top of page

Cộng đồng chỉ mạnh khi mỗi cá nhân cùng vươn đến mục tiêu



Nói đến chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, người ta nghĩ ngay đến người phụ nữ giản dị dám “quảy gánh băng đồng ra thế giới”, hiện đang giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các bạn trẻ tìm thấy con đường khởi nghiệp để đi ra thế giới. Chị là hình ảnh của một lớp doanh nhân toàn cầu năng động, có tư duy và tầm nhìn xa, có ảnh hưởng rộng khắp và đặc biệt, là một nhân cách, một tâm hồn đẹp.


Người Việt vốn ít đi, ít di chuyển... Vì sao chị lại quyết đi ra thế giới để học hỏi? - Con người nói chung ở đâu trên thế giới cũng thích sự an toàn. Khi ra khỏi “vùng an toàn”, khi xung quanh ta là một môi trường mới, một cộng đồng mới lạ lẫm thì không riêng gì người Việt mà ai ai cũng sợ. Có điều, người nước ngoài được khuyến khích đi ra, đi tìm hiểu và khám phá thế giới để phát triển bản thân. Người Việt mình trong một thời gian dài không được động viên như thế. Ngày xưa, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện phải đi ra, cho đến khi được tiếp xúc với các sinh viên nước bạn, bị chê là tụt hậu, bị cho là “ếch ngồi đấy giếng”. Khi đi, tôi thật sự chỉ muốn biết tại sao người ta nói mình như thế. Một người chưa thấy trời cao đất rộng thì có nói gì người ta cũng chẳng tin, nói gì người ta cũng có thể bác bỏ. Nhưng khi đã nhìn thấy thế giới rộng lớn đến nhường nào, bản thân mới hiểu rằng mình thật là nhỏ bé. Đi rồi, hiểu ra rồi, tôi mới có quyết tâm tiếp tục đi học, tiếp tục đi hoàn thiện bản thân.

Khi bước ra thế giới, chị đã chuẩn bị cho mình tâm thế nào? - Người ta thường hay hiểu lầm rằng, công dân thế giới nghĩa là được đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đó là một quan niệm sai lầm. Chẳng lẽ có tiền đi du lịch là trở thành công dân thế giới hay sao? Chẳng lẽ những người chưa có điều kiện đi du lịch không bao giờ trở thành công dân thế giới hay sao? Đối với một người đã đi, đã về, công dân thế giới thật ra chỉ là một trạng thái tư duy. Tôi hay đưa ví dụ người Ấn Độ sinh ra trong một đất nước nghèo nàn, nhưng họ vẫn làm giám đốc vùng nhiều nhất ở khu vực Châu Á. Tại sao ư? Tất nhiên không phải là nhờ họ có tiền đi ra thế giới. Họ chỉ làm khác ta có một điều. Họ nghĩ rằng mình là công dân thế giới. Và thế là, tư duy đã ảnh hưởng đến lời nói. Lời nói đã ảnh hưởng đến hành động. Và họ đã làm được nhiều hơn ta trong hành trình trở thành công dân toàn cầu. Bước ra thế giới tôi đã chuẩn bị tâm thế ra sao? Thật tình tôi chỉ cần thay đổi tư duy, rồi bước đi với một trái tim Việt Nam luôn chân thành, tử tế, và thương yêu người khác. Khi mình mở lòng ra với thế giới, khi ta không còn tâm phân biệt, thế giới mới trở thành thế giới của ta. Tại đó, không có sự sợ hãi, không có sự tính toán thiệt hơn, chỉ có một trái tim mong muốn kết nối với mọi người bằng giá trị của Việt Nam, bằng giá trị của chính bản thân mình.

