top of page

MỸ - TRỞ VỀ TƯƠNG LAI


Cuộc sống là một chuyến tàu thời gian. Có những lúc ta phải ngược dòng để tìm về những giá trị tinh hoa của hàng ngàn năm trước, để nhắc nhở mình về hành trang di sản trong đời. Nhưng cũng có lúc, chuyến tàu cuộc sống phải lao về tương lai, giúp ta nhận ra xu hướng, cơ hội, và học hỏi những “thông lệ tốt nhất” (best practice). Mỹ đối với tôi là ga đến của tương lai. Họ là một minh chứng sống về cam kết luôn phát triển và đổi mới.


Giấc mơ Mỹ (American Dream)

Nếu phải nói đến một cột mốc quan trọng làm thay đổi cuộc sống và trật tự của thế giới ngày nay, chắc chắn phải nhắc đến cuộc “Cách Mạng Công Nghiệp” (the Industrial Revolution). Bắt đầu từ khoảng 1760 và kéo dài đến khoảng giữa những năm 1820 và 1840, cuộc Cách Mạng Công Nghiệp đã tạo ra những thay đổi nền tảng về quy trình sản xuất. Từ sản xuất thủ công, con người bắt đầu “công nghiệp hóa”, sử dụng máy móc, công cụ, và hệ thống sản xuất. Bạn cứ thử tưởng tượng đi. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người bắt đầu phát triển ý niệm về “tiêu chuẩn sống”. Thời gian, nhân lực, và hiệu quả công việc hoàn toàn được tái định nghĩa với sự chuyển mình của công nghiệp hoá. Mặc dù khởi điểm ở Anh, cuộc cách mạng công nghiệp đã lan nhanh sang Tây Âu và Bắc Mỹ trong vòng vài thập kỷ. Để đến đầu thế kỷ thứ 20, một cường quốc công nghiệp đứng đầu thế giới xuất hiện và giữ vững vị trí này cho đến tận ngày nay, Mỹ.


Thuê cho dễ

Sở hữu một chiếc xe hơi đối với tham niên Mỹ không còn quan trọng nữa. Mua xe chỉ tốn tiền, làm hại môi trường, và mất công giữ mà thôi. Vì vậy mà dịch vụ “chia sẻ” xe hơi hiện nay đang trên đà phát triển. Spride Share cho phép người chủ sở hữu có thể cho thuê xe nếu muốn. Gắn thêm một thiết bị đo lường thế là có thể đo chiều dài đoạn đường để tính phí cho thuê. Spride Share thì tính thêm phí bảo hiểm xe từ người thuê để đề phòng tai nạn và hư hỏng. Một công ty dịch vụ khác là Zipcar cũng đang làm dịch vụ chia sẻ một cách rất thành công. Công ty Daimler vì vậy mà hiện nay cũng đang cho thử nghiệm dịch vụ cho “chia sẻ” xe như vậy.


Mỹ là thị trường lớn nhất trên thế giới, không phải về dân số vì đất nước này chỉ có 319 triệu dân (xếp hạng thứ 3 trên thế giới sau Trung quốc – 1.388 tỷ và Ấn độ -1.348 tỷ). Như vậy xét về dân số, Mỹ chỉ bằng 23% của Trung quốc mà thôi. Nhưng nếu xét về tổng chi tiêu quốc gia, Mỹ luôn luôn đứng đầu với con số năm 2014 là 11.5 triệu triệu đô la, gấp 3 lần tổng chi tiêu của nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới là Trung quốc. Còn nếu so với Việt nam cho dễ hiểu, thì con số này là gấp 98 lần. Cho nên nói về độ lớn thị trường không phải nói về số người mà phải bàn về mức độ chi tiêu. Có điều, ở đâu ra mà nhiều tiền chi tiêu đến thế? Đơn giản là vì thu nhập thặng dư đầu người của Mỹ cũng đứng đầu thế giới, với tổng thu nhập thặng dư cả nước năm 2014 gần 13 triệu triệu đô la, gấp đôi Trung quốc, và gấp 103.7 lần Việt nam mình đấy.



Ảnh: Cầu Golden Gate tại thành phố San Francisco, California – thành phố được mệnh danh sáng tạo nhất nước Mỹ.


Xuất hiện, rồi không ngừng sáng tạo và đổi mới, cam kết này đã làm cho họ luôn luôn ở vị thế dẫn đầu, dẫn đầu về sức mạnh thị trường, dẫn đầu về xu hướng và trở thành giấc mơ làm giàu của mọi người trên thế giới.


