Hôm qua ngồi nói chuyện với mấy đứa em, chuyện nọ xọ chuyện kia, nhưng cuối cùng câu chốt hạ vẫn là “ Lại là con người, nguồn gốc của mọi sự tào lao trong vũ trụ này.”
Tình thật, tất cả mọi sự trên đời đều rất giản đơn, cuộc sống vốn giản đơn, quan hệ vốn giản đơn, công việc vốn giản đơn, nếu mọi thứ đều straight-forward - thẳng thắn. Thật ra không có gì trên đời là quá khó, nếu ta biết tư duy về cách làm và cách tiếp cận. Nhưng đó, là khi chưa đưa yếu tố con người vào phương trình. Con người, có thể nói là bản thể phức tạp nhất của vũ trụ, với vạn bề biến số hỷ nộ ái ố và tham sân si. Các tổ hợp xúc tác này khi kết hợp, tạo thành những biến thể vi rút khác nhau, ảnh hưởng tâm lý và cảm xúc khác nhau, không lường trước được. Và con người, khi bị tác động bởi những tổ hợp xúc tác này tại những thời điểm khác nhau, bắt đầu biến tướng thành những bộ mặt và cách trình diễn khác nhau. Có thể xem con người như một bản thể host - chủ thể, và các tổ hợp vi rút khác nhau là khách tại những thời điểm khác nhau.
Trong 36 kế có 1 kế là “Phản khách vi chủ” là đổi địa vị khách thành địa vị chủ, nghĩa là nó nhập vô xong nó take over - tự biến mình thành chủ và làm sếp của bản thể đó luôn. Khi ấy, chủ hoàn toàn bị chiếm quyền, mất thế kiểm soát, và đành phải sếp re nghe theo lời khách. Điều này có nghĩa là, có khi bản chất của bản thể đó không xấu, không ác, không vô minh, nhưng vì đã bị chiếm quyền bởi một tổ hợp vi rút nào đó nên hoàn toàn trở nên mất kiểm soát, mất chủ quyền. Lúc này, mọi hành vi và phản ứng của chủ thể trên thực tế không liên quan đến chủ thể đó, nhưng thế giới bên ngoài, vì đã quen với hình hài của chủ thể, vẫn tưởng rằng đó chính là họ. Bằng mắt thường, chúng ta chỉ thấy anh A, chị B hành xử biến thái, điên khùng, mất nhân tính, vv. Có thể, trong môi trường bình thường, khi chưa bị vi rút xâm nhập, họ hoàn toàn khác. Tuy nhiên, khi đã bị dương tính với một hay nhiều tổ hợp vi rút, họ không còn là họ. Người ngoài thì, không ai có thời gian để nghĩ sâu hơn, phân tích này nọ về chuyện chủ thể hay khách thể. Họ có thể ngạc nhiên, sao kỳ vậy, sao hành xử trái ngược với con người mình đã từng biết vậy, sao vô lý vậy, sao khùng điên vậy, vv, nhưng điều họ không hiểu là, hình hài mà họ đang phán xét có khi không còn là chủ thể, chỉ là hình hài vật lý, nhưng đã thay đổi linh hồn. Linh hồn, lúc này, là một trong những biến thể vi rút đã phản khách vi chủ tại thời điểm đó.
Đó là lý do vì sao có người, sau khi đã hành xử tào lao xong, tạo nghiệp xong, khi bừng tỉnh, nghĩa là khi vi rút đã bị diệt, thì ngẩn ngơ không hiểu tại sao mình lại hành xử như thế tại thời điểm đó. Hoặc có hiểu, thì cũng đã muộn rồi, vì chuyện không tốt đã xảy ra. Còn lại chỉ là tiếc nuối, ăn năn, trách móc, có khi hành hạ bản thân vì đã để cho điều đó xảy ra, đã mất kiểm soát, đã mất tự chủ, đã cho phép chủ thể vì quá yếu mà để cho khách thể take over và làm sếp. Nhưng đó, cuối cùng chỉ là behind-the-scene - những cảnh quay đằng sau ống kính hậu trường, khán giả bên ngoài không ai hay biết. Và vì vậy, không ai có thời gian để phân tích, tìm hiểu, thông cảm, hay nhìn nhận sự việc một cách khác đi. Họ chỉ qui chụp rất nhanh, người đó bản chất là xấu xa như thế, và điều đó đã thể hiện qua một hành động cụ thể như thế.