Nếu thành công như bây giờ thì không sao, còn nếu thất bại, chị có sẵn sàng làm lại tất cả không, trên nền tảng những gì mình đam mê theo đuổi? - Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến thành công hay thất bại. Tôi cũng cho rằng, thành công đối với nhiều người khác nhau là những khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tôi vừa đi công tác ở London (Anh), ghé thăm một người bạn có căn nhà nhỏ xíu ở ngoại ô, hai vợ chồng đi làm công và sống một cuộc sống êm đềm, thầm lặng. Tôi nghĩ là họ thành công khi tìm thấy nhau trong cuộc đời này. Tôi cũng đã từng ngồi suốt đêm ở Sydney với một người bạn già, và khối tài sản lớn của anh có thể là 1 đô hay mấy trăm triệu đô tùy vào những gì xảy ra trong đêm hôm đó. Thành công đối với ông là còn một người ngồi đó nói chuyện suốt đêm, dù ngày mai ông chỉ còn 1 đô la trong túi. Trong cuộc đời, tôi cho rằng ai cũng thành công. Chỉ là bạn cần phải định nghĩa cho rõ thành công đối với bạn là gì, rồi cứ thế mà tận hưởng sự thành công của mình dù nhiều người chẳng hiểu tại sao bạn lại vui vẻ và hạnh phúc trong khi không có nhiều thứ mà họ có. Ngược lại, họ chắc cũng chẳng hiểu tại sao mình không hạnh phúc chút nào. Tôi đã chọn con đường của mình, và dù cho nó có ra sao, tôi cũng đã thành công vì dám chọn cho mình con đường mình mong muốn. Có bao nhiêu người thật ra là dám làm như vậy? Nỗi sợ có khi to hơn rất nhiều so với đam mê.

Chị có nhận xét gì về các doanh nghiệp trong nước khi đa phần còn xa lạ với vấn đề nhượng quyền? - Thật tình là tôi có phần hụt hẫng nhưng không phải vì người ta thành công hơn Việt Nam mình. Có khi họ cũng chẳng giỏi hơn ta, chẳng thông minh hơn, và chẳng cần cù bằng ta. Họ chỉ được hỗ trợ nhiều hơn, sống trong xã hội mà hệ thống giáo dục và hỗ trợ kiến thức tốt hơn, có chiến lược hơn, có định hướng hơn. Và thế là họ làm gì cũng trước ta một hay vài bước. Một cộng đồng chỉ mạnh khi năng lượng của mỗi cá nhân cùng hướng về một điểm đến, cùng vươn đến một mục tiêu. Nếu mỗi người chúng ta cật lực, vắt hết sức để làm mà năng lượng cứ phân tán theo nhiều hướng khác nhau, làm cho cực khổ âu cũng là vô ích. Không có sức cộng hưởng. Không có sự chuyển động chung của một cộng đồng. Cái chúng ta cần là một định hướng chung, rồi từng người có thể đóng những vai trò to nhỏ khác nhau cho cỗ máy lao về một hướng. Tôi hụt hẫng vì sự thiếu định hướng của chúng ta. Tôi hụt hẫng khi nhìn thấy mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân loay hoay làm theo cảm tính. Đối với nhượng quyền, đây là mô hình kinh doanh đã thành công hơn cả trăm nay nay trên toàn thế giới. Đây là mô hình đã biến những doanh nghiệp gia đình nhỏ bé thành những tập đoàn lớn toàn cầu. Có điều, muốn sử dụng được mô hình này, cần có nền tảng quản trị và vận hành tốt, cần có sự minh bạch trong quan hệ đối tác hai bên, cần có sự chân thành mong muốn cả hai cùng hiệu quả. Đối với doanh nghiệp và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đó là những vấn đề. Cho đến khi nào ta thật sự thay đổi tư duy, kinh doanh có triết lý và giá trị thực thụ, mang đến lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng, cho tất cả các đối tác liên quan trong chuỗi giá trị ngành, khi đó ta sẽ dễ dàng sử dụng nhượng quyền để phát triển mô hình và thương hiệu.

