top of page

MỸ - Tính toán


Hồi xưa nghe người ta nói bọn Mỹ thực dụng lắm, khó chơi. Sau này đi làm ăn khắp nơi trên thế giới rồi, ếch tôi mới hiểu như thế nào là thực dụng. Không làm kinh doanh thì thôi. Nếu đã làm thì tất cả phải bắt đầu từ con số, thu vào doanh thu bao nhiêu, chi phí hàng hoá và chi phí vận hành bao nhiêu, và còn lại lãi ròng bỏ túi bao nhiêu. Cái bài toán này là bài toán cơ bản nhất trong kinh doanh. Cho dù ý tưởng của bạn có bay bổng bao nhiêu, cho dù bạn có lên bờ xuống ruộng để gầy dựng sự nghiệp bao nhiêu, giá trị cuối cùng cũng chỉ nằm trên báo cáo tài chính và thể hiện bằng con số. Ai trên thế giới này cũng thế. Và người ta giao thương, trao đổi với nhau dựa trên những mẫu số chung là như thế. Có gì đâu mà thực dụng? Chuyện thường mà!


Bây giờ nói xa hơn một chút, ừa thì tính toán là thực dụng. Nhưng khi người ta tính toán làm sao để tăng doanh thu, giảm chi phí, mang về lợi nhuận kinh doanh cao nhất, nhưng dựa trên tinh thần win-win (cùng thắng) cho cả đôi bên, cái đó gọi là gì? Thực dụng ư? Tôi không thích. Phải nói là quá trời thích. Fair play!


100 công ty sáng tạo nhất thế giới năm 2015

Theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2015, trong 100 công ty sáng tạo nhất hành tinh, có đến 48 công ty là của Mỹ. Ngoài ra, trong top 10 thì đã đến 8 là công ty của Mỹ (chỉ có 1 công ty của Anh và 1 công ty Indonesia). Nếu bàn về số lượng văn bằng sáng chế đã đăng ký tại Văn phòng bản quyền sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (United States Patent & Trademark Office – USPTO), Mỹ là số 1.


Bởi vậy mấy chục năm qua, đàm phán nhiều nơi, cuối cùng đếm lại vẫn làm ăn với người Mỹ là nhiều nhất. Dễ chơi, minh bạch, làm ăn ra làm ăn, tình cảm là chuyện bàn bên ngoài phòng họp. Nói về tình cảm, chưa chắc ai qua mặt họ về cái khoản đầu tư phát triển cộng đồng. Cái đó trong kinh doanh nó gọi là cái đạo đức kinh doanh. Ở Việt nam mình có khi là ngược lại. Nói chuyện tình cảm rất nhiều, anh anh em em ngọt xớt. Thế nhưng đến khúc lấy tiền thì phải tìm cách làm sao lấy của người ta nhiều nhất, lừa một chút, gian một mớ cũng làm luôn. Cái chữ “minh bạch” nó không có trong tự điển. Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt nam than dữ nhất là cái vụ này. Ở đây còn thế. Đi ra thế giới làm sao?


May mắn cho ếch tôi, được học cái khoản “đạo đức” này từ gia đình và sau này là từ trải nghiệm bước ra thế giới. Lên được là cũng nhờ như thế, nhờ xây dựng được lòng tin từ cái khoản “minh bạch” của mình. Bạn đã đủ “minh bạch” chưa? Còn chuyện làm sao để hơn thua với người ta, đừng vin vào cái “khôn lõi” ép người này, lừa người nọ của mình. Hãy thử tài sáng tạo!



Ảnh: Nashville, Tennessee – thành phố xếp hạng thứ 3 về sáng tạo tại Mỹ


Đổi mới & sáng tạo

Ở nơi nào trên thế giới cũng vậy, đều có những cái hay và vô vàn cái dở. Nhưng ta đi ra là để học và để làm cho mình ngày càng tốt hơn lên. Mỹ đã dạy cho tôi bài học quý giá vô cùng về cái nếp suy nghĩ sáng tạo và đổi mới. Câu chuyện của đất nước này đã nuôi lớn cho ếch tôi cam kết luôn phấn đấu vươn lên, thay đổi, và phát triển bản thân mình. Những gì mình đạt được ngày hôm qua, những gì mình tự cho là thành tựu ngày hôm nay chỉ có thể được dùng để đo lường quá khứ, để trang hoàng cho một bữa tiệc mà thôi. Trong thời đại của tri thức, trong sự thay đổi về khoa học kỹ thuật đến chóng mặt của thế giới này, ta sẽ bị loại nếu không ngừng cập nhật và đổi mới.


