top of page

Bác tài xế hỏi, con tui thi ngành gì giờ cô?



Sáng đi họp, ngồi trên xe bác tài xế tâm sự, nói cô biết không, tới lúc phải chọn ngành thi đại học mà hỏi nhỏ con tui nó nói nó đâu biết chọn ngành gì. Mà tui làm sao biết chỉ nó chọn ngành sao. Mà cả lớp nó đứa nào cũng mù tịt vậy. Nên tui nói để tui hỏi cô, nhờ cô hướng dẫn giùm.


Thiệt sự là, đưa cho 1 case hoàn toàn không có tí thông tin nào như thế thì muốn cũng không biết làm sao giúp. Bản thân mình khi hướng nghiệp cho con là đã bắt đầu qui trình đó 5 năm nay, từ hồi bạn mới 13 tuổi, cứ trò chuyện hỏi bạn thích nghề gì, quan sát hành vi, sở thích, khả năng của bạn thường xuyên, check in thường xuyên xem mong muốn có thay đổi hay không, thay đổi ra sao, và thường xuyên gởi thông tin về nghề nghiệp mới, ngành nghề mới, công nghệ mới và ứng dụng của nó trên thế giới cho bạn đọc tham khảo. Mình còn tổ chức cho bạn gặp người thật việc thật để bạn có thể nhìn, hỏi, nghe từ chính chủ. Dù là nghề gì đi chăng nữa, nghe không làm sao hiểu, phải cho trải nghiệm thử vả cách trải nghiệm dễ nhất là gặp chính người đang làm nghề nghiệp đó, nghe họ nói về cả cái hay cái chán của nghề thì mới thực tế. Vậy đó, liên tục 5 năm, deep talk - thiết kế những cơ hội đi chơi và trò chuyện sâu để tìm hiểu thêm, mỗi cuối năm ngồi cà phê tổng kết năm, trao đổi những dự định và suy nghĩ cho năm mới…. Làm cỡ đó mà tới giờ dù đã có định hướng khá rõ về thiên hướng xã hội, nhưng cụ thể là làm job gì thì vẫn còn đang trong quá trình thảo luận, dù mọi thứ mỗi năm một hiện ra rõ hơn. Bởi vậy, khi bác tài xế hỏi, mình không biết phải bắt đầu giúp từ đâu, khi chuyện hướng nghiệp tới cuối cấp lớp 12 mới nhắc tới và thời gian để quyết định giống như nước sôi trong vại.


Nhưng nghĩ, chắc bác tài xế và nhiều phụ huynh khác cùng đang lâm vào trường hợp tương tự, nên thôi để nghĩ cách gì dễ và hợp lý nhất để giúp trong trường hợp này. OK, giờ bác về làm 2 chuyện, 1 là hỏi bạn nhỏ 5 câu hỏi sau, yêu cầu bạn suy nghĩ và viết ra câu trả lời, đồng thời bác với tư cách là phụ huynh cũng phải tự suy nghĩ và viết ra câu trả lời, rồi chuyển câu trả lời cho mình để có dữ liệu phân tích. 5 câu hỏi đó là:


  1. Bạn thích làm gì nhất khi có thời gian rảnh? Cứ ghi cho đã những sở thích của mình, các hoạt động mà bạn yêu thích, trong nhà hay ngoài trời, sở thích liên quan đến sách, động vật, dữ liệu, hay con người, vv. Thiệt tình thích cái gì thì cứ ghi hết ra.

  2. Bạn có những kỹ năng gì nổi trội? Ví dụ lập trình máy tính, nấu ăn, nghĩ ra và tổ chức chương trình, lãnh đạo đội nhóm, thuyết trình, vv. Kỹ năng cứng hay mềm gì mà bạn nổi trội trong những năm qua cứ kể ra hết.

  3. Bạn có tài hay điểm mạnh gì đáng kể? Này gọi là thiên hướng, thứ gì mà bạn giỏi một cách tự nhiên, làm dễ như trở bàn tay, và đắm chìm vui vẻ hạnh phúc trong đó nhất khi làm. Ví dụ bạn tên nhà mình thì cứ vẽ hay viết, mix nhạc là bạn đắm chìm một cách đã đời trong thế giới của riêng mình. Đó chính là flow - trạng thái dòng chảy, khi bạn đam mê, có kỹ năng và giỏi trong việc gì mà bạn đang làm.

