top of page

EI @ WORK



Hơn bao giờ hết, mùa Covid là mùa đẩy cao trào cảm xúc, khi tất cả đều bất định, khi bất thường là định nghĩa của bình thường. Trong hoàn cảnh như thế, con người dễ bị đẩy vào cao trào cảm xúc, nhất là những cảm xúc tiêu cực như hoang mang, lo lắng, giận dữ, trầm cảm, cô độc…. Làm việc từ xa hay từ nhà, với loài social animal – động vật bầy đàn như con người, lại càng là hoành cảnh cách ly tâm lý cực kỳ khó khăn. Do đó, mùa này là mùa cần tập trung luyện tập EI @ work – Emotional Intelligence at work – Trí tuệ cảm xúc trong công việc. Hôm nay nhắc lại nhưng đi vào chi tiết hơn cho các bạn những kỹ năng cụ thể mà người đi làm cần rèn luyện để nâng cao EI.


EI bao gồm 4 bộ và 12 kỹ năng cơ bản như sau:


SELF-AWARENESS – NHẬN THỨC BẢN THÂN

1. Kỹ năng 1: Emotional self-awareness – Khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân. Đây là lý do vì sao nhiều công ty cho nhân viên học khoá thiền, vì thiền giúp con người học cách lùi lại, quay về với bản thân, ghi nhận cảm xúc trong thì hiện tại, và gọi tên cảm xúc đó một cách khách quan. Con người là loài dễ bị cảm xúc dẫn dắt nhất, và khi đã lâm vào trạng thái mù loà do cảm xúc bị phóng đại, tất cả lời nói, hành động, quyết định biểu hiện ra đều chủ quan, vô minh. Do đó, học dừng lại, thở sâu, delay cao trào cảm xúc là cách để cho phép bản than trở về với chính mình, với thực tại, nhận biết trạng thái cảm xúc của chính mình và học cách quản trị cảm xúc đó.


SELF-MANAGEMENT – QUẢN TRỊ BẢN THÂN


2. Kỹ năng 2: Emotional self-control – Tự kiểm soát cảm xúc. Sau khi nhận biết bản thân ví dụ như đang giận dữ, bực bội, tức tối chẳng hạn, thì kỹ năng đầu tiên trong bộ quản trị bản thân là học cách kềm chế, kiểm soát không cho phép cảm xúc đó đánh lừa hay đẩy ta vào thế vô minh. Để làm việc này, mỗi người nên tự tìm cho mình chiêu kiểm soát hiệu quả nhất. Ví dụ đối với tôi ngày xưa, cách hiệu quả nhất là bỏ đi, tìm nơi tạm bợ nào đó một mình để thở sâu và bình tĩnh lại. Nếu hoàn cảnh cho phép thì tìm nơi có thiên nhiên, im ắng, bình yên. Nếu hoàn cảnh không cho phép thì một góc khuất nào đó gần hiện trường. Nếu không có chiêu để kiểm soát bản thân, và rèn luyện hàng ngày, con người sẽ cứ vô minh mặc cho cảm xúc dẫn dắt những cơn cảm xúc bất thường của bản thân, tạo ra những màn drama không cần thiết.


3. Kỹ năng 3: Adaptability – Khả năng thích nghi. Trong đời, không ai có thể nói trước chuyện gì sẽ xảy ra. Và ta, cũng không thể cứ nhốt mình trong quả bóng an toàn cho cảm xúc. Sẽ có hoàn cảnh kỳ cục, khó chịu, bất an xuất hiện. Sẽ luôn có những con người vô lý, cực đoan, khùng điên xuất hiện. Sẽ có những trường hợp xảy ra không như dự đoán, không theo kế hoạch, không đâu vào đâu. Và chính khi ta cảm thấy không còn khống chế được môi trường, là khi cảm xúc các kiểu bắt đầu chơi trò vờn bắt. Do đó, luôn expect the unexpected – vui vẻ đón nhận mọi trường hợp bất thường, không như ý xảy ra trong cuộc sống, rồi vui vẻ thích nghi với hoàn cảnh đó, tìm cách vận hành trong hoàn cảnh đó, sẽ giúp bạn cool hơn, sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn.


4. Kỹ năng 4: Achievement Orientation – Hướng đến kết quả đạt được. Tôi đã từng có nhiều team đều là những con người có khả năng, có chút thành quả trong đời ngời lại với nhau và kết quả là disaster – thảm hoạ. Ego quá cao, chỉ biết cãi vã giành phần thắng về mình, không biết cách chung sống và hợp tác với người khác. Họ hội họp rất lâu, khổ sở vật vã với những cơn điên cảm xúc, nhưng cuối cùng chẳng đạt được kết quả gì. Tôi gọi đó là trạng thái “ngục tù vô minh”. Chúng ta sinh ra, gặp gỡ, và hợp tác với nhau trong đời, không phải để hành hạ, làm khổ nhau. Nếu biết học cách bỏ qua cái tôi, bỏ qua cảm xúc tiêu cực, vô lý để cùng nhau đạt được kết quả cuối cùng, con người sẽ trở nên cực kỳ hiệu quả, luôn vui vẻ và hạnh phúc dù đang làm gì, ở đâu, với ai.


