top of page

EM ƠI, ĐÓ LÀ LÝ THUYẾT!



Nếu nói về lý thuyết thì sorry mình chất đầy nhà, nhưng bản thân sợ nhất là lý thuyết. Có điều, sao thấy các bạn trẻ Việt Nam nhiều bạn quá lý thuyết, nói rất hay, đúng sách đúng bài, chỉ có điều là làm không ra kết quả.


Khi không hiểu đúng và hiểu đủ về việc cần làm, người ta nói lý thuyết. Khi muốn tỏ ra nguy hiểm, người ta nói lý thuyết. Khi muốn chứng minh mình là người có học vấn cao, người ta nói lý thuyết. Khi chẳng biết gì về điều mình đang nói, người ta nói lý thuyết…. Lý thuyết không có tội. Nó được sinh ra để tạo ra nền tảng hiểu biết chung cho tất cả mọi người hiểu như nhau, nhìn về một hướng, và hy vọng là tạo ra kết quả xuất sắc như nhau. Chỉ vậy thôi. Không phải người học lý thuyết là giỏi, là làm được, là xuất sắc. Và cũng không phải người không học lý thuyết là không giỏi, là không biết làm. Người có lý thuyết mà thiếu thực tế và thiếu tư duy hệ thống, thiếu hành động để tạo ra kết quả thì nói cho đã miệng chớ chẳng chẳng làm được chuyện gì cho ra ngô ra khoai. Còn người không có lý thuyết mà có đầu óc tư duy thì hoàn toàn vẫn có thể tạo ra kết quả. Đến khi bổ sung lý thuyết thì họ sẽ à há, thì ra là có một thứ lý thuyết như thế và may quá mình đang làm đúng, chỉ là giờ hiểu thêm thì làm tốt hơn mà thôi. Cho nên, học lý thuyết là tốt, nhưng please xin đừng nói lý thuyết mà hãy làm cho ra kết quả.


Ví dụ, theo lý thuyết thì ta có thể đo lường mức độ hài lòng của khách hàng bằng phương pháp NPS, gởi bảng khảo sát ra rồi phân tích theo thang điểm khách hàng đánh giá. Theo lý thuyết là thế. Nhưng khi ta gởi khảo sát đi, chỉ có 10% khách hàng phản hồi, 90% còn lại im, thì dựa trên dữ liệu bạn đã thu thập được từ 10% phản hồi, bạn đưa ra kết quả gì về mức độ hài lòng của khách hàng? Nếu 10% đều hài lòng hay không hài lòng, bạn có cho là tất cả khách hàng hiện tại của chúng ta đều rất hài lòng hoặc không hài lòng? 90% còn lại không phản hồi thì họ thuộc loại gì? Tâm tư, cảm xúc họ ra sao? Họ có quan trọng đối với cái lý thuyết đo đạc đó của bạn không?


Phương pháp cuối cùng cũng chỉ là lý thuyết. Khi áp dụng vào thực tiễn, có rất nhiều scenario - trường hợp khác nhau xảy ra. Nếu không sử dụng critical thinking - tư duy phản biện để đặt câu hỏi và tìm ra cách giải quyết vấn đề phù hợp hơn hay nhất với thực tế, việc ứng dụng không suy nghĩ của một phương pháp có khi chỉ cho bạn một bức tranh méo mó mà thôi. Cho nên, biết và hiểu về lý thuyết, lấy đó làm phương pháp nền thì tốt, nhưng làm ơn đừng mang những thứ lý thuyết đó ra nói như đúng rồi trong khi kết quả cuối cùng không đạt được. Đập hết lý thuyết đi mà khách hàng vẫn hài lòng thì đó là lý thuyết đúng. Còn ứng dụng toàn những thứ nghe cao siêu, hay ho, vĩ đại mà khách hàng cuối ngày vẫn không hài lòng thì lý thuyết đó vứt đi. Người càng giỏi, càng hiệu quả, càng thành công người ta càng đơn giản, thực tế, càng nhìn kết quả mà nói chuyện.


Vô chiêu thắng hữu chiêu là thế. Khi đã master những gì mình muốn làm thì lý thuyết là không có lý thuyết nào. Ra quân đánh trận thì binh pháp thiên biến vạn hoá. Còn ôm cây lý thuyết chạy lòng vòng là còn tự nhốt mình trong chiếc buồng giam, chạy lòng vòng trong đó không tìm thấy lối ra, rồi tự trấn an bản thân là mình đã thành công khi ứng dụng lý thuyết, dù kết quả không giống như mong đợi. Lý thuyết là không có lý thuyết nào. Nó là sự kết hợp sáng tạo giữa tư duy giải quyết vấn đề và việc không ngừng thử nghiệm những cách tiếp cận khác nhau nhằm tạo ra kết quả.


Cũng vì vậy, mình khuyên các bạn trẻ hãy xếp lý thuyết lại, học cách định hướng kết quả như sau:

  • Việc cần làm là gì?

  • Kết quả cần đạt được của việc này là gì? Cân đong đo đếm cụ thể được bằng đơn vị gì và nhìn mặt mũi có ra làm sao?

  • Để đạt được kết quả đó có bao nhiêu cách làm? Cách nào phù hợp nhất với thực tế của công ty, tổ chức, hoàn cảnh hiện tại nhất? Tại sao? Nghĩ giải pháp đừng nghĩ lý thuyết. Có khi giải pháp không tồn tại trong bất kỳ lý thuyết nào.

  • Những khó khăn thử thách có thể đụng phải khi sử dụng cách giải quyết vấn đề này là gì? Gọi tên nó ra, nhìn xem mặt mũi nó ra sao

  • Mình cần chuẩn bị gì để khắc chế những rào cản đó?

  • Trợ lực của mình, nguồn lực có thể collab, vay mượn để làm tốt việc này nằm ở đâu? Làm sao để vận động những trợ lực này giúp mình?


Cuộc đời thật ra đơn giản lắm. Lý thuyết là do con người nghĩ ra để hướng dẫn người không biết làm. Không có lý thuyết nào là đúng hết cũng không có lý thuyết nào giải quyết được hết vấn đề. Khi đã có tư duy hệ thống, tư duy logic, nắm được nguyên tắc giải quyết vấn đề thì vấn đề nào cũng giải quyết được, dù có hay không có lý thuyết. Vấn đề là, làm xong có tạo ra kết quả hay không. Kết quả không có thì dẹp hết lý thuyết đi. Nói ra thêm mắc cỡ!

5.248 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page