Thói thường, qua 1 hành động hay sự việc nào đó, người ta tìm cách qui chụp rất nhanh, để khỏi phải suy nghĩ cho mệt, nhanh nhanh phân loại con người vào đám xấu hay bên tốt. Có điều, mọi thứ chưa bao giờ thẳng tuột như thế. Chủ thể tốt vẫn có thể có hành xử xấu và ngược lại. Làm gì có bên xấu bên tốt rõ ràng trong mọi tình huống. Tốt xấu mang tính thời điểm, dựa theo sức mạnh của chủ thể so với quyền lực tấn công của vi rút. Khi chủ thể thắng, họ hành xử theo bản chất. Khi vi sút thắng, họ là và hành xử theo bản chất của vi rút. Vấn đề là, làm sao ta biết mình đang đối diện với chủ thể hay khách thể?
Chủ thể khi thể hiện, sẽ mang tính consistent - kiên định, nghĩa là trước sao giờ vậy, ngạo mạn là ngạo mạn bền vững trong mọi tình huống, kiểu thế. Còn một con người vốn dĩ rất khiêm tốn, hoà nhã, biết trước tỏ sau mà bỗng dưng nổi cơn ngạo mạn ố dề thì mình phải đặt câu hỏi liền, ủa sao vậy ta? Đó, có thể là biểu hiện của vi rút đang take over. Cũng có khi, bản thể trước sau vẫn thế, nhưng interpretation - sự diễn dịch của người khác, của thế giới bên ngoài về họ bị sai, bị dẫn dắt, bị đánh lừa, vì nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như đệ tử hay bạn thân, ví dụ như idol hay gia đình, hàng họ…. Người thân của mình, đương nhiên là tốt, và mình sẽ bảo vệ trong mọi tình huống. Người khác, dù tốt hay không, dù đúng hay sai, cũng không còn quan trọng, vì mình đã chọn phe rất rõ ràng, và phe của mình đương nhiên luôn là phe chính nghĩa. Có đôi khi mình gợn, khi thấy biểu hiện gì đó không đúng theo dữ liệu, nhưng à thôi mình cho qua, vì đó là người thân của mình. Sự diễn dịch của chính mình vô hình chung làm họ trở thành người tốt, trong khi bản chất chưa chắc đã là như thế.
Cũng có khi, bản chất của hai đầu chiến tranh đều tốt, nhưng cả hai đều bị vi rút xâm nhập và trở mặt với nhau. Vi rút có thể bị kích hoạt dựa trên cảm xúc tiêu cực mà người ta tạo ra cho nhau, và theo cường độ của sự tiêu cực mà tạo nên những biến thể ngày càng nghiệt ngã. Rồi sự đen tối của bên này trở thành thức ăn nuôi dưỡng vi rút bên còn lại. Cứ thế, họ nuôi lớn vi rút của nhau, cho đến khi đến bản thân họ cũng không còn kiểm soát được, và cả hai chủ thể đều bị take over bởi hai khách thể. Lúc này, cuộc chiến là do hai tổ hợp vi rút đang đánh nhau, và không còn chủ thể nào còn khả năng kiểm soát. Mọi người hay hỏi, khi có sự cố nào đó, sao chị không làm gì, không tác động, không tham gia. Ủa, khi 2 tổ hợp vi rút đánh nhau, nó hết sức tào lao vô lý như vậy, thì mình tham gia để làm gì? Rảnh quá hay sao? Một cuộc chiến vô nghĩa chỉ có thể thu hút những thành phần quá rảnh đi đốt nhà châm lửa, nhóm ảnh hưởng lợi ích, hay những kẻ mù quáng…. Còn khi ta đã nhìn ra bản chất của chủ thể, khách thể, và những sự trình diễn liên quan, thì ba thứ đó không đáng để mình bận tâm. Đời này còn rất nhiều điều hay ho, ý nghĩa, giá trị khác đáng để mình dành thời gian hơn. Được mất, có không, giành giật là trò của những đứa trẻ vô minh, linh hồn chưa kịp lớn.
Quay trở lại, thật ra bản chất vũ trụ vốn cực kỳ đơn giản, dễ hiểu, nhưng nó đã bị các biến thể vi rút do cảm xúc con người nuôi cấy mà trở nên hết sức hỗn loạn, nghiệt ngã, tào lao. Cho nên, môn học cần học nhất trong đời trên trần gian này thật ra là môn người học. Học xong bài đó thì nhìn thấu mọi thứ. Học được bài đó thì đỡ phải lao vào những cuộc khùng điên. Học thuộc bài đó thì tự nhiên sẽ lặng im, mỉm cười, và bỏ qua, không chạy theo để lướt những cơn sóng vô minh đang tầng tầng lớp lớp. Làm được điều đó không dễ, chịu đựng được sự tấn công ngu muội của những người không hiểu điều đó càng khó. Nhưng hành trình học hỏi và lớn lên của một linh hồn, nếu không phải để vượt qua bài thi khó đó, thì làm sao để chứng minh là ta đã lớn lên?
Comments