Có lẽ do cuộc sống ngày càng dễ dàng hơn, nên tình thương của các bậc phụ huynh tập trung vào lo làm sao cho con đường phía trước của con cái mình dễ dàng nhất có thể. Nghĩa là đi lấy xẻng cào bằng mọi khó khăn có thể xuất hiện đâu đó trước mắt để con đường của con cái bằng phẳng, dễ dàng, sung sướng hơn cái thời quá sức cực khổ của mình. Vậy nên, chúng ta có những thế hệ tiếp nối đã quen với sự bằng phẳng do ai đó cào giùm. Họ không được chuẩn bị để chấp nhận sự gập ghềnh. Và đó là những thế hệ đang trong hay bước vào độ tuổi lao động. Họ không có kỹ năng và tâm thế để đối diện với gian nan, khó khăn, thử thách. Họ nói hay, nghĩ nhiều, nhưng kêu làm đi thì loay hoay, vì trước giờ có người cào sẵn cho mình hưởng rồi, đâu có phải tự làm gì đâu.
Khi đặt một câu hỏi, cái này làm sao cho nó được vầy em, tôi thường được nghe giảng một bài dài về lý thuyết. Có khi còn kiên nhẫn thì tôi ngồi nghe, có khi mất kiên nhẫn thì cắt ngang, rồi trả lời, “Làm đi rồi nói.” Nói cái gì cũng dễ. Lý thuyết google là ra. Nhưng sự khác biệt giữa người giỏi và kẻ không, it’s all about execution - tất cả nằm ở chuyện thực tế triển khai. Khi dấn thân vào làm, dù chỉ là pilot - thử nghiệm, người ta mới hiểu ý tưởng “xuất sắc và đầu tiên trên thế giới” của bạn có thực tế không, có làm được không, có cần hiệu chỉnh khoảng 98% để cho nó thực tế hơn không, có bị stuck giữa chừng không, bị stuck thì phải làm sao hay phải thay đổi cách tiếp cận, vv và vv. Nói chung là, làm đi rồi nói. Không bắt tay vào làm, không biết thực hư ra sao, thì đừng ngồi đó nói những thứ cao siêu vô nghĩa.
Cuộc đời, không ai có thể được bảo bọc và dọn đường giùm mãi được. Trước sau, bạn cũng sẽ bị đời đập cho vài cú. Chờ đến khi đó thì đã muộn, vì bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái chán nản, thất chí, bất công, rơi vào cái bẫy mình là nạn nhân của cả thế giới này, nhất là tại công sở. Vì không được rèn luyện để đối diện với gian nan, bạn thường xuyên phàn nàn, cau có, đổ thừa, và thường xuyên bỏ chạy. Không như ý thì bỏ chạy. Không như mình tưởng thì bỏ chạy. Không làm được cũng bỏ chạy. Chuyện gì cũng là lỗi của đời, không liên quan gì đến mình. Bỏ chạy cả đời như vậy đền khi nào thì hiểu ra vấn đề là chính mình? You are the problem, not anyone else, not anything else.
Cho nên, nếu muốn tránh hành trình bỏ chạy chuyên nghiệp này, nếu muốn tự mình xây dựng thành công trong tương lai, nên thử vài thứ khác đi xem sao.
Học làm, đừng chỉ học lý thuyết: con đường bạn đang đi qua, đã có rất nhiều người đi qua. Trước hết, nên học hỏi, làm thử theo cách của họ. Sau khi hiểu rõ rồi, tự mình làm được rồi, thì mới có thể sáng tạo và tìm ra những cách tiếp cận tốt hơn, mang tính tái định nghĩa hơn. Hiểu còn chưa hiểu, tay còn chưa chạm thực tế một lần, chưa làm thiệt bao giờ thì nói gì chuyện dụng binh trên giấy? Cho nên, cứ phải cúi đầu xuống, cắm mặt vào làm đã. Làm được, không được, có đủ trải nghiệm thực tế rồi hãy nói. Làm chính là học. Chỉ có làm mới hiểu cần học gì và học xong thì ứng dụng ra sao.
Đừng thuyết giảng khi bản thân chưa bao giờ làm thử: con người hay lắm, chưa làm vẫn có thể nói như đúng rồi. Càng không hiểu, càng thiếu kinh nghiệm trải nghiệm, càng nói toàn thứ hay ho, cao siêu. Người đứng ngoài coi như coi phim, chưa đụng tay chạm chân bao giờ, muốn nói gì, giả định gì, suy luận gì chả được. Sorry nha. Làm ơn đi. Ngậm miệng lại, dấn thân vào làm thử đi coi nó khó như nào. Làm được rồi hãy nói. Đừng đi thuyết giảng bằng những ngôn từ trống rỗng. Nói ai nói chả được.
Practice makes perfect - Rèn luyện là cách để trở thành bậc thầy: đừng làm tiến sỹ giấy khổ lắm. Lý thuyết nó cách xa thực tế mấy triệu năm ánh sáng. Logic là, càng dấn thân, càng làm, càng gặp nhiều vấn đề, càng tìm ra nhiều cách giải quyết vấn đề, càng thấy cần cải tiến, càng cải tiến sáng tạo và ứng dụng, người ta càng vỡ ra, vỡ ra và càng làm nhiều hơn, nói ít hơn. Không ai học một khoá thành thầy. Không ai chưa có kinh nghiệm mà thành sếp, tư vấn, cố vấn, mentor…. Mình chưa làm được mà dạy ai? Chỉ có làm mới hiểu hành trình nó gian nan, khúc khuỷu ra sao. Chỉ có trải qua mới biết cần hướng dẫn thế nào.
Vậy đi nha. Chỉ cần thay đổi cách tiếp cận chút vậy thôi. Cuộc đời bạn rồi sẽ khác, đỡ làm người khác nản và cũng tránh tự làm cho bản thân mình nản. Được hay không là tại mình. Thành công hay không là do mình. Đời, dù có bao nhiêu người xúm vào cào bằng con đường cho ta, cũng chỉ được một đoạn thôi. Con đường sau đó nó vẫn cứ gập ghềnh, có khi còn gập ghềnh hơn khi tâm thế ta chưa sẵn sàng đối diện.
Comments