top of page

CÔNG DÂN TOÀN CẦU – RẤT KHÓ MÀ RẤT DỄ


Với trải nghiệm làm việc và tham dự làm diễn giả tại 4 châu lục trên thế giới – châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi, và Đông Âu, nếu hỏi tôi đã tương tác và làm việc với người nước nào tại châu Á đi làm thuê xuyên quốc gia dạng quản lý cấp trung và cấp cao nhiều nhất, tôi sẽ trả lời ngay là Singapore. Gần đây, khi ranh giới thị trường và quốc gia bắt đầu nhạt dần do ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do như hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EU-Vietnam FTA), và sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, tôi nhận thấy có sự xuất hiện nhiều hơn của các quản lý cấp trung và cấp cao làm việc xuyên lục địa từ Ấn độ, Phillipines, Hàn quốc, Malaysia, và Thái lan. Điều này cho thấy thị trường lao động đã bắt đầu không còn ranh giới, và người trẻ khi đến tuổi tham gia làm việc nên bắt đầu suy nghĩ rộng hơn, xa hơn ranh giới quốc gia mình. Người ta đi làm xuyên quốc gia được, người ta trở thành công dân toàn cầu được thì hà cớ gì mà người Việt Nam lại không làm được?

Có điều, nếu muốn đi ra được, muốn cạnh tranh được trong thị trường lao động với những láng giềng Singapore, Malaysia hay Thái lan, mình cần phải biết mình hơn thua người ta ở điểm nào để còn chuẩn bị xây dựng lợi thế cạnh trạnh cho chính bản thân mình trước giờ xuất phát. Người xưa từng nói thắng trận là thắng trong tư tưởng, chứ ra đến trận rồi mới suy nghĩ đánh như thế nào thì đã quá muộn rồi. Vậy thì muốn thắng từ trong tư tưởng trên chiến trường cạnh tranh làm việc xuyên quốc gia này, bạn trẻ Việt Nam cần phải bắt đầu từ đâu và chuẩn bị thế nào? Nói khó thì nghe có vẻ khó nhưng nếu trả lời được 3 câu hỏi đơn giản sau đây là bạn đã sẵn sàng: - Tôi đang ở đâu? - Tôi mong muốn đi đến đâu? - Tôi sẽ làm gì để đi đến đó?

Tôi đang ở đâu? Làm người, cái khó nhất là biết mình dở ở điểm nào và thiếu những kiến thức hay kỹ năng gì. Người phương Tây có một câu châm ngôn “Bạn không biết những gì mà bạn không biết”, nghĩa là đừng tưởng rằng mình biết nhiều và biết hết. Thế giới này rộng lớn và bao la lắm. Những gì mình đang tưởng là mình biết thật ra chỉ là một giọt nước bé tẻo teo trong cái đại dương xanh vô tận mà thôi. Trong một lần dự hội thảo về thị trường lao động trẻ khu vực châu Á do một công ty tuyển dụng của Anh quốc tổ chức tại Kuala Lumpur, báo cáo nghiên cứu cho thấy trên 90% người trẻ Việt Nam nghĩ rằng những gì mình biết và có là quá đủ để tham gia thị trường lao động. Trong khi đó, kết quả thăm dò các nhà tuyển dụng lại cho thấy rằng trên 90% các bạn trẻ tham gia dự tuyển đều thiếu rất nhiều kỹ năng hội nhập vào công việc như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức công việc, kỹ năng quản lý quỹ thời gian, vv…, và do đó hầu hết các công ty sau khi tuyển dụng phải huấn luyện thêm rất nhiều cho các em trước khi có thể bắt đầu hội nhập vào công việc. Ví dụ trên cho thấy nhiều bạn trẻ còn đang chưa biết là mình đang thiếu những gì. Nếu không biết mình đang ở đâu, làm sao biết nơi nào là điểm đến? Bạn trẻ vì vậy mà nên hết sức khiêm tốn với người khác và thành thật với bản thân mình. Hãy lắng nghe người khác, người đi trước nhận xét về mình, tập trung vào cái mình không có, cái mình thiếu để còn biết cách mà phát triển bản thân. Có một câu gần như là chân lý trong tuyển dụng là “Tuyển người vì thái độ, đào tạo người về kỹ năng”. Nếu bắt đầu từ một thái độ khiêm tốn, biết mình còn khiếm khuyết, biết mình cần học hỏi và sẵn sàng lao vào học hỏi, nhà tuyển dụng sẽ vì vậy mà nhận ta vào để đào tạo cho ta.

