top of page

CHINA - CHUYẾN TÀU ĐỊNH MỆNH


Từ Nhật sang Trung quốc, đó có thể nói là hành trình giữa hai thái cực, cực kỳ trật tự sang cực kỳ hỗn loạn, cực kỳ lễ độ sang cực kỳ “vô ý thức”. Vậy mà năm 2013 tôi đã có một hành trình hại não như thế đó, một tuần êm ả ở Tokyo và tiếp theo là 2 tuần hành trình xuyên 6 tỉnh Trung quốc. Ở cuối của hành trình, tôi chính thức tuyên bố mình lâm vào tình trạng “ung thư não”, mất khả năng phân biệt đúng hay sai.


“Mạnh” nhất thế giới?

2014 là một năm định mệnh, năm khởi đầu của những thay đổi về “quyền lực thế giới. Chỉ cách đây 10 năm thôi, người ta còn nói về cái kiềng 3 chân Mỹ, Nhật, Tây Âu khi bàn về quyền lực kinh tế. Ngày nay, người ta nói về những thị trường khổng lồ đang phát triển như BRICS (Brazil, Russia – Nga, India - Ấn độ, China – Trung quốc, South Arica – Nam Phi). Người ta nói rằng quyền lực đang chuyển dần về châu Á và những thập kỷ sắp tới đây sẽ là “thời của châu Á”. Nghe cũng sướng chứ hả? Mình đang ở đúng nơi, vào đúng lúc. Còn cái chuyện mình có đủ sức để nắm lấy “cánh cửa cơ hội” này trước khi nó khép lại hay không thì còn là chuyện dài nhiều tập.


2014 là năm mà GDP tính theo cân bằng sức mua (Purchasing Power Parity*), lần đầu tiên Trung quốc qua mặt Mỹ (Trung quốc: 17.6 triệu triệu đô, Mỹ: 17.3 triệu triệu đô). Cả thế giới xôn xao. Liệu Trung quốc có trở thành ông trùm mới?


Nói về độ lớn và tốc độ phát triển thị trường thì chắc là như vậy. Trong giai đoạn 1986-2013, kinh tế Mỹ chỉ tăng lên gấp đôi còn kinh tế Trung quốc thì tăng vụt một phát lên gấp 12 lần. Chỉ 2 ông lớn này thôi cộng lại đã chiếm hết 37.5% tổng GDP của toàn thế giới. Cứ mỗi 3 đô la chi tiêu trên thế giới thì 1 đô la là do Mỹ và Trung quốc tiêu xài. Hiện tại là vậy. Tương lai thì sao? Dự đoán đến 2030, Trung quốc sẽ tạo ra thêm 18.026 tỷ đô la, nghĩa là tạo ra thêm giá trị kinh tế của cả cộng đồng Tây Âu cộng lại. Lớn!


* Cân bằng sức mua - Purchasing power parity: nghĩa là cách tính giá một món hàng bằng nhau theo tỷ giá quy đổi tiền tệ. Ví dụ mua 1 thanh sô cô la ở Mỹ là 1 đô la, thì tính giá mua một thanh sô cô la tương ứng ở Việt nam là 22 ngàn đồng theo tỷ giá giữa đồng đô la và đồng Việt nam.


Tỷ lệ tăng trưởng GDP theo thập kỷ, theo khu vực trên toàn thế giới từ 1980 và dự đoán đến 2020. Hãy nhìn về châu Á!



Lớn là nói về tổng giá trị thị trường. Còn mạnh hay không thì phải nói về thu nhập và sức mua của người dân mỗi nước. Trung quốc có 1.36 tỷ dân, gấp hơn 4 lần dân số Mỹ (312 triệu dân), nhưng nói về GDP đầu người thì Mỹ xếp thứ 10 trên thế giới (55.8 ngàn đô), còn Trung quốc thì còn xếp mãi ở hàng thứ 75 (13.6 ngàn đô). Có tính đến năm 2030 thì GDP đầu người ở Trung quốc vẫn còn là ½ của Mỹ.