5. Kỹ năng 5: Positive Outlook – Khả năng hướng đến sự tích cực. Ví dụ như trong mùa này, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, khi lương giảm 50%, người tiêu cực sẽ bực bội, giận dữ đâm ra phàn nàn, nói xấu, gây hấn trong nội bộ. Người hướng đến sự tích cực sẽ chấp nhận hoàn cảnh, và suy nghĩ xem nhân cơ hội này để làm gì cho bản thân và tổ chức, rồi xông vào làm, mà quên bén những khó khăn mà chỉ nhìn thấy cơ hội mới. Gặp hoàn cảnh không như ý, người tiêu cực nhìn thấy nguy cơ, thất bại, người tích cực nhìn thấy cơ hội, hướng đi, hành trình mới.


SOCIAL AWARENESS – NHẬN THỨC XÃ HỘI


6. Kỹ năng 6: Empathy – Khả năng thấu cảm. Trên đời này, chắc phải có đến 90% những cơn cảm xúc vô tội vạ xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, từ góc nhìn hạn hẹp, từ sự suy bụng ta ra bụng người. Tất cả chúng ta trong đời đều sinh ra và lớn lên trong những môi trường, hoàn cảnh rất khác nhau, được nuôi dạy, học hành, làm việc trong những hoàn cảnh rất khác nhau. Vì vậy, cách nhìn vấn đề và tư duy của mỗi con người là hoàn toàn khác nhau. Bạn vin vào thứ gì để tự suy ra cái bạn nghĩ, bạn nổi cơn chính là thứ người ta đang nghĩ? Empathy – khả năng thấu cảm có thể nói là đỉnh cao của giải quyết vấn đề. Nếu không biết người khác đang nghĩ gì, đang trong trạng thái thế nào, tại sao họ lại phản ứng và biểu hiện như thế, thì 99% những gì bạn đang thấy trên bề mặt là sai. Bắt đầu nhận thức vấn đề đã sai, làm sao giải quyết đúng?


7. Kỹ năng 7: Organizational Awareness – Nhận thức văn hoá tổ chức. Khi chúng ta chọn một tổ chức để dấn thân vào, để hợp tác, để làm việc, mỗi tổ chức sẽ có cấu trúc, văn hoá, cách vận hành khác nhau. Và ta, khi chọn tổ chức đó để dấn thân, hoặc là tìm nơi có giá trị chung để theo đuổi, hoặc là hiệu chỉnh bản thân để hoà mình vào văn hoá tổ chức đó. Là người đi làm, bạn di chuyển từ tổ chức sang tổ chức khác, và không có quyền expect – muốn những nơi bạn bước vào phải thay đổi để thích nghi với bạn. Ngược lại, bạn mới chính là người cần thay đổi để thích nghi với cách vận hành của tổ chức. Do đó, người đi làm chuyên nghiệp, rất quan tâm và học cách nhận thức rõ, học cách thích nghi với cấu trúc, văn hoá, cách vận hành của tổ chức đó.


RELATIONSHIP MANAGEMENT – QUẢN TRỊ QUAN HỆ


8. Kỹ năng 8: Influence – Khả năng tạo ảnh hưởng. “Em nói rồi mà bản không nghe” có lẽ là câu tôi nghe nhiều nhất khi dẫn dắt các team. Người nói câu này là người bất lực, vì bản thân không hề tạo ra chút ảnh hưởng nào đến đồng nghiệp, đến đội ngũ. Và trong rất nhiều trường hợp, tôi nhận các câu hỏi inbox phàn nàn về sự thiếu hợp tác của đội ngũ, của sếp trên, của thành viên dự án, vv. Điều này chỉ cho thấy một sự thật là bạn thiếu EI, thiếu khả năng ảnh hưởng người khác mà thôi. Ảnh hưởng tạo ra đến từ đâu? Nó có thể đến từ khả năng chuyên môn, khả năng giải quyết vấn đề, vì bạn là người đáng tin cậy, vì bạn là người có cái tâm bao la, từ sự thấu cảm, từ quyền lực mềm của người lãnh đạo không tên, vv. Bạn đang có thứ gì để ảnh hưởng người khác? Trước tiên là nhìn lại chính mình, trước khi phàn nàn ai đó khác.


9. Kỹ năng 9: Coach and Mentor – Khả năng cố vấn, định hướng cho người khác. Người có EI là người vững vàng, luôn bình tĩnh, sáng suốt, nhìn ra cái gốc của mọi vấn đề. Do đó, họ là người tốt nhất để định hướng, dẫn dắt người khác. Và vì vậy, họ tạo ra ảnh hưởng rất lớn về năng lượng, về sự tích cực, về sự phát triển cho người xung quanh. Vì là coach và mentor, họ cũng học và phát triển bản thân tốt hơn khi tiếp cận với nhiều hoàn cảnh, trường hợp mới trong đời mà có khi bản thân chưa trải nghiệm. Con người lớn lên từ bài học của bản thân và bài học của những người bên cạnh. Giúp người, chính là giúp bản thân ta.


