top of page

Hôm bữa khác, hôm nay khác



Một trong những vấn đề lớn nhất của các bạn trẻ là khả năng ghi nhận thay đổi của các điều kiện bên ngoài, tư duy về hoàn cảnh mới để có thể đưa ra giải pháp mới. Khi đặt câu hỏi, tại sao lại làm như vậy, câu trả lời thường là, vì hôm bữa ai đó kêu em làm như vậy. Hôm bữa khác, hôm nay khác, tôi hay trả lời như thế khi nghe cách giải thích này. Đừng nói tới hôm bữa, hồi nãy với bây giờ đã là khác nhau. Trong bối cảnh mọi thứ thay đổi quá nhanh chóng, bất ngờ, và khó đỡ như hiện nay thì, làm gì cũng phải rà lại hoàn cảnh mới nhất, cập nhật nhất, đưa vào những điều kiện mới, những input đầu vào cập nhật tính sát theo từng phút từng giây để biết cần thay đổi linh hoạt như thế nào về giải pháp hay cách xử lý tình huống.


Ví dụ, hôm bữa mình đưa ra giải pháp A vì có 3 điều kiện đầu vào khác nhau. Hôm nay, bỗng nhiên phát sinh nhân tố mới và điều kiện đầu vào là 4. Vậy thì giải pháp có giữ “u như kỹ” không? Nếu có thì phát sinh nhân tố mới đó bạn đang bỏ qua, bỏ lơ, coi như nó không liên quan hay ảnh hưởng gì đến vấn đề bạn đang giải quyết. Bạn nghĩ, cái gì đã đưa ra quyết định rồi thì nó cứ phải y như thế, không cho phép nó thay đổi à? Vậy thì bạn thuộc tuýp cố chấp, không ghi nhận và hội nhập đủ nhanh với môi trường mới, hoàn cảnh mới, điều kiện mới. Cái gì nó xảy ra thì nó đã xảy ra, nghĩa là ta không có cách nào khác để undone - trả nó về trạng thái như chưa có gì xảy ra được cả. Mà nó đã xảy ra rồi thì đương nhiên nó sẽ trở thành tác nhân mới làm ảnh hưởng đến bất kỳ điều gì bạn sắp làm.


Cho nên, mình đâu có cách nào khác là phải tư duy lại, suy nghĩ lại theo yêu cầu của hoàn cảnh mới, rồi hoặc là phải chỉnh sửa, cập nhật giải pháp, quyết định cũ, hoặc là phải tạo ra giải pháp, lựa chọn mới. Cách tiếp cận này, cần rèn luyện trở thành thói quen, để luôn giữ cho bản thân trong tâm thế luôn thích nghi nhanh chóng trong mọi hoàn cảnh và chuyển động rất nhanh, rất hiệu quả theo yêu cầu của hoàn cảnh mới. Ai rèn luyện được khả năng này, sẽ trở thành những người xuất sắc trong bất kỳ điều gì họ làm, vì họ đủ nhạy bén và agile - linh hoạt như nước khi đối diện với bất kỳ hoàn cảnh, tình huống nào. Khả năng giải quyết vấn đề của họ cũng nhờ vậy mà cực kỳ hiệu quả nhờ xác định đúng vấn đề cần giải quyết trong bối cảnh tương ứng.


Hôm nay, chia sẻ với các bạn 3 câu hỏi bạn nên hỏi mình trước khi thực hiện hay giải quyết vấn đề gì. Đây là reality check - kiểm tra tính thực tế của việc bạn sắp chạm vào, để tự nhắc nhở mình cách tiếp cận sao cho sát sườn nhất, phù hợp với môi trường và hoàn cảnh mới nhất cho đến giờ phút đưa ra quyết định. Điều đó cũng có nghĩa là, nếu có chuyện gì xảy ra ngay sau đó nửa tiếng làm thay đổi tình hình, thì coi như mình sẽ tư duy lại từ đầu và đưa ra giải pháp khác liền, chứ không khư khư bám vào quyết định cũ, chỉ vì lười biếng hay cố chấp.

Câu hỏi 1: Cho đến ngay bây giờ, có điều gì, tình huống nào, thông tin dữ liệu nào mới có thể làm ảnh hưởng đến việc mình sắp làm không?

