Hắn trẻ lắm, chắc chỉ độ 20. Đưa cho tôi tờ giấy xong, hắn đứng chờ. Chữ hàng hàng viết bằng tiếng Hà lan, tôi ngớ ra cười rồi trả lại. Hắn lầm bầm gì đó rồi bước qua ông da đen kế bên đang ngồi ở quảng trường đọc sách. Ông nhìn hắn, chẳng buồn cầm tờ giấy, lắc đầu, rồi lại chăm chăm vào trang sách đã ngã màu.
Còn chưa kịp hiểu chuyện gì, một cô gái trẻ cũng lại dí tờ giấy tương tự vào tay tôi. Thấy có vẻ không xong, cô nhanh tay rút lại và dúi ngay bản tiếng Anh không ngần ngại. Kỹ năng marketing của bạn này hơn hẳn. Chừng hai mươi tuổi, bụng bầu đã phình to chắc 7-8 tháng, chân mang giày thể thao, tóc đuôi ngựa, đầm thun, cô bước đi thoăn thoắt chẳng kiêng cữ chút nào.
'Tôi không có công việc Tôi không có tiền mua bánh mỳ Tôi là di dân Syria.....'
Đưa cho cô gái vài ba euro xong, tôi cũng chẳng biết là mình có thật tình đang giúp một ai. Cái bánh croissant thật ấm, ly cà phê thơm thơm, những ô cửa hoa chớm xuân Amsterdam mơ mộng. Tôi thẫn thờ!
Từ khách sạn đến khu hội nghị tại Villa Floria ở Venlo, tôi bắt chuyện với Pieter, anh tài xế người địa phương.
'Venlo dạo này có gì lạ?'
'Vẫn bình yên như thế, trừ chuyện di dân Syria.'
'Anh thấy chuyện này sao?'
'Thật chẳng mấy công bằng. Giờ chính phủ chỉ tập trung lo cho di dân, có khi còn lo cho họ hơn cả dân Hà Lan ấy chứ.'
'Cả thành phố nhỏ xíu như Venlo cũng có di dân à?'
'Có chứ. Họ được chia đi các nơi theo tỷ lệ dân số khu vực nên ở đâu cũng có.'
'Chính phủ có trợ cấp cho họ không?'
'250 euro mỗi tháng, không đủ mua bánh mỳ, nhưng biết bao nhiêu tiền cô thấy không.'
'Họ có gây rối gì không?'
'Ôi họ đánh nhau và gây rối trong chính cộng đồng của họ. Ra ngoài này mua sắm thì chưa dám.'
Hôm qua đi bộ dọc những con phố mua sắm của Dusseldorf, tôi thấy những người phụ nữ trùm khăn đen. Đứng có, ngồi có, họ chìa tay xin chút lòng thương.
Chạy, nhưng chẳng biết đến đâu. Đến, nhưng chẳng được thuộc về. Cứ thế họ lêu phêu trôi giữa lòng đời, kiếp người vô xứ....
Comments