top of page

IT IS NOT WHAT IT IS



Phải vậy vậy vậy đó chị


Tôi hay nghe câu này từ rất nhiều nhiều bạn trẻ và không mấy trẻ tại Việt Nam.


Ủa tại sao phải vậy vậy vậy em?


Ai bảo phải vậy vậy vậy em?


Chưa bao giờ trong đời tôi chịu khuất phục, cúi đầu chấp nhận phải vậy vậy khi chưa thử cách nào khác tốt hơn. Một là bỏ chạy khi phải vậy vậy, vì ở lại cũng vô dụng, không đóng góp hay thay đổi được gì. Hai là Nothing has to be what is - Trên đời này không có gì phải là như thế. Luôn có cách làm mới hơn, tốt hơn, sáng tạo hơn, hay ho hơn. Người chưa nghĩ, chưa ideate - đưa ra ý tưởng đã giam mình trong ngục tù tư duy ai đó xây sẵn, chấp nhận phải là như thế là người bị fixed mindset - tư duy đóng. Khi đã rơi vào vùng xám này, họ như con bot, chỉ lặp đi lặp lại những thứ người khác đã làm, không hiểu tại sao nhưng cứ trói mình bằng những qui định người khác đặt ra, và quăng luôn khả năng khiến người khác robot - khả năng sáng tạo.


Ngày xưa tôi có ông Sếp và cũng là mentor, người kiểu không gì là không thể. Nhờ vậy mà team quốc tế chỉ có 8 đứa quản lý 70 quốc gia mà làm như chơi, làm việc hiệu quả, ăn ý, chưa bao giờ xem vấn đề là vấn đề. Sếp tính tình trầm tĩnh, hoà đồng, luôn lắng nghe, xây dựng văn hoá mở cho mọi người tha hồ sáng tạo. Ông chỉ có 1 nguyên tắc không ai được vi phạm, là không được nói câu It is what it is - Chịu thôi, chuyện đã là như thế. Sếp nói, đây là câu chót lưỡi của kẻ lường biếng, chưa làm gì đã cam chịu, cúi đầu khuất phục trước những vấn đề đang xảy ra trước mắt. Khi tư duy và thể hiện tư duy đóng như vậy rồi, đương nhiên bạn mất hoàn toàn khả năng sáng tạo.


Mà các bạn thấy quen không? Đó có phải là cách chúng ta đang bị giáo dục? Ngồi im, lắng nghe và chấp nhận một chiều, it is what it is? Đó cũng là lý do vì sao chúng ta đang có những thế hệ lơ ngơ, không biết làm gì với bản thân, công việc chỉ đâu làm đó thiếu tư duy, suy nghĩ. Làm gì cũng chỉ nhìn được 1 việc trước mắt, phải vậy vậy, không nghĩ được xa hơn, dài hơn, rộng hơn, mới hơn. Đụng chuyện nhỏ xíu làm toáng lên. Gặp vấn đề chuyện đầu tiên làm là bỏ chạy, đùn đẩy, lắc đầu it is what it is, quýt làm cam chịu.


Khoan hãy nói về công cụ để giải quyết vấn đề và sáng tạo. Chúng ta là loài đi săn công cụ về chất một đống trong não nhưng không có biết xài. Bắt đầu từ việc thay đổi tư duy cam chịu bằng tư duy mở, tư duy kiến tạo, tư duy nothing has to be what it is - không có thứ gì cứ phải là như thế cả. Rèn luyện là cả một quá trình cần thực hiện hàng ngày khi nghe ai đó phát biểu gì, khi gặp vấn đề phát sinh, lùi lại bình tĩnh hỏi mình 3 câu:

1. Cái gốc của vấn đề là từ đâu ra? 2. Vấn đề có phải là vấn đề? 3. Ai là người bị hại và hưởng lợi từ vấn đề này?


100 lần thì chắc phải đến 99 lần it is NOT what it is, chỉ là sự thổi phồng, drama, rảnh rỗi sinh nông nỗi của một ai hay một nhóm người nào đó. Vậy, rồi không lẽ đâm đầu đi giải quyết toàn chuyện không như có trong khi thế giới này còn rất nhiều chuyện có như không mà thôi? Nếu cho bản thân cơ hội phân biệt có không, cơ hội nhìn vấn đề đa chiều, luôn có cách giải quyết, không có gì phải vậy vậy hết, thì cuộc đời sẽ bớt bế tắc, bớt drama, bớt những ưu phiền không ai mướn tự rước vào, bớt hoang mang với cảm giác bị bủa vây bởi ngàn vạn vấn đề không như có.


It is NOT what it is!

34 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page