Nghĩ cho kỹ, vì khi bạn thiếu đầu óc quan sát, thiếu cập nhật thông tin, thiếu quan tâm thì câu trả lời rất dễ dàng là không. Tuy nhiên, người xuất sắc và thành công người ta rất nhạy với chuyển biến của môi trường, hoàn cảnh, và điều kiện, vì người ta biết rằng nếu không cập nhật và thay đổi nhanh thì rất dễ thất bại trong thời thế hiện tại. Người ta cũng biết rất rõ là hôm bữa khác, hôm nay khác, và không bao giờ cho phép mình bị trói chặt vào quá khứ, dù quá khứ đó chỉ cách mình có vài chục phút hay một hai ngày. Thức thời là như thế, nghĩa là luôn đặt để mọi chuyện trong hoàn cảnh ngay lúc này, ngay bây giờ, ngay khi đang tư duy về cách giải quyết vấn đề, và giữ cho mình luôn ở trong tâm thế đó. Nếu lỡ đưa ra quyết định xong mà 15 phút sau có biến thì lại phải phân tích, suy nghĩa và quyết định lại, không bao giờ cho phép bản thân lười biếng hoặc cố chấp, nhắm mặt làm đại. Làm vậy, vừa tốn sức, tốn nguồn lực, mà thất bại thì tỷ lệ rất cao, khi không thức thời.


Câu hỏi 2: Thông tin, dữ liệu mới có tác động trực tiếp, ảnh hưởng tức thì hay trong tương lai?

Hỏi câu này để biết, điều kiện gì là tiên quyết, không phản ứng ngay bây giờ không được. Còn nếu nó có ảnh hưởng đến tương lai gần thì mình xử sao, mà ảnh hưởng đến tương lai xa hơn thì mình xử sao. Có những thay đổi bạn cần xử lý liền. Có những thay đổi, có thể tạm thời chưa đưa vào phễu phân tích hôm nay, để quyết định cũ vẫn có thể triển khai, chuyển động cho nhanh, rồi ngay sau đó, mới đẩy điều kiện mới vào chuẩn bị cho quyết định tiếp theo, giai đoạn tiếp theo, tránh không làm chậm tiến độ thực hiện. Cho nên ghi nhận là một chuyện, xử lý thế nào thì cần quyết định dựa trên mức độ ảnh hưởng của thông tin, dữ liệu mới đối với tình huống. Đừng máy móc và công thức, chuyện gì cũng rối lên thì cũng không giúp gì được cho ai. Tiếp nhận, phân loại, đánh giá thông tin xong thì mới bình tĩnh phân tích xem mình nên làm gì với thông tin này, theo mức độ ảnh hưởng gấp và quan trọng của nó đến vấn đề đang cần giải quyết.

Câu hỏi 3: Nếu ảnh hưởng mang tính tức thì, tôi cần tổ chức họp khẩn với những ai để đưa ra quyết định mới?

Khi đã xác định thông tin, dữ liệu mới có ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới quyết định bạn sắp đưa ra hay công việc bạn sắp triển khai thì việc đầu tiên và cần thiết nhất bạn nên làm là hội ý nhanh, phân tích cùng team và đưa ra quyết định mới. Bất kỳ quyết định nào cũng ảnh hưởng tới nhiều người, cho nên không chia sẻ, trao đổi, cùng bàn bạc và đưa ra quyết định thì làm sao có thể có được quyết định khách quan nhất, hiệu quả nhất, đồng thời được mọi người ủng hộ để có thể triển khai nhanh nhất? Một trong những kỹ năng quan trọng của thời đại này là kỹ năng collab - cộng tác, và không chỉ dừng lại ở cộng tác mà còn phải cộng tác trong bối cảnh bất định, mọi thứ thay đổi quá nhanh chóng đòi hỏi con người phải cực kỳ linh hoạt. Mantra - câu thần chú cần thiết phải nhớ trong mọi tính huống là, “Hội ý & xử lý ngay khi có biến”. Đừng ngồi đó lừng khừng, sàng qua lượn lại hay đứng im chờ người khác lên tiếng. Có biến là phải ứng biến liền thì mới chuyển động kịp với thời thế này. Chậm chạp và ù lì sẽ là tội ác đối với đội ngũ và tổ chức.


Thật ra, đây thực chất là tâm thế, chủ động và linh hoạt ứng biến trong mọi trường hợp. Hôm bữa khác, hôm nay khác. Đừng để cho bản thân rơi vào vùng “giải thích” thì là vì tại bị thế nọ thế kia mà việc không xong và kết quả không thấy đâu. Giải thích, biện minh, đổ thừa là phẩm chất của những kẻ không hiệu quả và thành công. Vậy nhé!

3.145 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kommentare


bottom of page