Chị bắt tay vào viết cuốn sách đầu tiên - “Nhượng quyền khởi nghiệp: Con đường ngắn để bước ra thế giới” - có phải muốn tiếp sức cho các doanh nghiệp Việt trong vấn đề hiểu rõ nhượng quyền khởi nghiệp? Sau cuốn sách này, chị nhận được phản hồi thế nào từ phía các DN vừa và nhỏ? - Tôi viết cuốn sách này hy vọng có ích cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Hệ thống kiến thức trong sách này không chỉ dừng lại ở nhượng quyền. Đó là hệ thống kiến thức để xây dựng nền tảng doanh nghiệp vững mạnh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi đã bỏ công tìm hiểu, nhận dạng các vấn đề chính của doanh nghiệp Việt Nam, và sửa bản thảo của mình cho phù hợp nhất, dễ áp dụng nhất cho doanh nghiệp. Sau khi sách ra đời, tôi nhận được rất nhiều “tâm thư” từ bạn đọc. Tâm thư có thể là một lời tiếc nuối: “Phải chi em được đọc sách của chị sớm hơn thì đâu đến nỗi”. Tâm thư cũng có thể là: “Chị ơi, chỉ muốn nói lời cám ơn sâu sắc vì chị đã chia sẻ hết từ ruột gan mình”. Tâm thư cũng có thể là: “Em đã mua sách của chị và tặng cho tất cả đối tác của mình, với lời khuyên nên đọc hết để hợp tác của chúng ta tốt đẹp”. Nhiều người tôi từng gặp thấy tựa sách ghi có từ “khởi nghiệp” thì cho là sách dành cho tụi trẻ nhỏ chẳng biết gì. Thật ra, chính doanh nghiệp Việt dù có bao nhiêu năm tuổi mới là đối tượng “tái khởi nghiệp” của tôi. Đối với người trẻ muốn start-up và học cách kinh doanh, có lẽ tôi sẽ có một cuốn sách khác cho họ trong thời gian tới.

Theo chị, vì sao một bộ phận DN Việt loay hoay không xây dựng được thương hiệu của mình, nếu cứ như vậy thì làm sao có thể tiến tới bước nhượng quyền? - Tôi thường nói nhượng quyền rất dễ mà rất khó. Khó là khi doanh nghiệp hiểu rằng chính mình mới cần phải thay đổi và xây dựng nền tảng trước, hiệu quả trước mới có thể nhượng quyền. Đây là giai đoạn “luyện nội công” trước khi có thể nhượng quyền. Để làm được cần có người hướng dẫn. Đã qua rồi cái thời cái gì mình cũng tự làm. Tự làm sẽ sai. Làm sai rồi sửa thì biết đến khi nào. Bạn có thể đưa doanh nghiệp mình từ 0 đến 50, nhưng để có thể nâng tầm từ 50 lên 150, có lẽ bạn cần phải có người dẫn đường có kiến thức, kinh nghiệm. Khi đã xây dựng xong nền tảng vững mạnh rồi, việc phát triển nhượng quyền theo tôi dễ như đếm 1, 2, 3.

Khi tư vấn cho Chính phủ Malaysia, chị thấy những lĩnh vực nào Việt Nam có thể phát triển và đuổi kịp họ khu vực và thế giới? - Mỗi quốc gia khi phát triển cần có một định hướng khác nhau. Mình không cần phải làm giống y như họ. Nếu thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, dệt may, da giày, thủy hải sản, đó chính là những ngành nghề mà chúng ta cần phải đầu tư. Tuy nhiên nếu đã đầu tư, ta cần xây dựng chuỗi cung ứng chuyên ngành để có thể tối ưu hoá giá trị của mô hình và sản phẩm. Về việc này, định hướng, chiến lược, và hỗ trợ cụ thể từ phía nhà nước là vô cùng quan trọng. Chính sự dẫn dắt và định hướng này giúp cho năng lượng, nguồn lực của cả quốc gia chuyển động về một hướng, tạo ra sự phát triển đồng bộ và nền tảng cho nền kinh tế của cả một quốc gia.

