top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

NHẬT - Ký ức không màu


Chẳng biết tự khi nào, kho ký ức của tôi về từng đất nước thường được ghi lại bằng những hình chụp trắng đen tương phản, dữ đội, nhưng đong đầy cảm xúc. Bước vào miền ký ức về nước Nhật, đây là 4 bức hình trắng đen đứng đầu trong thư viện:


Đôi mắt nhắm nghiền, cái khổ hằn lên từng mạch máu, một vệt nước mắt lăn dài trên gương mặt nhợt nhạt nhưng khả ái của một người đàn bà độ tuổi ngũ tuần. Nỗi đau lớn quá, nó kéo ghì lấy giọt nước mắt, rồi từ từ kiệt sức, từ từ buông xuôi cho giọt nước mắt lăn dài, chầm chậm, chầm chậm. Đó là hình ảnh sâu đậm nhất của tôi về Harue. Tôi quen Harue cách đây gần 20 năm trong thời gian cô ở Việt nam. Cô dạy học ở một trường cấp hai tại Yokohama. Gương mặt sáng lên mỗi khi nói về học sinh, tôi biết cô yêu nghề và các em đến cỡ nào. Rồi một tai nạn xảy ra. Rồi một em học sinh mà cô yêu quý không còn trên cõi đời này nữa. Mỗi khi nhắc đến chuyện này, đôi mắt lại nhắm nghiền, cái khổ hằn lên từng mạch máu….


Hai cánh tay chống trên bàn, bàn tay đan víu lấy nhau, người đàn ông tuổi 60 với mái tóc hoa râm chống mắt xuống sàn nhà, nước mắt như thuỷ triều, dâng lên, dâng lên. Trước một người đàn bà Việt nam nhỏ bé như tôi, nào có chuyện gì phải khóc. Vậy mà Hiro đã khóc. Ông khóc vì một lời hứa không hoàn thành trong thoả thuận kinh doanh đã ký giữa chúng tôi.



Ảnh: Cổng Torii là biểu tượng của các ngôi đền thờ đạo Shinto ở Nhật. Cổng được dựng lên để phân biệt ranh giới giữa thế giới phàm tục và thế giới linh thiêng. Đền thờ Shinto tại đảo Itsukushima là một trong những di sản UNESCO với cổng Torii nổi trên mặt nước.


Cái máy bán hàng tự động sáng choang, đêm Tokyo sâu lắng. Bóng người đàn ông mặc vest đen lầm lũi bấm bấm vào cái màn hình cảm ứng. Xa xa bên góc phải là cái quầy gỗ cao có tô mỳ, lại một bóng vest đen, và một hàng ghế cao đơn độc. Người Nhật làm việc kinh khủng quá. Cái kỷ luật của những năm hậu thế chiến đã tạo ra cho họ một cường quốc, nhưng cũng để lại cho đời nay những quán mỳ “không tiếng động”, và những tương tác mơ hồ giữa bộ vest đen cùng tô mỳ ramen bốc khói. Đơn độc!


Cái hiệu sách chật chội, sách xếp đứng hàng hàng, ánh đèn trần sáng dịu. Thấp thoáng đây đó vài kẻ trầm ngâm chăm chú lật. Đó là hình ảnh của một trong hàng ngàn hiệu sách nhỏ xinh mà tôi nhìn thấy ở Tokyo. Có một văn hoá đọc sách, và tôi như trở về nhà….


Già nhất thế giới!

Tính đến năm 2030, dân số Nhật bản sẽ giảm còn 117 triệu, tương đương tỷ lệ giảm 7.7% so với năm 2015. Đồng thời, Nhật sẽ trở thành nước có dân số già nhất trên thế giới với gần 37 triệu dân có độ tuổi trên 65.




Sức mạnh nội tại

Có một cường quốc trỗi dậy từ mất mát đau thương. Có một cường quốc xây lên từ đống đổ nát của chiến tranh thế giới. Họ mãi mãi là bài học “diệu kỳ” của nhân loại. Họ mãi mãi là biểu tượng “đáng kính” của cả thể giới. Và họ đã làm được điều đó nhờ vào sức mạnh bên trong, sức mạnh của những giá trị hết sức nhân văn về danh dự, về lòng nhân ái, về sự chính trực, về lễ độ, và tính chân thật của một con người. Hành trang của một cường quốc sao mà đơn giản thế? Hành trang của một cường quốc sao mà thường tình thế? Phải chăng những lời nói nguy nga tráng lệ của chúng ta đã làm che lấp đi cái bình thường vĩ đại? Phải chăng điều phức tạp mà chúng ta mãi đi tìm chỉ là cái tôi chân chất đằng sau lớp vỏ ngoài bóng lộn? Ếch tôi cũng đã có một thời vẩn vơ đi tìm cái bóng của sự phức tạp, đi mãi, đi mãi…. Rồi một sớm mai kia đi ra thế giới, bỗng học được một bài học làm thay đổi vận mệnh con người: “Đỉnh cao của sự tinh tế là tận cùng của sự đơn giản.”


“Tôi ném đời mình qua cửa sổ”, đã có một lần ếch tôi mở đầu như thế…. để ngày hôm nay đơn giản đã tìm lại chính mình.


Trích chương 5 - Bushido & Nguồn gốc mặt trời - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân




177 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page