top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

MỌI THỨ ĐỀU OK, TRỪ SẾP!



Không biết đã bao lần tôi nhận tin nhắn từ các bạn đang đi làm phàn nàn về sếp của mình. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng chung qui câu chuyện sẽ là, sếp thế này thế nọ thế kia và bạn lúc nào cũng phải dè chừng, đối phó sếp. Giá như không có sếp thì mọi chuyện tại công sở có lẽ sẽ hoàn hảo hơn rất nhiều với bạn. Thật ra thì, lắng nghe câu chuyện của bạn về sếp là một nửa của câu chuyện. Mình là con người mà, đương nhiên khi kể chuyện sẽ phải kể làm sao cho lẽ phải nó nghiêng về phía mình, và đôi khi sẽ cường điệu hoá hoặc drama hoá cậu chuyện một chút để cảm thấy mình là nạn nhân. Do đó, khi đọc những chia sẻ này, thường thì tôi giữ thái độ trung lập và khách quan, vì một vài lời chia sẻ không bao giờ đủ để có thể đánh giá một con người. Và thường thì, tôi sẽ đặt lại vài câu hỏi cho người hỏi, để giúp các bạn tư duy một cách khác đi.


Một vấn đề, khi nhìn từ những góc cạnh khác nhau nó sẽ rất khác nhau, chủ quan và khách quan đã khác rồi. Cho nên, nếu đã học khoá EI@work - Trí thông minh cảm xúc cho người đi làm, có lẽ bạn sẽ hiểu hơn về cách cảm xúc vận hành, hiểu về thiên kiến định kiến làm ảnh hưởng đến cách con người suy nghĩ, hiểu về cách não tự kích hoạt ngòi nổ cảm xúc từ những dữ liệu cảm xúc quá khứ, vv. Nếu chưa học và chưa hiểu những điều này, tôi thật lòng khuyên bạn nên quay lại và học cho hết khoá EI@work trước đã, vì đó sẽ là nền tảng giúp bạn hiểu hơn về cách quản trị cảm xúc bản thân và quản trị được quan hệ cảm xúc với mọi người xung quanh. Còn bây giờ, tôi sẽ đặt 3 câu hỏi để giúp bạn nhìn mọi thứ từ một góc nhìn khác, thử xem nó có giúp bạn suy nghĩ lại về cách bạn đang nghĩ và tương tác với sếp của mình không.

Câu hỏi thứ 1: Bản thân mình đã OK chưa?

Nếu mình phàn nàn sếp không OK, vậy thì mình có OK không? Mà OK nghĩa là gì? Mỗi chúng ta đều là những bản thể khác nhau, có background và hành trình khác nhau, có quá khứ và giấc mơ tương lai rất khác nhau. Ai cũng là một bản thể độc lập, độc đáo, duy nhất của vũ trụ này. Chính vì vậy, không ai trên đời này có suy nghĩ và hành động giống nhau cả. Bên cạnh đó, dữ liệu quá khứ của chúng ta lại rất khác nhau. Có người gặp nhiều chông chênh, gập ghềnh hoặc tổn thương trong cuộc sống. Có người ngây ngô, hồn nhiên chẳng phải bận tâm. Có người phải cố gắng, đấu tranh, vượt qua bao nhiêu khó khăn chỉ để có được những điều cực kỳ cơ bản. Có người thì cả đời được trải thảm đỏ dưới chân, miệng ngậm thìa vàng. Cũng chính vì vậy, cách chúng ta trở thành con người của ngày hôm nay là hoàn toàn khác nhau, và vì vậy OK hay không OK cũng là những góc nhìn rất khác nhau.


Sếp không phải là người hoàn hảo. Chúng ta đương nhiên cũng không phải là con người hoàn hảo. Và chẳng ai trên đời này hoàn hảo cả. Tất cả chúng ta đều là work-in-progress - những phiên bản đang hoàn thiện, đang tiến hoá, và vì vậy tất cả chúng ta đều cần phải hiểu rất rõ mình đang ở đâu trên hành trình tiến hoá đó, và những người còn lại đang có tương tác với mình, họ đang ở đâu trên hành trình tiến hoá đó. Khi hiểu được được điều này, biết người biết ta, thì cách bạn tư duy và hành xử sẽ rất khác, không đổ hết lỗi về phần người khác và giành toàn bộ phần phải về mình. Làm gì có chuyện một ai đó xấu xa hết còn mình thì tốt đẹp hết. Ai mà chẳng có góc khuất, có những bí mật không dám show ra, có những ý nghĩ đen tối chưa bao giờ tỏ bày. Cho nên, nếu muốn phán xét ai, thì trước hết hãy quay về đối diện với chính mình, hỏi mình có OK không trước đã. Phán xét người khác thì dễ. Nhìn thấy bản thân mình thì khó. Bao đời nay chuyện vẫn thế mà, cho nên mới có xung đột, mâu thuẫn, chiến tranh. Tất cả đều bắt đầu từ việc mình OK còn họ không OK. Mà mình OK chỗ nào? Mình OK thật sao? Mình OK hơn người khác à?