1.000 đô la cắt tóc

Nếu đến New York và ghé qua một trong những salon tóc thuộc hàng bảnh nhất, thì một lần sửa sang cho cái gốc con người trị giá 1.000 đô là, nghĩa là gấp 10 lần giá làm tóc thông thường. Theo tin đăng trên báo The Wall Street Journal, cả người thiết kế mẫu tóc và khách hàng đều cảm thấy giá này là vô cùng hợp lý. Tại sao không? Bạn sẽ có một mái tóc được thiết kế phù hợp với vóc dáng và cấu trúc xương của gương mặt bạn. Thiết kế đặc biệt này sẽ làm cho tóc rủ xuống phần mảnh khảnh nhất của cổ, khiến cho bạn trông ốm hơn nhiều. Còn những gợn tóc được cố ý tạo dáng theo vóc dáng mỗi người có thể làm cho người ta trông trẻ hơn nhiều so với tuổi. Bà Laura-Jean Mallon, một phụ nữ tuổi 53 mới về hưu cho biết “Vậy cũng đáng thay vì phải đi căng da mặt.”


Nói cho nó cụ thể ra một chút thì ếch tôi hàng năm đều làm cái bài tập thế này. Mỗi tháng cuối năm, tôi đều bỏ ra cho mình một ít thời gian gọi là “bế quan toả cảng”, hay nói theo phim tàu là “nhập thất”, chỉ để nhìn lại chính mình và hoạch định kế hoạch cho một năm sau. Ta có thể có một kế hoạch dài hơi 5 đến 10 năm để bước ra thế giới, nhưng điều cần thiết của mỗi người là kế hoạch hành động của từng năm. Và tôi luôn luôn có một kế hoạch từng năm như thế. Nhìn lại, tôi đánh gía xem có đạt hay không đạt được những thứ mình đề ra trong năm ấy, đạt được đến mức nào và tại sao không.



Ảnh: Austin, Texas – thành phố được xếp hạng sáng tạo thứ 4 tại Mỹ.


Ví dụ nhé. Tôi là người ngày xưa vốn dĩ bản chất là vô cùng nhút nhát. Học ở trường Việt nam không có kỹ năng trình bày, nói chuyện trước một đám đông. Đi ra thế giới cái đó là một trong những kỹ năng quan trọng nhất. Thế là làm liền một cái sơ đồ con vi trùng cho kỹ năng này với một lô những mục tiêu hành động đi theo. Mỗi năm tôi đều có chương trình học và thực hành một hay hai bước. Rồi thực hành, rồi đánh giá, rồi bổ dung và lại tiếp tục thực hành. Tháng 5/2015, lần đầu tiên tôi xuất hiện làm diễn giả chính tại một hội nghị nhượng quyền quốc tế có khoảng 500 doanh nghiệp nước ngoài tham dự. Và tôi đã làm được. Và tôi nhận một cái email từ hiệp hội nhượng quyền Mã lai cám ơn vì tôi được bình bầu là diễn giả ấn tượng nhất trong hội nghị này.


Đừng cho là tôi giỏi. Tôi không giỏi. Tôi chỉ cần mẫn “nhập thất”, cần mẫn hoạch định kế hoạch, cần mẫn triển khai và thực hiện những kế hoạch ấy mà thôi. Có khác chăng là tôi biết mình chẳng bằng ai, và thế là luôn luôn đặt trọng tâm phát triển và đổi mới bản thân mình. Và tôi sẽ không dừng ở đó. Bạn thì sao?


Trích chương 10 - Trở về tương lai - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân

459 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page