Trong khoá học EI@ work - Trí tuệ cảm xúc mình có nhắc đến 10% phần nổi của một tảng băng. Đó là tất cả những gì con người có thể nhìn thấy, là cảm xúc, là hành vi, là cách hành xử, là ngôn từ…. Trong 10% phần nổi đó, có khi cái mình thấy là đúng, có khi sai, vì con người chỉ chọn nhìn thấy những gì họ muốn nhìn thấy và chọn nghe những gì họ đang muốn ngóng. Vậy, là 10% những chuyện rần rần xảy ra trên bề mặt đó, dù hiểu đúng hay sai, người ta cũng mang ra phản ứng một cách auto-pilot - bị cảm xúc nhất thời và vô minh dẫn dắt. Nhưng 10% trên bề mặt thật ra chỉ là biểu hiện. Cũng giống như bị cảm thì ho khục khặc hay sổ mũi, bị Covid thì không thở được, điều chúng ta nhìn thấy cuối cùng cũng chỉ là 10% phần nổi của một tảng băng. Còn 90% phần chìm thì sao? Có ai quan tâm đủ để nghĩ về nó? Hay chúng ta cũng chỉ lấy sự phản ứng nhất thời làm game giải trí, bày bừa ra, hùa nhau vào để đu trend?
Con người, ai cũng muốn phần đúng và phần thắng về mình, nên họ xông vào đánh nhau để giành lấy sự hả hê. Mỗi ngày, trò hề bày ra trên mạng. Và những con người nghiện game xông vào chơi. Thắng? Thua? Bất phân thắng bại? Hay lưỡng bại câu thương? Có lẽ loài người nhiều khi cũng không nghĩ được đến đó. Chơi một hồi chán rồi thôi, cho qua, chìm xuồng, vì còn nhiều trò khác mới release - tung ra, và ta còn bận chạy theo trend. Có lẽ, mấy trò này rồi chẳng ai thắng cả. Tất cả đều thua vì tất cả cuối cùng đều chịu tổn thương. Không phải là tổn thương về cơ thể, mà là tổn thương về tâm lý có thể sẽ tác động rất lâu dài đến sức khoẻ tinh thần và hạnh phúc của đời người. Nhưng tổn thương đó chúng ta không nhìn thấy. Nó cứ như liều thuốc độc mà ta tự tiêm cho mình mỗi ngày. Những ngôn từ chúng ta xả ra trên mạng, những hành vi quá khích, những sự chửi rủa cho hả hê bao uất ức phải chịu đựng từ lúc sinh ra cho đến hôm nay, những hành vi cư xử bùng lên khi nỗi đen tối, giận dữ trong mỗi con người bung nắp. Tất cả, tất cả những gì chúng ta đang thấy, chỉ là sự phát bệnh đương nhiên của một cơ thể xã hội đã ngậm no thuốc độc tâm lý nhiều năm.
Ai thắng? Chẳng ai thắng cả. Tất cả chúng ta đều thua. Kẻ bày trò, nó thắng. Còn lại, chỉ là những con nghiện game bị thao túng.
Ai được? Chẳng ai được cả. Tất cả chúng ta đều mất. Mất chữ “người” trong chữ “con người”. Mất niềm tin vào bất kỳ thứ gì trong đời. Mất sự chính trực mà ta chỉ còn nhìn thấy trong phim cho nó truyền cảm hứng. Mất những điều bình thường vĩ đại khiến cho cuộc sống đáng yêu. Mất. Cái ngày ta xông vào từng con game là ngày ta đã mất. Vì nó chỉ nuôi lớn thêm sự độc ác, tiêu cực, năng lượng huỷ hoại bằng thuốc độc tâm hồn. Ngày bắt đầu xông vào là ngày ta đã mất rồi. Còn hỏi nhau được gì cơ chứ?
Nếu chúng ta bình tĩnh hơn thì sao? Nếu chúng ta có tư duy phản biện hơn thì sao? Nếu chúng ta có EI hơn một chút thì sao? Nếu chúng ta có tình yêu thương và lòng bao dung lớn hơn một chút thì sao? Chắc chúng ta rồi sẽ nhìn mọi thứ từ thể thứ 3, nhìn 10% và hiểu rằng nó chỉ là phần nổi của một tảng băng, và ở đáy của tảng băng kia là nơi bắt đầu của mất. Cái hạt độc ác, vô minh, nỗi sợ hãi, nỗi uất ức, sự giận dữ, vv đều đã được gieo và nuôi lớn bằng thuốc độc bao năm về trước. Giờ có phát bệnh âu cũng là chuyện đương nhiên. Không có thuốc chữa cho những cơn phát bệnh trên bề mặt. Chữa, là phải quay về đối diện với những hạt giống mà cơ thể xã hội này đã gieo. Một lần gieo, có khi bệnh đến vài ba thế hệ.
Thôi thì, mỗi cá nhân nên tự đi tìm hành trình quay về nơi bắt đầu của mất, để hiểu tại sao ta chưa bắt đầu đã mất, và để tự mình lựa chọn một con đường rất khác, thay vì bu vào chơi game chỉ để bị thua.
Comments