Tôi mong muốn đi đến đâu? Trong cuộc sống, trong làm việc, và ngay cả trong công việc kinh doanh, sự khởi đầu bao giờ cũng bắt đầu từ điểm đến. Nếu không biết mình muốn gì, làm được gì, kết quả đạt được ra sao thì bản thân sẽ mất định hướng và nguy cơ là sẽ phung phí thời gian vào những việc chẳng liên quan. Ngày xưa khi còn trẻ tôi cũng đã từng có lúc mất định hướng như thế. Chọn chỗ làm vì lương cao, chọn công việc vì cơ hội, làm đông làm tây, cuối cùng nhìn lại thấy mình chẳng đến đâu. Sau này khi đi ra thế giới làm việc rồi, tôi mới hiểu được rằng mỗi con người cần xác định cho mình đích đến. Đó là bài học về định vị bản thân để chúng ta không lạc lối trên con đường xây dựng sự nghiệp. Ví dụ như thế này cho dễ hiểu, giả sử trong tay bạn đã sở hữu thiết bị định vị - GPS hay một cái bản đồ google map hiện đại và cập nhật nhất. GPS hay bản đồ cuối cùng cũng chỉ là công cụ mà thôi. Nếu bạn không xác định được mình cần phải đến đâu, làm sao ta biết đường đến đó đi như thế nào? Do đó, người trẻ cần tìm hiểu và xác định cho mình điểm đến dựa trên đam mê và sở trường của bản thân. Làm gì cũng được nhưng cần phải xác định đó là gì, là trưởng bộ phận lên kế hoạch sản xuất khu vực Đông Dương, hay trưởng phòng marketing khu vực ASEAN, hay Tổng giám đốc khu vực châu Á? Người trẻ cần cân nhắc và suy nghĩ thật kỹ về định vị của bản thân mình.

Tôi sẽ làm gì để đi đến đó? Khi đã xác định được điểm khởi đầu và điểm đến, con đường như đã hiện ra. Vấn đề là có rất nhiều con đường để cùng đến một nơi, và mỗi người cần phải chọn cho mình một con đường phù hợp. Bản thân tôi chẳng hạn, vốn không xuất thân từ một gia đình khá giả, tôi phải tự mình vừa làm, vừa học để vươn lên. Do đó, đường ra thế giới của tôi được đánh đổi bằng sự hy sinh, làm thêm rất cực nhọc trong thời gian đi học để phát triển kiến thức và kỹ năng cho bản thân, nhận lương thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp từ Singapore phụ trách một công việc giống nhau để có điều kiện trải nghiệm và tích luỹ kinh nghiệm. Vì biết mình thiếu gì và cần gì để có thể đạt được mục tiêu và định vị, tôi chọn cách tiếp cận như vậy để đi lên. 5 năm sau, chức của tôi cao hơn, lương của tôi cao hơn người đồng nghiệp Singapore ngày xưa đó. Cơ hội lúc nào cũng có sẵn, nhưng tuỳ thuộc vào cái vốn tự có, vào nguồn lực hiện có của mỗi người mà các bạn xác định cho mình một hình thức tiếp cận khác nhau. Có người sẽ đến nhanh hơn nhờ nguồn lực dồi dào hơn. Có người sẽ đến chậm hơn vì còn phải lo nuôi thân và tích luỹ. Có điều, vẽ ra được lộ trình và cách tiếp cận cho mình chính là việc bạn vừa xây dựng được cho mình khái niệm to tác mà nhiều người hay nhắc đến: “chiến lược”. Đó chính là chiến lược phát triển bản thân của riêng mình, là kế hoạch hành động chứ không chỉ ngồi chờ sung rụng.

Công dân toàn cầu, nói nghe thì có vẻ rất xa xôi, khó khăn và phức tạp. Trên thực tế thì chỉ là 3 câu trả lời rất chân thành, rất thực tế của mỗi người đối với bản thân mình. Tôi đang ở đâu? Tôi mong muốn đi đến đâu? Tôi sẽ làm gì để đi đến đó?

NGUYỄN PHI VÂN (Bài đã đăng trên báo Hà nội mới tháng 05/2016)


420 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

MỒNG THẤT

bottom of page