top of page

NẾU EM KHÔNG TÌM ĐƯỢC IKIGAI THÌ SAO?



Bạn viết cho tôi một bức tâm thư dài lắm, chung qui là bạn đã học và đi làm theo mong muốn của người khác. Giờ thì cũng đã làm qua 3 công ty to bự, có công việc và chức danh đáng mơ ước, gia đình tự hào. “Nhưng mà cô ơi, con không hạnh phúc.” Bạn cảm thấy mất phương hướng, vì thứ mình đang làm không phải là thứ mình yêu thích, đam mê. Mà thứ mình yêu thích, đam mê thì chỉ mới chập chững học, chưa biết nó có nuôi sống mình được không, chưa biết mình có đủ giỏi giang và thành công với môn đó hay không. Co kéo giữa một bên là sự an toàn, cơm áo gạo tiền, với một bên là niềm đam mê bấp bênh, bạn bức bối, bối rối, dày vò, trôi dạt đến bây giờ.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận được câu hỏi như thế này. Rất nhiều bạn trẻ khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Nguyên nhân là do đã được định hướng học hành và làm việc theo một ngành nghề khác, và đã đầu tư rất nhiều thời gian để đạt được mục tiêu định hướng, theo mong muốn của một ai đó khác. GIờ, hoàn thành xong tâm nguyện cho ai đó rồi, mới quay lại mệt mỏi, chán nản nhận ra, mình không vui vẻ, hài lòng, hạnh phúc gì với lựa chọn đó. Có quá muộn chăng, khi mọi thứ đã được an bài? Có mạo hiểm chăng khi nghe theo tiếng gọi con tim? Có nên cam chịu không, khi mình đang có một công việc, mức lương mà nhiều người mơ ước? Có nên bỏ cuộc chăng, khi đánh đổi vùng an toàn cho một tương lai vô định? Đây có lẽ là bùng binh của những ngả rẽ nghiệt ngã nhất, vì nó có vẻ đang ép bạn phải hy sinh, phải đưa ra một quyết định và lựa chọn không công bằng, phải đấu tranh giữa mong muốn của cá nhân và thế giới bên ngoài, phải chật vật trong chiếc áo không phải do mình chọn.


Bình tĩnh đã chứ! Cuộc đời không thẳng tắp như việc phải chọn A hay B. Mình hoàn toàn có nhiều cách tư duy khác đi, có thể là C, có thể là D, có thể là cả A&B hợp lại thành E. Nói chung, đừng tự đưa mình vào thế khó, khoan hãy ép bản thân phải hy sinh bất cứ điều gì. Hỏi mình những câu hỏi sau để tìm ra lời giải nhé.


  • Công việc hiện tại có đang là nguồn tài chính chủ yếu để nuôi sống bản thân? Nếu có, thì hãy duy trì công việc đó, đừng mệt óc suy nghĩ xem mình có nên nghỉ việc không. Việc bây giờ tìm rất khó, và nếu đang làm tốt, đang được trả lương tốt thì cứ làm chứ nghỉ để làm gì. Và bạn biết không, không có công việc nào bạn đã từng làm mà nó phí cả. Trải nghiệm của bạn trong công việc đó chính là chất liệu để giúp bạn suy nghĩ sáng tạo hơn, có khi sẽ chính là yếu tố quan trọng để giúp bạn tạo ra những sự kết hợp độc đáo cho bất cứ thứ gì mà bạn làm sao này. Trong thế kỷ sáng tạo này, chính sự kết hợp khác lạ, không ai tưởng tượng ra mới tạo nên những ý tưởng đột phá. Cho nên, hãy trân trọng cái nghề đang nuôi bạn, và hãy làm thật tốt, học thật nhiều thứ từ nó để thu thập cho bản thân thêm nhiều chất liệu hay.


  • Công việc cụ thể mà bạn hướng đến đối với thứ bạn đam mê, yêu thích là gì? Thực tế ngành nghề đó đang ra sao tại Việt Nam? Khi nói về thứ mình yêu thích, đam mê, các bạn trẻ hay mơ hồ, chung chung, hơi “phiêu”, hơi bay bay chứ không đủ rõ ràng, cụ thể về nghề mình muốn theo đuổi. Ví dụ, em thích art. Art thì nó rộng quá đi. Thích art cụ thể là gì, làm công việc gì, ngành đó hiện nay có đang phát triển tại Việt Nam không, ai đang thành công nhất trong ngành nghề này, nếu nhắm đến một công ty hay tổ chức để xin việc thì có những công ty/tổ chức nào? Người trong cuộc họ nói gì về khả năng “sống được” với nghề? Hay đây không phải là nghề nuôi mình mà mình nuôi nghề? Đi tìm một người đang là phiên bản tương lai của mình mà hỏi. Khi bạn nghe được từ chính phiên bản mình muốn trở thành về nghề nghiệp đam mê của mình, bạn sẽ có đủ dữ liệu để cân nhắc và đưa ra quyết định đó có phải là thứ mình đam mê và là thứ có thể nuôi sống mình.