Khi đã trở thành công dân toàn cầu, vì sao chị lại trở về nơi chốn mà chị từng muốn ra đi? - Công dân toàn cầu, họ không hô khẩu hiệu, họ cũng chẳng nói những lời hoa mỹ về tình yêu đất nước và cộng đồng của mình. Khi đã đi ra và đi xa, tự họ sẽ cảm nhận được tình yêu của người xa xứ. Họ hiểu rằng giá trị của mỗi cá nhân đơn giản chỉ là mình, nhận ra mình là ai, nhận ra cái đẹp của nơi họ sinh ra, nhận ra sự mênh mông của những nơi cần đến, nhận ra tình yêu thương được chia sẻ là hạnh phúc vô biên. Và thế là họ ra đi chỉ để trở về. Đơn giản như thế. Không cầu kỳ hay hoa mỹ.

Trong quá trình “đi” ấy, chị đã gặp những người Việt công dân toàn cầu thú vị nào? - Tôi gặp rất nhiều người thầy, người bạn trên bước đường đi ra thế giới. Trong ngành nghề mà tôi theo đuổi và trong những chuyến diễn thuyết trên thế giới, tôi chưa gặp ai là người Việt. Tuy nhiên, tôi biết rằng, có rất nhiều người Việt “toàn cầu” như tôi, chỉ là họ làm việc trong những ngành mà tôi chưa tương tác. Tôi hy vọng rằng sự xuất hiện của tôi trong các công việc xã hội tại Việt Nam sẽ là cái duyên đưa đẩy để tôi gặp được họ và được thực hiện những công việc cộng đồng cùng với họ.

Cuốn “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” và “Sổ tay ra thế giới” thực sự bổ ích, đã giúp người trẻ tìm thấy định hướng để bước vào tương lai ra sao? - “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” tôi viết như một lời tâm sự để người trẻ Việt Nam biết mình đang ở đâu và thế giới ngoài kia rộng lớn ra sao. Chỉ khi định vị được mình, ta mới biết cần phải làm gì để phát triển bản thân, để theo đuổi đam mê và để trở thành những công dân toàn cầu thực thụ. Sau những chia sẻ này, tôi nhận được rất nhiều phản hồi xúc động từ bạn đọc, giống như là đã có một ngọn đèn nào đó đã bật lên. "Sổ tay ra thế giới” chỉ là một tập công cụ kèm theo, giúp các bạn lên kế hoạch, hành động, và thật sự bắt đầu bước ra thế giới. Tôi hy vọng với 2 quyển sách này, các bạn trẻ sẽ tìm thấy cho mình một định hướng, một con đường, một tương lai toàn cầu và một bản đồ rõ ràng cho hành trình ấy.

Quá trình “toàn cầu hóa” của chị đã khiến chị được gì, mất gì? - Tôi nghĩ mình được quá nhiều, được bạn, được thầy, được hiểu mình, hiểu người để sống thông cảm và hoà đồng với mọi người dù họ là ai, sinh sống ở đâu. Tôi được vũ trụ nâng đỡ để tìm thấy sự bình yên trong mọi rối ren, tìm thấy niềm vui trong sự đơn giản, và tìm thấy hạnh phúc trong sự sẻ chia với mọi người. Tôi được như thế là quá nhiều. Mất gì? Tôi mất đi sự ngạo mạn của một người trẻ sớm thành công, mất đi tính hiếu thắng, tính độc đoán bắt người khác phải theo mình. Và cái mất đi vĩ đại nhất trong hành trình này có lẽ là mất đi cái tôi những tưởng là to hơn vũ trụ.

Ý nghĩa cuộc đời này với chị? - Ta sinh ra và tồn tại trong cuộc đời chẳng được bao năm. Mọi sự đố kỵ, ganh ghét, thắng thua, sở hữu có bao nhiêu rồi một ngày kia cũng chẳng là gì. Nếu hôm nay là ngày phải ra đi, ta sẽ để lại gì cho thế giới? Nghĩ như thế và sống như thế nên đối với tôi ngày hôm nay và những gì tôi làm được hôm nay quan trọng hàng đầu. Cuộc đời là một chuỗi những ngày sống có ý nghĩa, sống sẻ chia, sống vì niềm vui và hạnh phúc không chỉ của riêng ta mà còn là tất cả những người ta tình cờ gặp, ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Xin cảm ơn chị!



76 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

MỒNG THẤT

bottom of page