Câu hỏi thứ 2: Mình cho là như thế hay biết là như thế?

Một trong những nguyên nhân gây hiểu lầm nhiều nhất trên trần gian này là assume - giả định là, cho là, nghĩa là mình tự lén lén thu thập thông tin, tự suy diễn và tự kết luận là người ta thế nọ thế kia theo cách hiểu của mình. Ủa, mà thông tin bạn thu thập có đúng không? Phần lớn, hay 80% những gì con người nhìn thấy, thấy vậy không phải vậy. Thấy vậy không phải vậy thì nó là fake news, rồi không lẽ mình lấy tin giả ra phân tích, đánh giá thì nó thành thông tin thật à? Hay toàn bộ chuỗi suy diễn sau đó của bạn nó đều bị domino effect và thành sai bét hết? Nếu đã học về Critical thinking - Tư duy phản biện thỉ bạn nên hiểu là, thông tin nó chỉ là thông tin, nếu không được xác minh và có nguồn gốc đáng tin cậy thì nó chẳng nó miếng giá trị gì. Thành ra, đừng có assume những gì mình nghe đồn từ người khác, hay nhìn thấy từ góc nhìn của mình đều là đúng. Cách tốt nhất để biết thông tin có đúng hay không là xác minh và đối thoại.

Có bao nhiêu lần bạn nghĩ thế, nhưng chẳng bao gờ dám hay muốn verify - làm rõ với sếp? Muôn đời, người đi làm tránh sếp nhất có thể, không chủ động giao tiếp rõ ràng minh bạch, không quen hoặc không dám đặt vấn đề hay làm rõ vấn đề với cấp trên của mình. Mà đã không verify thì làm sao biết nó có đúng không. Mà nếu không biết nó có đúng hay không thì chuyện bạn vin vào điều đó để đưa ra kết luận là OK hay không? Cuối cùng, mình cho là như thế hay sự thật nó là như thế?

Câu hỏi thứ 3: Sếp có phải là thầy, là mentor của mình không?

Mình đi làm, may mắn nhất là tìm được một người sếp cũng là người mentor cho hành trình sự nghiệp của mình. Con người, có người đi làm có duyên gặp được mentor như thế, nên biết trân quý nó. Nhưng đâu phải ai trên đời cũng gặp được mentor. Có khi duyên chưa tới. Có khi thời điểm của bạn chưa tới, và bạn chưa chưa gặp được người sếp là thầy. Nhưng ai trên đời này cũng có thứ để dạy mình, cho dù đó là dạy bằng cách How to not do something - Cách không nên làm theo. Mình học được gì thì học, không học được thì tìm cách tồn tại hoà bình với họ. Còn nếu thấy chuyện tồn tại và chịu đựng này không hợp lý thì mình chia tay, đi tìm sếp khác. Cuộc đời là của mình. Lựa chọn là của mình. Bản thân mình không thay đổi được ai, chỉ có thể thay đổi chính bản thân mình, nên thay vì phàn nàn người ta, chỉ trích và khẩu nghiệp người ta, chi bằng mình tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho bản thân là xong, đỡ mất thời gian vào chuyện nhà người.


Đời này, mỗi người một hành trình. Có người đến để làm thầy. Có người đến để làm cho cuộc đời thêm nghiệt ngã, và khiến bạn nhận ra điều bạn chưa nhận ra. Vậy cũng là thầy. Có người đến để nhắc nhở, nhưng cũng có người đến để làm bạn đau. Quan trọng là, họ cho bạn bài học gì. Còn chuyện họ là người thế nào, hãy để cho họ tự lo chuyện đó. Bạn, cần rất nhiều thời gian để phát triển chính bản thân mình trước đã.


Nếu mãi nhìn ra, phán xét người này người kia, thì cả thiên hạ này chẳng ai coi được. Nhưng nếu cứ để chuyện đó cho thiên hạ tự lo, và tập trung vào phát triển chính mình, có khi bạn sẽ từ từ nhìn ra tính tương đối của vạn vật, trong đó có con người. Không ai là thánh cả, đừng mong chờ họ phải là thánh. Nhưng cũng không ai phải chịu trách nhiệm hành xử theo cách bạn muốn cả, vì họ có hành trình và lựa chọn của chính họ. Cho nên, đoạn đời nào giao nhau thì mình đồng hành. Đoạn nào cần chia tay thì mình chia tay. Đừng để bản thân chìm vào những vũng lầy cảm xúc.

6.288 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page