  • Nếu đó thực sự là thứ có thể dấn thân vì mình đam mê và nó nuôi sống được mình, câu hỏi tiếp theo sẽ là, công việc đó đòi hỏi ở bạn những kiến thức, kỹ năng gì? Bạn đã có những kiến thức, kỹ năng này chưa? Lắng nghe người trong nghề họ chia sẻ xem cái bay bổng và thứ nhức đầu trong nghề đó là gì, cái gì quan trọng sẽ giúp ta thành công trong nghề này. Có khi hỏi xong bạn thấy mình không hợp. Hoặc có khi hỏi xong bạn mới biết thứ mình cần học thêm để theo đuổi ngành nghề này nó khác rất nhiều so với những gì mình đang nghĩ. Cũng có khi nghe xong thì bạn biết rất rõ bản thân cần học thêm những kiến thức, kỹ năng gì, từ đâu, và bắt đầu bước đầu tiên học hỏi và phát triển năng lực của mình trong ngành nghề mới. Cũng phải nhắc, đây là thời đoạn chuyển tiếp khi bạn đang từng bước dò đường cho hướng đi mới, nên bạn cần phải chịu khó đầu tư thời gian và công sức, làm song song việc cũ việc mới chứ không nên bỏ ngang và hy sinh thứ đang nuôi sống bản thân.


  • Song song với việc học và phát triển bản thân trong ngành nghề mình đam mê, bạn hãy tìm cơ hội thử làm freelance hay nhận việc theo dự án gì đó đối với nghề mới. Trên thực tế, chỉ khi người ta dấn thân vào làm thật thì mới có thể hiểu rõ những quanh co, lắc léo của ngành. Tới đó mới thật sự biết mình có còn đam mê không hay chỉ là ngộ nhận khi nhìn thấy bề nổi rất ư là lung linh của nó. Nếu đam mê, bạn sẽ có đủ năng lượng và quyết tâm để vượt qua mọi khó khăn, theo đuổi cho tới, làm cho đã đời. Còn khi nó chỉ là sự ngộ nhận thì bạn sẽ bỏ cuộc còn nhanh hơn là chớp mắt. Cũng đừng chán nản khi mình nhận ra đó không phải là đam mê thực thụ, ít ra bạn cũng đã gạch được một thứ ra khỏi danh sách “ngỡ là đam mê” và đang tiến gần hơn tới đam mê thật sự của bản thân. Hơn nữa, tất cả những gì mình học và trải nghiệm trên hành trình đi tìm đam mê đó, dù chưa tìm ra, vẫn là những trải nghiệm có ích, giúp cho mình có những góc nhìn khác, những hiểu biết và dữ liệu khác, sẽ giúp cho mình sáng tạo hơn trong tương lai.


  • Nếu làm freelance thành công, đam mê vẫn cứ đam mê, làm ra tiền và mình giỏi thứ mình đang làm, đó là Ikigai của bạn còn gì. Và khi cả đam mê và cái nghề nó đã đủ lông đủ cánh rồi thì mình bật công tắc chuyển đổi thôi. Lúc này, mọi thứ đã rõ ràng. Việc đưa ra quyết định gọi là an educated decision - một quyết định có hiểu biết, có đầy đủ thông tin dữ liệu và minh chứng chứ không còn là những câu hỏi đầy lo lắng và mơ hồ của ngày nào.


Vậy nha mấy đứa. Làm gì cũng suy nghĩ trước sau, tính toán cho có đường lối rõ ràng rồi làm thôi. Và have a lot of fun doing it - thử nghiệm cũng phải thiệt vui. Đời này, muốn làm gì cũng làm được hết, chỉ cần tư duy cho đủ về cách giải quyết vấn đề. Đừng vật vã lo lắng làm gì. Tìm cách, dấn thân, và tận hưởng hành trình đầy hứng thú.

8.710 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Bạn đã đăng ký thành công!

Nhập email để tự động nhận bài mới

©2021 by Nguyễn Phi Vân

bottom of page