  4. Tính cách nổi bật của bạn là gì? Tính cách cực kỳ quan trọng đối với nghề nghiệp. Không thể bắt người hướng nội đi làm bán hàng, càng không thể bắt người hướng ngoại đi ngồi phòng lab nghiên cứu. Bạn thích làm việc một mình hay với người khác, thích cộng tác hay cạnh tranh, thích giúp đỡ người khác trực tiếp hay chỉ thích hướng dẫn người khác tự làm, thích suy nghĩ và ra ý tưởng hay thích hành động, thích triển khai, vv. Tính cách quan trọng lắm. Chỉ khi nghề mình chọn phù hợp với tính cách thì mình mới thoải mái vui vẻ được.

  5. Có giá trị sống gì quan trọng với bạn hay không? Ví dụ có bạn yêu và muốn bảo vệ động vật, môi trường, hay chỉ quan tâm đến làm ra nhiều tiền để đảm bảo an toàn tài chính, hay muốn làm gì nhẹ nhàng thôi để dành thời gian còn lại cho bản thân, vv. Giá trị gì mà bạn muốn hướng đến trong cuộc sống của mình và không muốn thoả hiệp hay xem là quan trọng thì cún kể hết ra.

Làm gì cũng vậy, muốn tìm ra định hướng thì mình cần phải tìm ra điểm giao giữa mong muốn bên trong và cơ hội đang có ở bên ngoài. Sau khi tìm hiểu được bên trong bằng 5 câu hỏi trên thì người có kiến thức về nghề nghiệp sẽ có thể tạo ra 1 danh sách các ngành nghề phù hợp với mong muốn và thiên hướng của bạn trẻ. Danh sách này phụ huynh có thể tự tạo ra được hoặc nếu gặp khó khăn thì nhờ người có kiến thức về nghề nghiệp hỗ trợ mình list ra. Có được danh sách này rồi thì bạn nhỏ lại cần phải suy nghĩ xem chọn ngành nghề nào trong list các ngành nghề phù hợp, đánh giá tương lai phát triển của ngành nghề đó, rồi chọn theo hình thức loại trừ. Có thể sử dụng thêm 5 câu hỏi sau đây để giúp hướng dẫn lại trừ:


  1. Muốn làm nghề này phải học gì và bao lâu? Có khi muốn làm ngành y mà học tới 7 năm thì có người học không nổi chẳng hạn. Cho nên biết trước mình phải đầu tư bao nhiêu thời gian và công sức cũng là một tiêu chí để lại trừ

  2. Nghề nghiệp trong ngành này có cơ hội phát triển hơn trong tương lai không, hay đang trên đà suy thoái, hay có thể phải thay đổi nhiều do công nghệ trong những năm tới?

  3. Quan niệm tiền lương của bạn ra sao? Muốn làm vừa đủ tiền thoải mái thôi hay muốn kiếm thật nhiều tiền? Nghành nghề này có đáp ứng được mong muốn đó hay không?

  4. Bạn muốn ở 1 chỗ bình an hay thích di chuyển, sống ở đâu cũng được hay chỉ muốn sống một nơi, gần gia đình? Câu hỏi này cũng giúp lại trừ khi nghề nghiệp bạn chọn có những yêu cầu ngược lại.

  5. Tại sao tôi muốn theo nghề này? Hỏi lại bản thân 1 lần câu hỏi này là cách để khẳng định mình thật sự có hết lòng mong muốn theo đuổi nghể nghiệp đang bày ra trước mắt. Nếu đến một lý do theo đuổi mà nghĩ cũng không ra thì chắc là phải nghĩ lại.


Thật ra là không có một chiếc công thức trắng đen là hướng nghiệp phải làm sao, vì nó có quá nhiều biến số. Tuy nhiên, đơn giản nhất có thể để giúp bác tài xế thì mình chỉ đưa cách tiếp cận thế này cho dễ dàng và đơn giản nhất. Ghi lại để chia sẻ với phụ huynh nào cũng đang đau đầu về việc chọn trường và hướng nghiệp cho con.

5.487 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Ngày hết hạn

bottom of page