10. Kỹ năng 10: Conflict Management – Quản trị xung đột. Đã bao lần trong đời bạn bị quận vào các trường hợp xung đột? Chắc là đếm hoài không hết và tránh cả đời không nổi. Xung đột có khi là do bạn gây ra. Có khi là do người khác gây ra. Có khi là do vô tình hay cố ý bị lôi kéo vào cho thêm phần drama. Tất cả mọi xung đột, đều là drama. Sự thật không bao giờ hiện ra trên bề mặt. Đâu đó ở một góc khuất đen tối, luôn có sự hiện hữu của những phần con ích kỷ, ác độc, tham lam, sân si…. Người có EI bỏ qua tất cả những biểu hiện bề mặt vô tình hay cố ý của những người liên quan, bỏ qua cao trào của những cảm xúc vô tội vạ, của những lời nói và hành động vô minh, tìm ra nguồn gốc của vấn đề, và giải quyết xung đột với ý định tốt nhất cho tất cả mọi người, một cách công bằng, quanh minh nhất. Có khi, giải pháp là sự im lặng. Có khi, giải pháp là nói thẳng. Có khi, giải pháp là lắng nghe, thấu cảm và khuyên can. Có khi, giải pháp là lạoi trừ, vv. Không có một công thức để giải quyết mọi xung đột. Mỗi xung đột bắt nguồn từ nguyên nhân rất khác nhau, bởi những con người có hoàn cảnh rất khác nhau, động cơ rất khác nhau. Đó là lý do vì sao người có EI là người giải quyết xung đột sáng tạo và tận gốc nhất.


11. Kỹ năng 11: Teamwork – Làm việc đội nhóm. Trước nay, và đặc biệt là trong sự chuyển đổi của kinh tế sáng tạo, của kinh tế đám mây, làm việc ngày càng sẽ được cấu tạo bằng các đội ngũ dự án cùng hợp tác và hoàn thành. Đội ngũ có khi là từ cùng một công ty, doanh nghiệp, có khi là từ một hệ sinh thái, có khi là từ nhiều các khu vực địa lý và văn hoá khác nhau, vv. Do đó, teamwork – kỹ năng làm việc đội nhóm ngày càng trở nên cực kỳ quan trọng. Và cũng chính vì vậy, nếu thiếu EI, một cá nhân khó có thể mà hoà hợp, thích nghi và hợp tác nhanh chóng, hiệu quả, hướng đến kết quả đạt được một cách thành công nhất. Khi hiểu bản thân, hiểu người khác, hiểu mối tương quan giữa ta, tổ chức, và người khác, việc hợp tác sẽ trở nên dễ dàng hơn. Khi bỏ qua ego, emo, khi biết thấu cảm và nhìn xuyên qua vô minh, bạn trở thành đồng đội tuyệt vời nhất, và trở thành người dẫn dắt đội nhóm hiệu quả nhất.


12. Kỹ năng 12: Inspirational Leadership – Lãnh đạo truyền cảm hứng. Người có EI cao thường trở thành lãnh đạo, vì họ bỏ qua những sự vụ, tình cảm, xung đột nhỏ nhặt, linh tinh và hướng mọi người đến những chân trời nhân văn, tích cực, thành đạt và hạnh phúc hơn, cho họ, cho mọi người, và cho xã hội. Năng lượng tích cực của họ, bằng cách này hay cách khác, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến mọi người xung quanh, làm cho mọi thứ dường như dễ thở hơn, tươi sáng hơn, làm cho cuộc đời đáng sống hơn, và mọi vấn đề ghê gớm trở nên không đáng kể. Bạn nhận biết người có EI bằng cách đó. Ở gần họ, mọi thứ đều bỗng nhiên trở nên rất OK. Bên cạnh họ, bạn nhận ra mọi sự đen tối, nhỏ hẹp của chính bản than mình. Bạn mong muốn và cố gắng trở thành người tốt hơn, tích cực hơn, có ích hơn. Lãnh đạo truyền cảm hứng là người có sức ảnh hưởng đến người xung quanh như thế. Bạn có phải là lãnh đạo truyền cảm hứng? Nếu chưa, có lẽ cần nhìn lại bản thân vì mình đang còn thiếu EI.


Trên đời này, không có gì là dễ, là mỳ ăn liền, là chạm đũa thần mà có. Muốn có EI, mỗi người cần phải rèn luyện 12 kỹ năng trên, không hề dễ. Tuy nhiên, nếu không bắt đầu một bước, hai bước, nếu không bắt đầu từ hôm nay, trong hoàn cảnh khó khăn này, thì mãi mãi hành trình sẽ chỉ là giấc mơ bên kia của cầu vồng. It’s your call – Quyết định là của bạn. Dấn thân là hành động của bạn. Thành bại là ở bạn. It’s your call!

156 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page