những ngày tháng không quên của tuổi 36 này đang cho tôi thấy nếu chúng ta vẫn nghĩ về tương lai thì có nghĩa chúng ta thực ra đang…lên kế hoạch cho cuộc sống, chứ không phải đang sống. Rõ ràng không có điều gì có thể đảm bảo cuộc sống dài hay ngắn như không có điều gì có thể đảm bảo một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi thì không bị…mất điện. Cũng không có điều gì có thể đảm bảo những việc không tưởng tượng nổi… không diễn ra. Điển hình như chuyện cả thế giới thực hiện giãn cách xã hội hay người người nhà nhà học tập, làm việc trực tuyến đã và đang diễn ra ngót hai năm qua…


Thực ra thì cuộc sống triệu triệu năm qua vẫn diễn ra hoàn toàn độc lập với niềm tin chủ quan của chúng mình. Chẳng phải hết ngày rồi đến đêm!? Chẳng phải hết Xuân, rồi đến Hạ, đến Thu rồi Đông!? Chẳng phải những cơn sóng dâng lên rồi lại hạ xuống!? Chẳng phải đến ngay từng hơi thở - chúng ta cũng đang…hít vào rồi lại thở ra đấy sao!? Osho đã từng nói thế này: “Thở vào mang sự sống và hơi ra đi về cái chết. Cũng giống như tôi đang ngồi với các bạn ở đây, tôi đang nói, tôi đang sống và tôi cũng đang chết trong từng sát na của đời sống. Ta đón tiếp sự sống nhưng cũng phải hoan nghênh cái chết vì có thở ra mới có hít vào”. Đọc những dòng của nhà hiền triết nổi tiếng Ấn Độ mà tôi thấy nhẹ cả người…nếu xem sự chết như hơi thở ra, sự sống là hơi thở vào; là hai mặt quân bình của vũ trụ thì chính là chúng ta đang đạt được sự quân bình đó trong từng khoảnh khắc cuộc sống – nhẹ nhàng và đơn giản!


Luận giải này khiến tôi hiểu tường tận tại sao khi rèn thói quen sống trong hiện tại, ta cần tập tỉnh thức. Mà để thực hành tỉnh thức, cách tốt nhất là tập trung vào hơi thở. Nếu để ý thì ngay cả từng hơi thở cũng không giống nhau, cái sau đến thế cái trước, cái mới đến đẩy cái cũ về phía sau gần như ngay lập tức. Cái cũ là quá khứ; quá khứ luôn tìm cách bấu víu vào thực tại thông qua trí nhớ nhưng nó không phải là thực tại. Một giây trôi qua cũng coi như đã chết, đã thuộc về quá khứ tựa như hơi thở ra ngay trước của chúng ta đã đi về…thế giới bên kia. Thế còn tương lai là gì? Tương lai thật ra cũng là hình ảnh của quá khứ, được xây dựng thông qua hệ qui chiếu là quá khứ. Vậy nên chìm đắm trong quá khứ hay tương lai cũng đều có nghĩa là ta đang để quá khứ (tức thế giới bên kia) chi phối và kiểm soát.


Mặt kia của thế giới bên kia là thế giới bên này nơi hiện tại và cái mới sinh sống. Những cặp phạm trù sự sống – cái chết; cái mới – cái cũ; hiện tại – quá khứ, hôm nay – hôm qua như một đồng xu luôn có hai mặt và không mặt nào trọng yếu hơn mặt nào cả. Chỉ có mặt phẳng thế giới nơi chúng sinh sống là khác nhau. Thế giới bên này có hiện tại, cái mới, hôm nay, ánh sáng, tự nhiên, khách quan, chủ động, hành động, tích cực…; Thế giới bên kia có quá khứ, cái cũ, hôm qua, bóng đêm, trái tự nhiên, chủ quan, bị động, lời nói suông, tiêu cực…Vậy số đông chúng ta thực ra đang “sống ảo” – chúng ta không đang thực sống ở thế giới bên này nếu đầu óc chủ yếu vẫn…chia thì quá khứ hoặc tương lai!


Đang sống ở “thế giới bên kia”rồi mà vẫn lo, vẫn sợ cái ngày phải đi về thế giới bên kia ư!?...Ừ thì thế mới gọi là “sống ảo” chứ sao! Cũng những ngày này tôi quan sát, ngẫm và nghĩ thì thấy cái nghịch lí này nó đã len lỏi vào rất sâu trong suy nghĩ, biến hóa đủ kiểu có khi còn hơn con virut Corona kia. Tôi thấy nhiều người bắt đầu ngày mới bằng việc…đếm số ca tử vong, kết thúc một ngày cũng bằng xem thống kê số ca dương tính; tôi thấy những ban công/cửa sổ đóng im ỉm đến những tia nắng cũng chỉ biết ở ngoài lắc đầu. Tôi chợt liên tưởng đến những ban công mở toang – đầy nắng và tiếng hát - của rất nhiều thành phố ở Châu Âu những ngày giãn cách xã hội. Trong cái khoảnh khắc của sự liên tưởng đó, tôi chợt thấy rõ mồn một hai mặt phẳng “sống-chết”, “thực -ảo”. Tôi thấy mình đang nhìn bóng đêm với một cặp mắt sáng như ban ngày rằng con người ta hoàn toàn có thể “thực chết” khi đang “sống ảo” (cái này gần giống như đời sống thực vật vậy). Và con người ta cũng có thể hoàn toàn “thực sống” khi đang đối diện với cái chết hoặc thậm chí là khi đã chết.


Tôi thấy mình trong đội hình nhiệt tình…cất tiếng hát từ ban công (dù tôi chẳng có giọng oanh vàng thì cũng chẳng lấy gì làm quan trọng).


Tác giả: Nắng Vàng



1.390 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page