top of page

KỸ NĂNG CƠ BẢN & QUAN TRỌNG CHO TƯƠNG LAI NGHỀ NGHIỆP



Có lẽ bạn đã nghe rất nhiều về tương lai bất định, về sự sàn lọc và sắp xếp nghiệt ngã của tương lai nghề nghiệp, về cú bẻ cua cực gắt đối với hành trình sự nghiệp của tất cả những ai đang hay sắp dính dáng đến tuổi đời lao động. Dù thông tin bạn nghe là gì, đáng sợ, đáng lo, đáng suy nghĩ đắn đo hay đáng phủi tay làm lại, chia sẻ này là dành cho bạn, định hướng thành cái bản đồ thôi, rồi sau đó bạn phải tự mình đánh giá xem. mình có gì thiếu gì, đang ở level nào trong từng kỹ năng, rồi tự đi tìm cách mà đổ xăng cho đầy bình để còn chạy đường dài trên hành trình tương lai nghề nghiệp phía trước.


Nếu là công ty, tổ chức đang vận hành, thì bản đồ phát triển con người hiện có nên được vẽ lại để bao gồm những kỹ năng quan trọng này, và cũng nương tựa vào đó mà upskill hay reskill cho nhân sự. Còn đới với các bạn sinh viên, thiết nghĩ các trường nên xây môn này, gọi là môn bắt cầu cho future of work - tương lai nghề nghiệp, để chuẩn bị các em sẵn sàng về cả tâm thế lẫn kỹ năng trước khi ra đời, bước vào, hội nhập, và trở nên productive - làm việc hiệu quả trong môi trường làm việc.

Bộ kỹ năng thứ nhất - Digital Business Skills - Kỹ năng làm việc số cơ bản

Dù ở trong môi trường nào, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức mà bạn đang tham gia vào đang và sẽ trở thành doanh nghiệp số. Điều đó là không thể tránh khỏi, không thể trốn tránh hay delay gì hết. Covid xong thì cả làng cả xóm nhà nhà đều chuyển đổi số, không phải vì thấy nó hay quá mà là do nó mang tính sống còn. Mình không làm không cạnh tranh và sống nổi với thị trường. Vậy thôi chớ cũng chẳng có gì lung linh hết. Mà khi đã, đang và sẽ chuyển đổi, thì thứ khó nhằn nhất trong chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy nhân sự, làm sao để mọi người đồng tâm ủng hộ, hào hứng sử dụng ứng dụng các công cụ và nền tảng số, và đương nhiên là phải học cách sử dụng chúng một cách thông thạo và hiệu quả. Đây có thể nói là ưu tiên hàng đầu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất lao động của từng cá nhân và tập thể.


Song song đó, để có thể chuyển sang tư duy làm việc mới, đội ngũ cần được học những cách tiếp cận và kỹ năng làm việc mới bao gồm khả năng linh hoạt (agility), khả năng thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh và môi trường mới (adaptability), và đặc biệt trong tương lai bất định của thay đổi là hằng số thì complex problem solving - khả năng giải quyết các vấn để phức tạp. Để giải quyết vấn đề thành công, the secret sauce - loại sốt bí mật cho thành công này chính là collaboration - khả năng cộng tác.

Bộ kỹ năng thứ 2 - Phẩm chất người

Khi cộng cụ số chất đầy kho và khi người và máy hợp tác trong công việc thì vấn đề không còn nằm ở máy nữa, mà nằm ở người. Muốn giải quyết vấn đề, muốn cộng tác thành công, muốn làm việc linh hoạt và thích nghi nhanh với sự thay đổi quá nhanh quá nguy hiểm của hoàn cảnh, cách tốt nhất là trở nên rất người và rèn luyện được những phẩm chất rất người. Con người sinh ra không hề có sẵn phẩm chất người. Muốn người là phải học và rèn luyện. Nếu không thì phần con nó sẽ lấn lướt mất thôi. Vì vậy, đặc biệt quan trọng cho sự chuyển đổi thành công của bất kỳ công ty, tổ chức nào là tập trung người hoá đội ngũ của mình. Vậy, những phẩm chất người quan trọng nhất cho tổ chức là gì?

Đầu tiên hết là trust - khả năng xây dựng niềm tin. Người ta không tin nhau thì chẳng ai làm việc được với nhau. Cá nhân không tin nhau thì cả tập thể đó hết phim, vì ai cũng thủ thế và lo đấu đá chứ chẳng ai xông pha vào cùng suy nghĩ cùng làm, cùng thất bại thành công với nhau. Văn hoá mà đã không “trust” thì mọi thứ đang làm đểu sẽ kém hiệu quả vì ba chuyện bên lề. Tiếp theo là khả năng thấu cảm - empathy. Đây là bước đầu tiên trong việc thiết kế bất kỳ trải nghiệm gì, dù là trải nghiệm cho khách hàng, cho nhân viên, cho đối tác, hay cho nhau. Nếu thiếu đi phẩm chất rất người này, người ta sẽ chỉ quen chỉ thẳng mặt nhau đùn đẩy, đổ thừa, kết tội chứ chẳng bao giờ chịu đứng trong đôi giày của người khác để nhìn từ góc nhìn của họ. Thiếu thấu cảm, khó mà đội ngũ có thể cộng tác tốt.

