Mỗi người chúng ta đều sống trong thế giới của riêng mình, thế giới của những gì mình biết, thế giới của những gì mình thân quen. Và đôi khi, ta lầm tưởng thế giới thì nó phải là như thế, sự thật nó phải là như thế, và cách chúng ta vẫn làm là cách xịn nhất rồi. Sorry! You don’t know what you don’t know - Bạn không biết những gì bạn chưa biết. Những gì bạn học được, dù là từ trường lớp hay kinh nghiệm, chỉ là giới hạn của những điều bạn học được, và nó có thể chỉ là 0.1% của thế giới ngoài kia. Những gì bạn đang làm, cách bạn đang áp dụng, hiểu biết của bạn về vấn đề cho đến hiện tại đều nằm trong khuôn khổ rất cá nhân, rất giới hạn, rất chủ quan. Cùng là một vấn đề, người mới chỉ tiếp xúc với nó từ lý thuyết nhìn nhận khác, người mới giải quyết vấn đề lần đầu tiên nhìn nhận khác, người làm việc cho tổ chức/công ty nhỏ nhìn nhận khác, người đã có kinh nghiệm từ những hệ thống lớn hơn nhìn nhận khác, người chỉ có trải nghiệm local khác, người đã kinh qua ở phạm vi lớn hơn, khu vực hay quốc tế nhìn nhận khác…. Cho nên, cách bạn đang nhìn nhận vấn đề và đưa ra giải pháp có thể là tốt nhất trong giới hạn kiến thức, khả năng, kinh nghiệm của chính bạn, một cách hết sức chủ quan.
Ai hiểu được điều này, sẽ trở nên khiêm tốn và chịu khó học hỏi cái mới điều hay mỗi ngày, học cách tư duy khác đi, mới hơn, tìm kiếm và học hỏi từ những người giỏi hơn, có trải nghiệm rộng và sâu hơn mình mọi lúc mọi nơi. Quan trọng là, người hiểu được sự thật này không bao giờ tự cho là mình luôn luôn đúng, không bao giờ bảo thủ, không bao giờ đưa ra quyết định một cách độc đoán, và biết cách tôn trọng kiến thức, kinh nghiệm, ý kiến, sáng kiến từ người khác. Vì họ không có giới hạn về tư duy và khả năng học hỏi nên họ không có giới hạn về khả năng. Ngược lại, người cho rằng mình luôn luôn đúng, cho rằng quyết định của mình người khác đương nhiên phải nghe theo vì mình có quyền, dù là quyền lực đến từ chức danh hay quyền sở hữu, là những người sẽ luôn dậm chân tại chỗ, không phát triển được bản thân, và càng không bao giờ thu hút được nhân tài về phía của mình. Khi bạn đi tìm những người chỉ biết nghe lời, dạ vâng, chỉ đâu đánh đó như thiên lôi, luôn xu nịnh và vuốt ve những thứ mình nói ra, dù đó là thứ tào lao, thì bạn đang xây dựng một đế chế phục tùng, lưu giữ thợ và không dung nạp tướng. Một tổ chức, vÌ vậy mà chỉ lớn bằng cái đầu của người lãnh đạo. Bạn nghĩ và hành xử tới đâu thì tổ chức của bạn Nó chỉ phình ra tới đó mà thôi. You don’t know what you don’t know!
Đây là chủ đề muôn đời nhưng thời nào cũng cứ diễn ra. Ai ngộ được đạo của sự vô tận thì tự chuyển đổi nhận thức và cách tiếp cận. Ai không thông hay không chịu hiểu thì cả đời nghênh ngang nơi đáy giếng. Chịu thôi! Đây là hành trình rất cá nhân của mỗi người. Người biết càng nhiều thì càng lặng im. Người càng giỏi càng khiêm tốn. Người càng hiểu đạo thì càng lo tu sửa bản thân trước khi đi rao giảng lý thuyết cho người khác. Người càng hiểu về sự vô hạn thì càng rõ ràng giới hạn hiện hữu của mình. Đến đây, nếu thấy nuốt được bài này thì đọc tiếp những câu hỏi mình thường sử dụng để reality check - tự nhắc nhở, trả bản thân về thực tại để hiểu cái sự ngu dốt của chính mình. Tôi tự biết mình ngu dốt nên tự check bản thân thôi, không liên quan gì tới ai. Ai thấy tham khảo được thì tham khảo, không thì cũng đừng ném đá làm gì mỏi tay nha.
Vấn đề mình nhìn thấy và đặt ra có phải là vấn đề? Có khi nào mình thấy 1 cái cây nhưng người khác thấy cả khu rừng? Có khi nào mình tưởng là cả khu rừng nhưng thật ra nó chỉ là 1 cái cây?
Giải pháp mình đưa ra có phải là giải pháp toàn diện, giải quyết vấn đề tận gốc hay chỉ là gãi ngứa, chắp vá trên bề mặt?
Ý kiến, thông tin, góp ý từ người khác có xác đáng, có logic, có trong trẻo không?
Mình có bị điểm mù trong cách suy nghĩ và tư duy vấn đề này không? Ví dụ trước giờ mình giải quyết vậy quen rồi nên cứ vậy mà giải quyết hoài không nhìn thấy hay tìm kiếm cách giải quyết mới hay ho hơn?
Mình có bị cảm xúc chi phối nên thiếu khách quan khi tư duy? Chẳng hạn đệ tử mình nói thì mình tiếp thu còn người mới nói thì mình không tiếp thu?
Mình có để cho ego nó chen chân vào việc tiếp thu ý kiến từ người khác?
Mình có nên tham khảo ý kiến của người giỏi hơn mình về vấn đề này không? Nếu có thì nên là ai?
Level của mỗi người chỉ bằng với những gì bản thân mình biết. You don’t know what you don’t know - và không ai biết những gì mình chưa biết. Cho nên, nhiều khi cũng nên bình tĩnh nhìn lại bản thân, đừng hăng máu quá khi vung vãi sự phán xét và chỉ thị bắt người ta phải theo mình. Có quyền, có chức, chưa chắc đã là người giỏi.
Comments