Hồi mới vào tập đoàn làm việc, ông chủ tịch hỏi tôi, “Việc đầu tiên Phi sẽ làm là gì?” Tôi trả lời không ngần ngại, “Operations Back-to-basics – Chiến dịch trở về với những điều cơ bản nhất”.
Tất cả mọi tổ chức, đều được cấu tạo bằng những unit – đơn vị khác nhau. Sự bền vững và phát triển của tổ chức là dựa vào sự bền vững và phát triển của các đơn vị cấu thành nên tổ chức. Sự bền vững và phát triển của tổ chức dựa vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người cấu thành nên đơn vị đó luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất. Con người đã không muốn làm, không biết làm, không hiểu tại sao mình phải làm việc mình đang làm, thì cho dù có đổ bao nhiêu tiền vào những thứ xa hoa như phát triển chiến lược, PR, phát triển thị trường quốc tế, vv. Tất cả, chỉ là những giấc mơ không bệ phóng.
Cho nên, làm gì làm, mơ gì mơ, phải bắt đầu từ điều cơ bản nhất, từng cá nhân trong từng đơn vị có được đủ khả năng, có được huấn luyện, có hiểu what success looks like – thành công đối với công việc họ đang làm trông nó ra làm sao? Nếu còn không tưởng tượng ra được thành công nhìn ra làm sao thì làm sao để có thể với đến thành công? Ngược lại, cá nhân ta, dù là đang làm thuê, lập nghiệp, startup, hay đang quản trị một công ty vừa và nhỏ, bạn trả lời trong vòng 30 giây đi, what does success look like – Thành công đối với công việc bạn đang làm, hình dạng nó ra làm sao? Chỉ cần hết sức tập trung thực thi chuyện đó, là bạn đang đóng góp.
Khi ta lao đi, khi ta mơ màng, khi ta quên rằng bàn tay với trời nhưng bàn chân cứ phải chạm vào đất mẹ, ấy là khi ta bắt đầu sử dụng khống ngữ. Khống ngữ là từ tôi bịa ra thôi, ý là nói toàn những thứ to lớn nhưng trống rỗng, chả có nền tảng chút nào, chả đo đạc được chút nào, toàn viễn vông mơ tưởng vô căn cứ. Chuyện này, tôi thấy Việt Nam nhiều lắm, toàn nghe khống ngữ mà chả thấy tí thực lực nào. Cho nên, điều đầu tiên tôi làm khi muốn transform – chuyển đổi một cá nhân, một tổ chức là back to basics – trở lại với định nghĩa và thực thi những điều cơ bản nhất để tạo nên thành công cho cá nhân đó, cho tổ chức đó. Đây là nguyên tắc mang tính vật lý được những vĩ nhân sáng tạo nhất, thành công nhất trên thế giới sử dụng chớ tôi chẳng phải tự nghĩ ra, đó là deconstruct & reconstruct – tháo dỡ & xây lại. Tháo là phải tháo đến đơn vị nhỏ nhất có thể và xây lại bắt đầu từ đơn vị đó.
Ví dụ, doanh nghiệp bạn đang có vấn đề, thì tôi sẽ nhìn vào từng nhân viên ở đáy kim tự tháp tổ chức của bạn và đặt câu hỏi, họ có biết what success looks like – thành công trong công việc hàng ngày của họ trông ra làm sao, thành công đối với đơn vị nhỏ mà họ thuộc về trông nó ra làm sao, và họ, những cá nhân nhỏ bé ấy, đóng vai trò thế nào đối với thành công của tổ chức? Có khi, họ chẳng biết vì có ai nói cho nghe đâu mà biết. Có khi, họ biết nhưng chẳng hiểu việc mình làm liệu có đúng không vì chẳng có chuẩn nào để canh. Và rất nhiều khi, chính người leader còn không biết thì làm sao ai biết.
Ngày đầu tuần, tôi đưa đề tài hơi khó. Nhưng một năm nữa lại sắp trôi qua, liệu bạn có biết mình đang làm gì, tại sao phải làm, và what success looks like? Chưa chắc. Vậy có khi, ta nên trở về với những điều cơ bản nhất, hỏi mình, đối với việc ta đang làm, what does success look like? Rồi từ đó, ta có căn cứ, hay gọi cho pro là KPI – Key performance indicator – chỉ số đo lường hiệu quả công việc, để đánh giá mình đang ở đâu, mình có đang làm đúng không, mình có đang đóng góp hay phá hoại, mình đang làm những điều ý nghĩa để tạo nên thành công, hay chỉ bán thân cho nắng vì những điều chả mang lại chút ảnh hưởng nào cho tổ chức này, cho cộng đồng này, cho cuộc đời này.
Thế, không lẽ là ta vô dụng? Có khi nào, ta nên dành thời gian cho bản thân để deconstruct – tháo dỡ bản thân ta, bỏ vài mảnh ghép cũ, và bổ sung vài mảnh ghép thật mới cho một năm lại sắp khởi đầu?
Comments