top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

CÁI LÒ TRẤU



Ký ức quê mùa của tôi về ngoại, là cái lò đốt trấu. Hồi xưa, ngóng tới hè để được về quê. Ba tháng hè, cứ loanh quanh phụ ngoại nấu cơm mé nhà sau. Cái lò trấu, đối với đứa con nít thành thị như tôi, đong đầy hơi ấm, tình thương, và mọi sự vi diệu của thế gian này. Ở đó, ngoại nấu cà ry vịt thơm muốn ngã lăn ra đất. Lấy cây móc bằng thép, đẩy trấu vô, hẩy tro cũ lên, trấu bén lửa tem tép nổ, tàn lửa bay loạn xạ như pháo hoa. Cái lò gạch, bỗng chốc hoá thành vương quốc vô không vô thời, thần kỳ cổ tích.


Vừa nấu cơm, ngoại vừa kể chuyện. Ngoại nói, 'Ông bà sơ con trước đây ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Tới mùa, lúa chất bồ bồ. Nhà mình, hồi đó còn nhà máy xây xát ở mé sông. Gạo lau xong, chất bao bao trong kho. Còn trấu, thì mang về đốt lò. Cái lò trấu này, coi cục mịch vậy mà hay lắm. Ô to ở ngoài, lửa phừng phừng, để nấu. Ô nhỏ bên trong, hơi nóng trong lò toả ra, để hong cơm, hâm đồ ăn, giữ ấm. Trấu đốt xong, tro đem ra vườn bón cây. Hông bỏ thứ gì.


Hồi đó, có lần chợ cháy. Tội nghiệp, dân người ta vậy thôi mất hết sự nghiệp vì sạp hàng cháy rụi. Con biết hôn, ông bà sơ con, lấy hết gạo trong kho, đem ra phát. Mà lóng đó đông quá, chỉ phát mỗi người được một ô.


Một ô là nhiêu ngoại?


Ờ thì đong bằng cái ô gạo vuông vuông. Ngoại cũng hổng biết bi nhiêu.

Cho hết, rồi mình ăn gì ngoại?


Con à, người ăn nên làm ra, phải biết thương dân nghèo. Vậy, gia đình dòng tộc sau này mới phát. Mơi mốt con thành công, là nhờ phước đức ông bà để lại đó nghen con.'

Nghe mấy dì kể, không phải chỉ cái lần cháy chợ. Từ thời ông bà sơ, tới thời trước khi mất hết, kho gạo nhà ngoại mở ra phát vậy rất nhiều lần. Hèn chi, cứ mỗi mùa giỗ ngoại, người trong làng mâm cỗ qua cúng bà Hai ì xèo. Ai ai, tôi chả bao giờ nhớ hết.


Cái nghĩa, cái nhân, gốc nó sâu quá xá. Bài học vỡ lòng, tôi học từ đời ông cố bà sơ. Họ gieo cái hạt mà gieo đâu đó tận ba đời. Thâm thế! Còn ta, ta đang gieo gì cho ba đời tiếp nối của mình đây?


Về, tần ngần bên lò trấu đã lạnh tanh, 'Ngoại ơi con nhớ, con người ăn nên làm ra, phải biết thương lấy dân nghèo.'

38 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page