top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

GIẢI QUYỂT MÂU THUẪN BẰNG EQ



Đã làm việc hoặc sinh hoạt trong một tổ chức, công ty có liên quan đến nhiều người khác, ta chẳng thể nào tránh khỏi mâu thuẫn. Có điều, ta hoàn toàn có thể chọn “phản ứng” hay “giải quyết” mâu thuẫn. Người phản ứng với mâu thuẫn là người không có EQ. Họ nổi cơn giận dữ, họ bước hung hăng và la lối lớn tiếng. Họ viết email với những lời lẽ cộc cằn, nhạo báng, hâm doạ, thoá mạ người nghe. Trong đời, tôi đã thấy hàng vạn người như thế. Nhớ nhất là một anh người Úc, trưởng phòng pháp lý của công ty cũ. Email anh viết chẳng ai nuốt nổi. Viết email mà cứ như xát muối vào vết thương người khác. Đọc xong email của ảnh, dù không liên quan, cũng đâm ra ghét cay ghét đắng thứ người kiêu ngạo, vô cảm, coi người khác chẳng ra gì. Thật ra khi gặp mặt và nói chuyện trực tiếp, anh là người nói chuyện rất đàng hoàng và rất dễ thương.


Ngày xưa tôi cứ ngỡ ngàng hoài. Làm sao có thể có một con người dễ thương như thế viết những thứ email tào lao như thế? Vậy mà vẫn có. Cái tôi quá lớn đã làm anh luôn phản ứng rất nhất thời. Trong đời, sẽ còn có hàng vạn, hàng vạn cách phản ứng xúc phạm ta như vậy. Nhưng sự việc xảy ra, cách nói, cách phản ứng nhất thời ấy không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc người xúc phạm ta là thứ chẳng ra gì. Họ thật ra chỉ thiếu EQ. Còn ta chọn cách phản ứng lại với cơn giận dữ này bằng một cơn giận dữ khác, hay chọn cách ứng xử có EQ để giải quyết êm đẹp mâu thuẫn lại hoàn toàn phụ thuộc vào ta. Khi chọn cách ứng xử có EQ, người ta thường nhớ đến 3 điều.


Đầu tiên là sự kiên nhẫn. Đây là phẩm chất của người lãnh đạo, luôn tìm hiểu hoàn cảnh sinh ra mâu thuẫn, lắng nghe tích cực, không phán xét, kết tội, đánh gía thông tin, và chẳng bao giờ phản ứng nhất thời. Khi không phản ứng nhất thời, khi có suy nghĩ và suy ngẫm về vấn đề, ta dễ dàng tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách thoả đáng hơn. Lần sau gặp một sự cố mâu thuẫn, bạn thử hít một hơi thở thật dài, mỉm cười, tìm hiểu và lắng nghe không phán xét xem sao nhé.


Thứ 2 là sự khiêm tốn. Con người lớn nhất là cái tôi. Ai lỡ đụng vào đó một miếng là bạn sẽ nhảy đông đổng, la hét, khiêu chiến để bảo vệ cái tôi vừa bị ai đó khẽ chạm vào. Rồi từ đó, bao nhiêu lời lẽ và năng lượng tiêu cực như được đánh trống mở cờ, cứ thế tuông ra. Người có EQ hiểu mình, biết mình là ai và có nội lực mạnh mẽ để tin rằng còn có nhiều cách hay ho hơn, nhẹ nhàng hơn để giải quyết vấn đề. Họ khiêm tốn và chẳng bao giờ đặt cái tôi của mình lên trên người khác.


Cuối cùng, người có EQ là người có khả năng nhận thức. Khi sự việc xảy ra, họ nhìn vấn đề một cách tổng thể, từ cả 2 phía, nhận biết cảm xúc của bản thân và của cả đối tượng gây mâu thuẫn. Daniel Coleman, một nhà nghiên cứu EQ nổi tiếng từng nói, “Nếu không có khả năng quản trị cảm xúc, nếu không hiểu mình, nếu không thể quản trị những cảm xúc tiêu cực, nếu thiếu khả năng thông cảm thì cho dù bạn có thông minh đến cỡ nào cũng sẽ thất bại mà thôi.”


Lần sau, nếu có ai đó ào ào bước đến, chỉ chỏ, la lối hay viết một cái email mà đọc xong chỉ muốn đập nát cái điện thoại, bạn hãy hít thở thật sâu, gõ cửa trái tim hỏi xin lời khuyên của lòng kiên nhẫn, khiêm tốn và nhận thức, lắng nghe ba bạn trả lời trước khi phản ứng thử xem sao.

65 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page