Cuộc Đua Kỳ Thú

Sau hai năm trời lăn lộn với công việc khắp nơi trên Đại Lục, nếi hỏi tôi cuộc sống của người Trung quốc thế nào, tôi sẽ trả lời bằng một câu chuyện kể. Ngày 19/05/2013, tôi khăn gói từ Hàng châu đáp tàu về Thượng hải. Sau một hành trình dài Thượng Hải – Xi’an - Nam Kinh – Hàng Châu, cái mong muốn xa hoa nhất lúc bấy giờ là được ngồi im bên ly cà phê ở một chổ không người. Khổ, ở cái quốc gia đông dân nhất trên thế giới này, cà phê là phải tính bằng triệu triệu ly. Lấy đâu ra chổ mà im với ắng. Mà thôi, dù sao thì 2 tuần vừa qua cũng đã bị lấn, xô, va, đẩy, thêm vài ngày nào có sá chi. Chưa bị khạc và nhổ một cái vào người đã là may mắn lắm rồi. Thế là ngoan ngoãn xếp hàng ở cổng chờ số 8, cổng tàu về Thượng Hải. Không khí ngột ngạt. Chắc phải có đến vài triệu người ở đây ấy nhỉ. Nhưng vài triệu không là cái gì ở mảnh đất một tỷ tư này. Người ta ngồi, nằm, đứng, đi, chạy, tay ôm ghì lấy mấy cái giỏ ni lông to đùng, đủ màu, đủ kiểu. Nóng, người ta quạt xành xạch. Rảnh, người ta nói oang oang. Một mớ bộ mặt trầm trọng thì hét ồ ồ vào trong điện thoại. Ô nhiễm tiếng ồn! Lắp cái headphone vào, thở phào với bản “Sonate ánh trăng”. Nhạc một nơi, đời một nẻo.



Ảnh: xếp hàng mua vé


Gần đến giờ tàu chạy, tất cả đứng phắt dậy. Người ở đâu bỗng ùn ùn đổ vào vây lấy khu vực xếp hàng. Đẩy qua, xô lại, chen vào, chẳng mấy chốc tôi bị biển người đánh dạt ra sau. Hàng? Không có cái hàng nào hết. Mồ hôi và hơi người nồng nặc sân ga.


2:45, còn 15 phút nữa là tàu khởi hành về Thượng Hải. Cửa ra ga bật mở. Sóng người dâng cuồn cuộn. Mục đích sống đơn giản là khát khao lên kịp chuyến tàu. Luật ở đây là thế. Tàu không biết chờ. 15 phút này đây là 15 phút quyết định điểm rơi của bạn. Không có sự lượng thứ. Không chấp nhận lý do. Chạy đi. Chạy thật nhanh đi cho kịp chuyến tàu. Đời không ai chờ bạn….


Người ta chạy vèo vèo xuống cầu thang. Người ta nhảy chồm chồm lên từng bậc. Tôi, và cái va li 20kg cho 3 tuần đi xuyên biên giới, lặc lè, lặc lè. Không ai nhìn. Chẳng ai care. Một người cho một người. Ai cũng có một chuyến tàu định mệnh. Chạy!


Amazing Race China (Cuộc Đua Kỳ Thú phiên bản Trung quốc), đó là cái tên tôi đặt cho chuyến tàu Hàng Châu và tất cả những chuyến tàu Trung quốc. Cuộc sống của người dân ở đây là như thế đó. Họ lao đi, lao đi, sợ trễ một thời cơ, sợ trôi từng cơ hội. Cuộc sống chảy vèo vèo. Tương lai là tất cả. Tại đây, quá khứ là một mớ hàng tồn kho không có giá trị thương mại. Tại đây, hiện tại bị người ta đánh mất một cách hững hờ. Tương lai! Cả quốc gia tất bật lao về phía trước. Cả dân tộc hối hả vơ vét thời cơ.



Ảnh: Tây Hồ, một trong những thắng cảnh đẹp nhất tại Hàng Châu, Trung quốc


Trích chương 6 - Chuyến tàu định mệnh - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân

134 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page