Từ khi thế giới xông vào thời kỳ gọi là cách mạng 4.0, chuyện kiếm người này, like người kia, ping người nọ trở thành dễ như cơm bữa. Nhưng cuộc cách mạng về sự dễ dàng bằng cách mang người ta lên mạng, phơi bày đời ra cho nhau và đẩy còm theo thời gian thực có tạo ra hệ quả về một cuộc cách mạng kết nối hay không? Câu trả lời chắc phải nên bắt đầu bằng câu hỏi “Như thế nào là kết nối?”
Vì cả đời ngụ ở trên mây, có lẽ định nghĩa kết nối của đa số ngày nay là có làm gì đó nhau trên mạng, ví dụ như là bấm follow, view một cái livestream, thả một câu còm, hay bấm mặt cười mặt khóc. Khi kết nối có thể tiện lợi và dễ dàng như thế, không cần phải biết nhau, người ta kết nối ngày càng rộng, độ phủ ngày càng cao. Ngày xưa tính bằng trăm trong friend list, ngày nay tính bằng ngàn ngàn. Định nghĩa về kết nối trên bề mặt và đo bằng độ phủ đó làm cho người ta visible - hiện nguyên hình rõ hơn trên mạng, được nhiều người biết đến, có thể trở nên nổi tiếng, và cũng bắt đầu bị chia phe kẻ ghét người thương. Tình cảm bây giờ rẻ lắm cơ, đu theo mood và độ to của miệng mỗi ngày. Dần dà, dù chẳng hiểu gì nhau, người ta phán như đúng rồi về một người mình chưa bao giờ gặp mặt. Dần dà, người ta học cách thao túng đám đông bằng tính giải trí của mình trên mạng. Dần dà, người ta tưởng những kết nối hời hợt đó chính là đồng đội, bạn bè, người thân, đồng môn, tín đồ, vv, cho đến khi họ trở mặt….
Nếu kết nối được tính bằng số lượng người lướt lướt và bấm bấm, tại sao con người lại ngày càng cô đơn, không tìm ra người chia sẻ, không kiếm được ai để kể câu chuyện thật của mình? Tại sao người ta vẫn sợ hãi khóc một mình trong bóng tối? Tại sao trầm cảm lại là căn bệnh thời đại quẩn quanh trong mỗi cuộc đời? “Cô ơi cứu con!”, “Chị ơi cứu em!”, tôi nhận không biết bao nhiêu là tin nhắn hoảng hốt như thế, về những ngổn ngang, ngõ cụt trong quan hệ kết nối với chính gia đình, với chính người thân, với chính bạn bè và xã hội quanh mình của rất nhiều bạn trẻ. Tại sao?
Độ phủ về kết nối cuối cùng có làm cho người ta cảm thấy gần hơn, thuộc về, an toàn, ấm áp? Hay nó chỉ là chỉ số thi đua của những linh hồn cô độc, muốn show ai nhiều follow hơn ai để trấn an chính bản thân mình? Độ phủ được sử dụng như liều thuốc an thần rằng ta được quan tâm, rằng ta có yêu thương, rằng ta không một mình. Cho đến khi người ta nhận ra, một mình không phải là một mình, một mình khi là đứng giữa cái chợ xôn xao ở trên kia nhưng kiếm mãi không có lấy một người tâm sự….
Trái ngang thay, kết nối thật, người chia sẻ thật, có khi lại là người có hay không có kết nối điện tử, chẳng bao giờ còm, có vẻ như không thực hiện động tác tương tác nào ở trên kia. Họ chỉ ở đó, dõi theo, và xuất hiện ngay khi nhận được cuộc điện thoại hay một tin nhắn rất cá nhân, rằng người họ quan tâm cần được giúp. Kết nối thật, là ba ngàn năm không thấy like, nhưng thỉnh thoảng nhắn nhẹ “Ổn không?” Kết nối thật, là khi người ta gọi nhau uống ly cà phê, tách trà, chai bia, hỏi chuyện nhau, chẳng vì điều gì khác cả. Kết nối thật không cần khoe trên mạng, không có nhu cầu tag, không ngồi đếm lượt like. Nếu đó là kết nối thật, mỗi chúng ta có hay không, có một hay hai, và tưởng có hay thật sự luôn là có?
Câu hỏi nhỏ, nỗi đau to, mong ước xa, kết nối gần. Có khi, kết lại của 2021 là trở về hỏi nhau những điều đơn giản nhất.
コメント