Trong thế kỷ này, người chỉ còn khác máy ở mấy điểm thôi, thông cảm thấu cảm cho nhau, cộng tác với nhau, không phân biệt người này kẻ kia vì ai cũng có thể đóng góp vào hành trình sáng tạo. Thật ra, nhân sự càng ở tuyến đầu càng sáng tạo tốt hơn vì họ tương tác với khách hàng nhiều hơn, hiểu khách hàng sâu hơn, hiểu về các nút thắt cổ chai tốt hơn team ngồi phòng giấy. Cho nên, một trong những phẩm chất sẽ giúp cho tổ chức sáng tạo từ gốc rễ là inclusiveness - welcome tất cả mọi người dù ở bất kỳ vị trí nào trong tổ chức vào hội sáng tạo và phát triển tổ chức. Khi chính nhân sự tuyến đầu trở thành những người thúc đẩy và nắm giữ sự sáng tạo, nhiều phát kiến hay ho, mới mẻ, hiệu quả sẽ sản sinh từ khắp các góc nhà tổ chức. Điều đó sẽ tạo ra sự chuyển đổi lớn nhất cho chính tổ chức.


Cuối cùng, trong mọi sự thay đổi quá nhanh do hoàn cảnh thị trường, do tác động đại dịch hay do tương lai số, sợi dây quan trọng để kết nối mọi người lại với nhau, giúp cho tất cả hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu kịp thời để cùng chuyển động về điểm đến với nhau là communication - kỹ năng giao tiếp. Giao tiếp trong thời kỳ hỗn loạn, thay đổi hàng giây, chuyển đổi theo thời cuộc này là thứ vũ khí lợi hại nhất. Ai làm được chuyện này tốt thì lãnh đạo tốt. Ai master môn này thì công ty, tổ chức sẽ chuyển động cùng nhau thành một khối thống nhất thay vì xác một nơi hồn một nẻo. Có thể nói, khi đội ngũ quản trị, lãnh đạo mà có kỹ năng giao tiếp tốt thì công ty, tổ chức đó sẽ phát triển nhanh và hiệu quả hơn gấp cả chục cả trăm lần so với những tổ chức mơ hồ, hoang mang, kém minh bạch, thông tin tung toé.

Bộ kỹ năng thứ 3 - Kỹ năng lãnh đạo thời đại mới

Khi thời thế thay đổi, hành vi thay đổi, cách tiếp cận thay đổi thì đương nhiên kỹ năng của người làm lãnh đạo cũng phải thay đổi. Nếu không, thì bạn đã vừa trở thành người lãnh đạo lỗi thời. Nếu cứ top down - trên kêu sao dưới làm vậy, nếu cứ khư khư giữ hết quyền quyết định về mình, không tin tưởng ai có thể công tác và đưa ra quyết định cùng mình, nếu cứ gom cả đám vào xử chung 1 cách thì xong phim rồi. Làm một thời gian chắc nhìn lại chỉ còn kẻ bất tài, xu nịnh và lơ ngơ xung quanh mình. Người giỏi, người có năng lực, người tài sẽ bỏ chạy hết. Vậy, gọi là nhà máy xay xát chứ không phải tổ chức, công ty. Dù tại Việt Nam việc trao quyền, tin tưởng không phải dễ, nhưng lãnh đạo cần biết nhìn người, cho họ phạm vi thử nghiệm và lớn lên dần theo các quyết định của mình. Nếu cứ cột chân gà quanh cối xay hoài thì sớm muộn gì con gà nó cũng mai một dần về tinh thần và cả khả năng. Vậy thì đâu là những kỹ năng thời đại mới mà một người lãnh đạo cần nắm bắt?

Thời này là thời của personalization - cá nhân hoá, khách hàng cũng thế, nhân sự và đội ngũ cũng thế. Nếu không biết cách quản trị và phát triển từng con người trong tổ chức như một cá nhân thì khó mà có thể đưa họ chạm vào tiềm năng vô giới hạn của mỗi con người. Nuôi binh ngàn ngày, dụng binh một giờ là như thế. Người lãnh đạo cần hiểu bàn cờ tương lai của mình cần những quân cờ gì, rồi nuôi quân cho bàn cờ ấy. Chớ khi cần đào ở đâu ra? Cho nên, dù là khách hàng, đối tác, hay nhân sự, cũng cần kỹ năng quản trị cá nhân hoá, với hành trình phát triển sự nghiệp riêng của từng người, từng cá nhân, từng vị trí, từng thời điểm.

Mà đã cá nhân hoá, thì trong bối cảnh thay đổi chóng mặt của thị trường và thế giới, sếp học và thay đổi còn muốn gục ngã, làm sao đội ngũ của bạn chạy theo cho kịp? Do đó, rất cần người lãnh đạo mới phải có khả năng, kỹ năng coaching - cố vấn, huấn luyện nhằm nâng cao hay cung cấp kỹ năng mới cho đội ngũ của mình. Ai làm sếp mà không có kỹ năng cố vấn, mentor, huấn luyện và không thường xuyên làm việc đó với đội ngũ của mình thì người đó thở ra rêu. Đừng đổ hết cho phòng huấn luyện. Bây giờ nó là trách nhiệm của bạn đó, nếu bạn còn là lãnh đạo.


Bao nhiêu đó sự thay đổi về tư duy, thói quen, cách làm, cách tiếp cận, thật ra là cực khó trong cái thế phải làm 1001 việc để đối phó, ứng biến với những thay đổi hậu Covid. Nhưng vì khó, nên nó chính là thứ sàn lọc và chứng tỏ sự khác biệt của một lãnh đạo giỏi, một nhà quản trị xuất sắc. Nếu không, và nếu cứ bảo thủ, cứ bổn cũ soạn lại thì, bạn và tổ chức của mình sẽ được một phen chìm dần vào quá khứ đã hư hao….




9.380 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Ngày hết hạn

bottom of page