top of page

Làm sao để biết bản thân mình có giỏi không?

Đã cập nhật: 28 thg 7, 2021




Em viết cho tôi một tin nhắn thật dài, chia sẻ nhiều lắm, và kết luận là, em biết cô bận lắm không đọc được tin nhắn này, nhưng em cứ viết, giống như là nói ra được nỗi lòng mình với ai đó. Chung qui, em đang nghi ngờ bản thân mình, rằng mình không đủ giỏi, rằng mình chưa đủ sẵn sàng, rằng mình dân tỉnh, học trường tỉnh lẻ liệu có đủ năng lực để chọn ngành mà em muốn học, tại trường đại học mà em muốn học. Và câu hỏi chính của em là, làm sao để biết bản thân mình có giỏi hay không.

Trời ơi, chưa học nữa mà đã nghi ngờ bản thân không đủ giỏi. Giờ, lấy trải nghiệm của một người Việt học trường làng nhưng đã làm việc xông pha tại hơn 120 quốc gia ra trả lời nè. Ngày xưa, trước khi ra khỏi Việt Nam, mình cũng đã từng sợ mình không đủ giỏi để cạnh tranh lại với các bạn cùng lớp, rồi đồng nghiệp tại những quốc gia phát triển hơn. Rồi sau nhiều năm đi học, đặc biệt là đi làm thực tế ở nhiều quốc gia, mình chợt nhận ra, à thì ra chẳng liên quan gì đến việc mình sinh ra ở đâu, học trường nào. Ai trên đời cũng giỏi như nhau, có khả năng như nhau, có cơ hội bằng nhau. Lỡ sinh ra ở nơi lạc hậu hơn thì mình cố gắng hơn người ta một chút để bắt kịp thôi. Chớ cuộc đua về tương lai không phân biệt giới tính, dân tộc hay xuất phát điểm. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa người giỏi và người không, người làm được kẻ không tới đâu, người thành công kẻ loay hoay cả đời là nằm ở ba từ khoá như sau:


1. Tự tin

Self-doubt - không tin vào bản thân là thói quen của con người. Ta sinh ra trong một thế giới quá trời điều mới lạ và quá trời thứ phải học, nên ta nervous - có hơi run, hơi sợ mình chưa hiểu được, hiểu đủ. Thêm vào đó, xã hội dán nhãn dân tỉnh dở hơn dân thành phố, trường tỉnh tệ hơn trường thành phố, dân tỉnh nhà quê, lạc hậu, vv. Và những cái khung về niềm tin này được truyền bá rộng rãi, được xã hội chấp nhận như sự thật, và được nhồi nhét vào đầu của mỗi người. Thế là bạn tin vào đó. Thêm nữa, người xung quanh, ba mẹ, anh chị em, bạn bè, vv, ai đó lỡ nói một câu kiểu “Nghỉ ở nhà làm ruộng đi. Học gì nổi mà học.” Niềm tin mình tệ, mình dở thế là càng được gia cố mạnh mẽ thêm. Đã thiếu tự tin, lại ngày càng thiếu tự tin bởi những gì người xung quanh phát biểu. Khi những gì mình tiếp nhận trở thành niềm tin của bản thân, bạn đương nhiên tự cảm thấy mình dở hơn, không xứng đáng, không đủ năng lực, vv. Đó chỉ là mới nhắc đến một khía cạnh. Còn hàng ngàn thứ khác mà xã hội đặt để sẵn và bạn tiếp nhận như sự thật. Dẫn đến hệ quả là bạn mất tự do, mất tự chủ, không dám tự đưa ra bất kỳ lựa chọn hay quyết định nào cho bản thân mà chỉ nghe theo những gì người khác nói, nghe theo bộ qui tắc dày cộm mà xã hội đã đè lên người ta ngày ta mới chào đời. Nếu bạn đọc bài này, bạn sẽ hiểu là còn có một niềm tin khác bạn có thể chọn tin vào, đó là con người ai cũng có tiềm năng như ai. Khác chăng là người hiểu được và tự tin xông ra khám phá thế giới, năm bắt cơ hội, người sợ hãi trốn trong cái vòng an toàn do người khác vẽ ra, và cả đời không hiểu bản thân mình là ai, có khả năng gì, và hành trình trải nghiệm mọi cung bậc cuộc đời nó hào hứng ra sao.


2. Dấn thân

Sự khác biệt thứ hai giúp bạn thành công trong đời là lựa chọn dấn thân. Không ai ngồi một chỗ mơ màng, suy tư, vẽ vời trong đầu mà tự nhiên thành công cả. Không có con đường nào không gập ghềnh. Làm gì cũng có khó khăn, có thử thách, có lúc lên voi xuống chó. Nhưng chính trong hành trình dấn thân đó, người ta học được nhiều bài học, học tiến lên và lui lại, học cho đi và nhận lãnh, học gỡ bỏ mặt nạ và trở về với chính mình, vv. Không có bước đầu tiên sẽ không có bước thứ 2, thứ 3. Không dấn thân sẽ không có con đường. Đời này, là, gì có thứ gì mà nó bày biện sẵn ra hết cho ta. Đời này, làm, gì có kế hoạch nào là hoàn hảo, đúng y như dự định ban đầu. Đời này, đi 3 bước còn chưa chắc nó sẽ ra sao, huống chi là nghĩ hết một đoạn đường. Cứ phải bước vào, đi, tìm đường, đối diện với những thử thách phát sinh trên đường, thử và thử lại cho đến khi nào được. Đừng ngồi đó đạo diễn phim bộ, rồi tưởng tượng lung tung. Sự thật chỉ hiển hiện với người chọn dấn thân. Câu chuyện họ trải qua, cuộc đời họ sống, việc họ thật sự cày lên bờ xuống ruộng mỗi ngày mới là bộ phim hay nhất - based on a true story - dựa trên chuyện đời có thật.


3. Kiên định

Ai nói đời này chỉ có thành công không có thất bại? Ai dám nói vậy là sạo hết. Hành trình của một con người, luôn là sự đan xen của chuyện làm được và chuyện không làm được, tại mọi thời điểm. Không phải trẻ là thất bại hết, gìa là thành công hết. Cũng không phải là ngược lại. Ở thời điểm nào, con người cũng làm nhiều thứ khác nhau. Có chuyện được mà cũng có chuyện vì nhiều lý do không được. Vậy, là lẽ thường tình. Được thì mình vui, mình ăn mừng. Không được thì mình gãi đầu gãi tai tìm hiểu coi tại sao không nó không thành. Rồi mình không có bỏ cuộc đâu. Mình rà lại coi nó hỏng ở đoạn nào. Rồi mình tìm ba vạn tám ngàn cách khác để thử lại. Đời này, làm hoài học hoài. Không làm chẳng học được thứ gì mới. Nhưng đừng có uốn éo uỷ mỵ như cảm xúc của phim Hàn Quốc. Không được là chuyện thường. Mà được cũng là chuyện thường. Quan trọng là tiếp tục tiến về phía trước. Ai ngồi đó kẹt vào thành công thất bại rồi cũng bị bỏ lại phía sau. Chỉ có người kiên định, hồn nhiên không quan trọng bại thành, cứ tiếp tục dấn thân, cứ tiếp tục hành trình mới là người về đến đích.

Vậy ha. Giờ bạn biết bản thân có giỏi hay không rồi đó. Tự mình đưa ra lựa chọn và quyết định đi. Cứ tự tin, cứ dấn thân, cứ kiên định và have fun - vui vẻ tận hưởng hành trình mình đã chọn.

24.926 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kiếp tử tế

bottom of page