Cho hết cô đơn

Tháng 2/2015, có một cái app được tung ra thử nghiệm tại Mỹ tên là The Invisible Boyfriend (Bồ ảo). Ai đăng ký bồ ảo thì mỗi tháng đều được “bồ” gởi cho hàng trăm tin nhắn, 1 cái thiệp viết tay, và 10 cuộc gọi trực tiếp qua điện thoại. Tất cả chỉ tốn có 25 đô la / tháng. “Bồ ảo” ra đời là để giúp cho người độc thân cảm thấy bớt cô đơn, và để cho ai hay bị ba má làm áp lực lập gia đình dữ quá có thể lấy đó làm vũ khí mà trốn tránh. Bồ ảo, nhưng mà bằng chứng tương tác ngoài đời và trên mạng xã hội là hoàn toàn như thật.


Chất xám

Đời bây giờ có đông, có sức khoẻ hùng hục hay vài cái quan hệ trong nhà cũng không còn ăn thua gì nữa. Kinh tế thị trường là một nền kinh tế mở, là cạnh tranh công bằng, xuyên biên giới, là nếu bị thảy vào đấu trường La Mã như trong phim Võ Sĩ Giác Đấu (The Gladiator) thì Việt nam không có đấu với Việt nam, mà phải đấu với một người nước ngoài bất kỳ trên thế giới này. Hoảng chưa? Và mình cần chuẩn bị thế nào?



Ảnh: Boston, Massachusettes – thành phố được bình chọn sáng tạo xếp hạng thứ 2 tại Mỹ


Có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng một hiểu biết cực kỳ cơ bản. Sức mạnh tương lai là sức mạnh “tri thức”. Kinh tế tương lai là kinh tế “tri thức”. Và Mỹ đã lèo lái thời đại tri thức thế nào?


Nếu tính về tổng ngân sách phục vụ cho R&D (Research & Development – Nghiên cứu & phát triển), Mỹ đứng hàng số 1 với tổng ngân sách là 505.269 triệu đô, gấp 2.3 lần nước đứng thứ 2 là Trung quốc (222.623 triệu đô). Vì tìm không ra con số ngân sách R&D của Việt nam năm 2014 nên tôi lấy số năm 2011 mà so thử nhé. Năm 2011, tổng ngân sách R&D của Mỹ là 429.846 triệu đô la, gấp 17.194 lần Việt nam. Tổng ngân sách trung quốc là 149.019 triệu đô, gấp 5.960 lần so với Việt nam. Mà thôi, người ta dân giàu nước mạnh thì hoành tráng là như thế. Mình làm sao so được. Tuy nhiên, thử so với một vài nước trong khu vực xem sao nhé. Năm 2011, tổng ngân sách R&D của Hàn quốc là 51.132 triệu đô la, gấp 2.045 lần Việt nam. Ngân sách của Đài loan là 13.532, gấp 541 lần Việt nam. Ngân sách Mã lai là 2.988 triệu đô la, gấp 120 lần Việt nam. Ngân sách của Miến điện là 93.6 triệu đô la, gấp 3.8 lần Việt nam. Đến đây thì không cãi được nữa đâu nhé. Miến điện là nước phát triển sau Việt nam đến cả 15 năm mà còn đầu tư hơn mình như thế. Kinh tế tri thức? Việt nam mình nằm ở chổ nào?


Toàn cảnh đầu tư R&D trên toàn thế giới


Nguồn: Báo cáo của tổ chức Battelle, tổ chức phi lợi nhuận về nghiên cứu & phát triển quốc tế, 2014.


Nhưng R&D có phải là chỉ là chuyện của chính phủ? Xin thưa phần lớn ngân sách R&D của các nước là nhờ vào sự đóng góp của các doanh nghiệp mà thôi. Kể ra một số nước có ngân sách R&D đóng góp từ doanh nghiệp với tỷ lệ trên 50% tổng ngân sách quốc gia theo thứ tự lớn dần thử nhé: Mã lai, Singapore, Mỹ, Phillipines, Úc, Trung quốc. Top 3 quốc gia có đóng góp R&D cao nhất thế giới từ doanh nghiệp là Nhật (76.4%), Đài loan (74.7%), và Hàn quốc (74.3%).


Vậy đó, Mỹ đầu tư cho tri thức tương lai. Họ nằm trong top 5 quốc gia thu hút và giữ chân tài năng trên thế giới (Qatar, Phần lan, Thuỵ sỹ, Mỹ, Na Uy). Kinh tế tri thức, bạn có sẵn sàng cho điều đó?


Xe không người lái

Google đang thử nghiệm tại Cali một loại xe không cần người lái. Dự đoán là xe này sẽ tung ra thị trường Mỹ trong vài năm tới đây. 56% người dân qua khảo sát thấy đó là chuyện hay. Chỉ có 29% cho biết là họ chưa nghe qua về công nghệ mới này.


Trích chương 10 - Trở về tương lai - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân

217 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page